1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Vũ khí mới của Nga lợi hại cỡ nào?

Gần đây, trong thông điệp hằng năm tại hội nghị toàn Liên bang Nga, Tổng thống Putin đã tuyên bố rằng hiện vẫn còn quá sớm để nói về việc chấm dứt chạy đua vũ trang. Theo ông, trên thế giới hiện đang có một dạng chạy đua vũ trang mới. Nga không thể xem thường xu hướng này

Tổng thống Putin cho rằng việc phát triển một số loại vũ khí mới, nhất là ở Mỹ, sẽ kích thích một cuộc chạy đua vũ trang mới, chẳng hạn như tên lửa đạn đạo không có đầu đạn hạt nhân và vũ khí hạt nhân chiến thuật. Ngoài ra, ông nhấn mạnh rằng việc đưa vũ khí vào vũ trụ, trong số đó có cả vũ khí hạt nhân, là mối nguy hiểm nghiêm trọng. Ông cũng thật sự lo ngại khi ngân sách quốc phòng của Nga thấp hơn nhiều so với các nước phương Tây. Chi phí cho quốc phòng của nước Nga không thể so sánh với Pháp, Đức, Mỹ. Ngân sách quốc phòng của Nga ít hơn Pháp và Đức 2 - 3 lần, còn so với Mỹ thì kém 25 lần.

 

Lòng tự ái của người Nga

 

Ông Putin từng nhận định: “Điều đó có nghĩa là chúng ta phải xây dựng ngôi nhà của chúng ta kiên cố, vững chắc. Chính chúng ta đang nhìn thấy những gì đang xảy ra trên thế giới. Con chó sói biết nó đang cắn xé ai. Nó cắn xé và không nghe ai cả. Căn cứ vào tất cả mọi sự kiện thì nó không định nghe ai hết”.

 

Tổng thống Nga khẳng định rằng: “Các chính sách về quốc phòng và đối ngoại của Nga phải phản ánh vị trí của nước Nga trong sự nghiệp đấu tranh với tình trạng phổ biến các loại vũ khí hạt nhân, hóa học và vi trùng, cũng như chống lại chủ nghĩa khủng bố và phổ biến các xung đột địa phương”. Ông nhấn mạnh: “Trách nhiệm then chốt chống lại tất cả mọi mối đe dọa đó và bảo đảm ổn định toàn cầu sẽ nằm trên vai các cường quốc hàng đầu thế giới, các nước có vũ khí hạt nhân, có ảnh hưởng về mặt quân sự và chính trị”.

 

Như thế, trong thời gian sắp tới, khả năng chiến đấu của các lực lượng hạt nhân chiến lược của Nga sẽ được nâng cao do được cung cấp những máy bay, tàu ngầm, tên lửa thế hệ mới, những lãnh vực mà Nga đã thành danh từ lâu. Ngoài ra, hiện nước Nga đang tiến hành thành lập các tổ hợp vũ khí chính xác cao và các đơn vị chiến đấu cơ động mà đối phương không thể biết trước được quỹ đạo bay. Theo Tổng thống Putin, những dạng vũ khí mới sẽ cho phép nước Nga duy trì được thế cân bằng chiến lược với các thế lực trên thế giới.

 

Để duy trì thế cân bằng chiến lược đó, ông Putin nhấn mạnh rằng nước Nga sẽ “không chạy theo số lượng, không phí tiền vô ích. Các giải pháp của Nga phải được đặt cơ sở trên sự vượt trội về trí tuệ. Chúng sẽ ít tốn kém hơn, nhưng sẽ nâng cao độ tin cậy và tính hiệu quả của chiến lược hạt nhân”.

 

Những cuộc trình diễn ấn tượng

 

Trong cuộc trưng bày vũ khí Defendory International 2006 diễn ra từ ngày 3 đến 7/10 vừa qua ở Hy Lạp, nước Nga đã giới thiệu những mẫu xe tăng và hệ thống tên lửa mới nhất. Đó là những loại xe tăng T-72M1 và T-80U hiện đại hóa, cũng như là loạt xe tăng hiện đại nhất của Nga T-90. Ngoài xe tăng, người Nga còn trưng bày loại xe chiến đấu BMP-3 của bộ binh và loại BMP-2 được hiện đại hóa, cũng như các loại thiết vận xa BTR-80, BTR-80A, BTR-90.

 

Ngoài ra, Nga còn giới thiệu các loại tàu chiến và tổ hợp tên lửa cao xạ. Đáng chú ý nhất là tổ hợp tên lửa tầm trung Buk M1-2 có thể hủy diệt, bất chấp các biện pháp chống nhiễu của địch, không những máy bay và tên lửa kỹ-chiến thuật mà còn đánh chặn được tên lửa đạn đạo và tiêu diệt các mục tiêu trên biển và trên bộ.

 

Tại cuộc trưng bày lần này, lần đầu tiên Nga giới thiệu hệ thống vô tuyến định vị mới “Puma”. Hệ thống này do nhà máy kỹ thuật vô tuyến RATEP chế tạo với ba phương án. Phương án thứ nhất - 5P-10E - điều khiển hỏa pháo từ 25 đến 125 ly và hỏa lực từng loạt từ 122 đến 130 ly. Hệ thống này có tầm nhìn vòng tròn và có thể quan sát bốn mục tiêu cùng một lúc mà vẫn cung cấp thông tin chính xác về khoảng cách, phương hướng, tốc độ của mỗi mục tiêu và cả độ cao của mục tiêu trên không. Phương án thứ hai là 5P-10-02E không có tầm nhìn vòng tròn mà thực hiện việc tìm kiếm mục tiêu trong khu vực đã định trước. Phương án thứ ba 5P-10-03E có trọng lượng nhẹ hơn so với hai hệ thống kia và có thể điều khiển hỏa lực các loại pháo dưới 76 ly.

 

Hệ thống định vị “Puma” nổi bật với tính ổn định cao bất chấp mọi nhiễu loạn nhờ được trang bị hai kênh quan sát - quang học và vô tuyến, chọn lọc số liệu của các mục tiêu di động và nhanh chóng thay đổi tần số hoạt động của mình. Hệ thống này còn có thể được sử dụng để điều khiển hỏa lực của các khẩu pháo trên đất liền cũng như trên tàu thủy.

 

Sản phẩm hợp tác Nga - Pháp

 

Hơn nữa, Defendory International 2006 còn là dịp ra mắt ấn tượng của dự án hợp tác Pháp - Nga về hiện đại hóa xe bọc thép VBL. Loại xe bọc thép này có khả năng thông hành cao do hãng Panhard chế tạo, được trang bị modul quân sự “Quartet” do Nga sản xuất. Modul này được trang bị bốn tên lửa chống tăng “Cornet” được hiện đại hóa đặt ở bệ phóng và một tên lửa khác nữa bên trong bộ máy. Modul “Quartet” có thể phóng mỗi lần một hoặc hai tên lửa. Hệ thống quang- điện giúp phát hiện mục tiêu cả ban ngày lẫn ban đêm, trong bất cứ điều kiện thời tiết nào. Công dụng của VBL là trinh sát, chỉ huy, cứu thương. Lớp vỏ bảo vệ của VBL bằng thép dày từ 5 đến 11 mm.

 

Trước đó, tại cuộc triển lãm Defence - 2006 diễn ra ở Cape Town (Nam Phi) từ ngày 20 đến 24/9, có hơn 250 mẫu vũ khí và kỹ thuật quân sự mới của Nga. Các chuyên gia và khách tham quan đã có cơ hội làm quen với máy bay ném bom Su-32 (loại xuất khẩu là Su-34), máy bay tiêm kích Su-35 và các loại máy bay Il-114P, Yak-130. Nga còn giới thiệu loại trực thăng chiến đấu Mi-35 (loại xuất khẩu là Mi-24V), Mi-17, loại cứu hộ Ka-27PS. Ngoài ra, còn có các tên lửa không đối không P-73 và P-77, đất đối không X-29TE.

 

Theo Ngô Sinh

Người lao động