1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Vịnh Guantanamo - "Viên đá cản trở" Mỹ và Cuba khôi phục quan hệ

(Dân trí) - Chủ tịch Cuba Raul Castro từng tuyên bố nhiều lần rằng nếu Cuba và Mỹ khôi phục quan hệ trong thời gian tới, hai nước sẽ còn một chặng đường dài để vượt qua trước khi "bình thường hóa" quan hệ. Tuy nhiên, tới gần đây, ông Castro đã chốt lại 2 vấn đề được coi là yêu cầu của phía Cuba cho Mỹ.

Binh sĩ Mỹ tập luyện bên ngoài căn cứ hải quân ở Vịnh Guantanamo (Ảnh:
Binh sĩ Mỹ tập luyện bên ngoài căn cứ hải quân ở Vịnh Guantanamo (Ảnh: USNavy)

Đầu tiên, Cuba yêu cầu Mỹ dỡ bỏ lệnh cấm vận kinh tế. Tiếp theo, yêu cầu thứ 2 là về căn cứ hải quân ở Vịnh Guantanamo, tiền đồn lâu đời nhất của hải quân Mỹ trên thế giới. Theo giới quan sát, vấn đề thứ nhất chỉ là thời gian vì chính quyền Mỹ đã nhắc tới lộ trình dỡ bỏ lệnh cấm vận kinh tế cho Cuba. Tuy nhiên, với vấn đề còn lại, hai bên sẽ mất bao lâu để tìm được tiếng nói chung?

Các học giả và chuyên gia quân sự cho rằng thật khó để đánh giá rằng Mỹ có chấp nhận chỉ vì mối quan hệ với Cuba mà trao trả lại căn cứ chiến lược và được đầu tư hiện đại của nước này tại Vịnh Guantanamo hay không. Trên thế giới, có nhiều khu vực hay đảo trở thành nơi tranh chấp giữa hai quốc gia song Vịnh Guantanamo lại có những điểm khác biệt riêng.

"Có khả năng chúng tôi sẽ trao trả Vịnh Guantanamo cho Cuba nhưng để làm được điều đó, hai bên sẽ mất không ít công sức cho quá trình đàm phán", Đô đốc James Stavridis, cựu Tư lệnh Bộ Chỉ huy tối cao của NATO và giờ đang là giảng viên của Đại học Luật Fletcher và Đại học Ngoại giao Tufts, nhận định.

Ông James Stavridis từng là người đứng đầu Bộ Chỉ huy phương Nam của quân đội Mỹ trong giai đoạn từ 2006 tới 2009. Trên cương vị này, ông cũng là người có quyền quyết định các vấn đề ở căn cứ hải quân ở Vịnh Guantanamo, nơi từng được ông miêu tả là một "tài sản chiến lược và hữu dụng của quân đội Mỹ".

"Thật là khó để tìm ra một căn cứ hải quân nào khác ở gần Mỹ lại có cảng nước sâu, đường băng thẳng và nhiều đất đai như thế", ông Stavridis đánh giá về căn cứ hải quân tại Vịnh Guantanamo.

Có thời gian, căn cứ hải quân ở Vịnh Guantanamo được biết đến là nơi giam giữ các nghi phạm khủng bố trên toàn thế giới. Song đây chỉ là một trong những chức năng của căn cứ này. Đây là một điểm trung chuyển chiến lược của hạm đội bốn của Hải quân Mỹ, cũng như là nơi để quân đội Mỹ thực hiện các chiến dịch cũng như là nơi tổ chức các hoạt động cứu nạn trong khu vực. Ngoài ra, căn cứ hải quân ở đây cũng từng là nơi để chặn dòng người nhập cư trái phép từ các nước Trung Mỹ.

Sự phát triển của công nghệ đã mang tới những loại hình vũ khí mới như tàu sân bay, tàu ngầm có khả năng phóng tên lửa mang đầu đạn hạt nhân hay máy bay không người lái, căn cứ hải quân ở Vịnh Guantanamo được đánh giá không còn quá hữu dụng cho chiến tranh hiện đại.

"Bạn không cần phải sử dụng tới những căn cứ như thế để phát động một cuộc chiến dịch quy mô lớn. Chúng tôi hoàn toàn có thể thay thế căn cứ đó bằng những căn cứ ở phía Nam Florida hay tại Puerto Rico. Tôi nghĩ chúng ta hoàn toàn có thể có những phương án khác sau khi trao trả lại Vịnh Guantanamo", ông Stavridis nhận định.

Biểu tượng của một đế chế

Năm 1898, tàu chiến Mỹ với sự hỗ trợ của Cuba đã đánh bại được hạm đội của Tây Bân Nha. Sau đó, Mỹ đã được Cuba cho thuê lại căn cứ hải quân ở Vịnh Guantanamo với giá 2.000 USD/năm và số tiền này được trả bằng vàng. Sau đó, tới năm 1934, giá thuê đã được tăng lên 4.000 USD/năm. Theo một số nguồn tin, Mỹ được thuê vô thời hạn căn cứ và quá trình trao trả lại Vịnh Guantanamo cần có được sự đồng thuận từ hai bên.

Theo thời gian, Mỹ vẫn thanh toán số tiền thuê Vịnh Guantanamo như hợp đồng hai bên đã thống nhất cho Cuba. Tuy nhiên, La Habana không chấp nhận điều này vì họ không công nhận thỏa thuận trước đây. Cuba muốn Mỹ phải rời khỏi Vịnh Guantanamo. Với nhiều học giả, căn cứ hải quân của Mỹ ở Vịnh Guantanamo không chỉ đơn thuần là một tiền đồn có từ thế kỷ 19 mà còn là một biểu tượng của chủ nghĩa đế quốc trước đây.

Sau cuộc cách mạng tại Cuba, Mỹ đã làm mọi cách để giữ căn cứ hải quân ở Vịnh Guantanmo. Trong thời điểm căng thẳng của Chiến tranh Lạnh, đây được coi là nơi có khả năng xảy ra đụng độ giữa Mỹ và Liên bang Xô viết. Sau đó, nhà lành đạo Fidel Castro đã yêu cầu cắt nguồn nước và điện nối với căn cứ này. Khu rừng giữa Vịnh với Cuba có nhiều bãi mìn, các thiết bị theo dõi... Tới nay, căn cứ hải quân ở Vịnh Guantanamo hoàn toàn biệt lập với đất nước Cuba. Song những ai từng đến đây thăm đều phải thừa nhận rằng, Vịnh Guantanmo bây giờ trông như một thành phố thu nhỏ của Mỹ với các cửa hàng như McDonald's, Taco Bell, Subway...

Trong những năm qua, Tổng thống Mỹ Barack Obama từng nhiều lần thử tìm cách đóng cửa nhà tù ở căn cứ này. Tuy nhiên, theo ông Stavridis, Mỹ cần một đề xuất cụ thể hơn để "quốc tế hóa" căn cứ này. Ông cho rằng Lầu Năm Góc có thể sẽ chấp thuận với đề xuất để căn cứ này trở thành một trung tâm điều phối các hoạt động cứu trợ nhân đạo. Trong khi đó, các học giả khác cho rằng nếu được trao trả lại cho Cuba, căn cứ này sẽ trở thành trung tâm huấn luyện của Đại học Y tế Cuba, nơi sinh viên từ các nơi trên thế giới có thể tới để theo học các khóa huấn luyện miễn phí mà chính phủ Cuba hỗ trợ.

Trong lịch sử, Mỹ chưa phải là chưa trao trả một căn cứ có vị trí chiến lược trong quá khứ như Vịnh Guantanamo. Đã từng có nhiều cuộc tranh cãi về việc Mỹ có nên từ bỏ kênh đào Panama hay không. Song cuối cùng, Washington đã đi đến quyết định ký với giới chức Panama một thỏa thuận về việc bảo vệ "tính trung lập" của kênh đào này. Do vậy, nhiều học giả tin rằng khi thấy cần thiết, Washington hoàn toàn có thể trao trả lại Vịnh Guantanamo cho Cuba, coi đây là biểu tượng mới giúp khôi phục lòng tin giữa hai nước.

Ngọc Anh
Theo Washington Post