1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Vụ nổ sao băng ở Nga được “nghe thấy” khắp thế giới

(Dân trí) - Sóng âm phát ra từ vụ nổ sao băng ngày thứ sáu vừa qua trên bầu trời nước Nga đã được ghi nhận trên khắp thế giới.

 

Vụ nổ sao băng ở Nga được “nghe thấy” khắp thế giới


Có tới 11 máy cảm biến ở Greenland, châu Phi và bán đảo Kamchatka của Nga cùng các vùng xa xôi khác đã phát hiện được sóng hạ âm phát ra từ vụ nổ sao băng trên bầu trời nước Nga. Các máy cảm biến nằm trong hệ thống 60 trạm đo sóng hạ âm trên toàn cầu, do Tổ chức hiệp ước cấm thử hạt nhân toàn diện (CTBTO) vận hành. Sóng âm phát ra từ vụ nổ sao băng trên bầu trời Nga qua bầu khí quyển có tần số dưới 20Hz, nên con người không thể nghe thấy.

 

Bước sóng dài hạ âm, khoảng từ 20 đến 0,01 Hz, có thể truyền đi xa trong bầu khí quyển ở ngưỡng con người không thể nghe thấy. Các nhà khoa học đã phát hiện voi, cá heo và thậm chí chim bồ câu sử dụng sóng hạ âm để liên lạc và định vị.

 

CTBTO dựa vào đo sóng âm để xác định vị trí và độ lớn của các vụ nổ trong bầu khí quyển. Những vụ nổ do con người tạo ra, như bom, tạo ra dạng sóng hạ âm khác so với những quả cầu lửa tự nhiên như sao băng.

 

Cũng dựa vào dữ liệu đo đạc sóng hạ âm, giới khoa học NASA đã ra kết luận quả cầu lửa sao băng trên bầu trời Nga đã tỏa ra năng lượng bằng khoảng 300 kiloton, tức lớn hơn khoảng 20-25 lần các quả bom đã được thả xuống Nhật trong Thế chiến II, nhưng vẫn nhỏ hơn rất nhiều vụ nổ sao băng Tunguska ở Siberia vào năm 1908. Khi đó năng lượng được tỏa ra tương đương 10-15 megaton, tức giống như Castle Bravo, quả bom hạt nhân mạnh nhất được Mỹ thử nghiệm.

 

“Đây là vụ nổ trung bình”, Paul Chodas, nhà khoa học nghiên cứu tại Văn phòng dự án vật thể gần trái đất của Phòng thí nghiệm máy bay phản lực ở Pasadena, California, Mỹ, đánh giá.

 

Vũ Quý

Theo LiveScience