1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Kỷ niệm 20 năm bình thường hóa quan hệ Việt - Mỹ: (Phần 1)

Việt - Mỹ: Chặng đường dài gỡ dần nút thắt

(Dân trí) - Đến giờ vị Đại sứ Việt Nam đầu tiên tại Mỹ Lê Văn Bàng vẫn nhớ như in cảm xúc vui đến trào nước mắt khi xem trên TV thấy Tổng thống Bill Clinton tuyên bố bỏ cấm vận Việt Nam ngày 3/2/1994...

... Một dấu mốc quan trọng dọn đường cho bình thường hóa quan hệ hai nước.
 
Nhân dịp kỷ niệm 20 năm bình thường quan hệ Việt-Mỹ, phóng viên Dân trí đã có cuộc trò chuyện với nguyên Thứ trưởng Ngoại giao, nguyên Đại sứ Việt Nam đầu tiên tại Mỹ Lê Văn Bàng. Ông là một trong những người đã chứng kiến toàn bộ quá trình đàm phán bình thường hóa quan hệ giữa hai quốc gia từng là "cựu thù" với những ký ức chiến tranh đầy đau thương.
 
Trong ký ức nhà ngoại giao kỳ cựu Lê Văn Bàng, quá trình đàm phán ấy đã trải qua biết bao thăng trầm với cả những bước tiến và bước lùi, những mong mỏi rồi lại hụt hẫng rồi lại le lói hy vọng... trong bối cảnh nhiều biến động của khu vực và quốc tế, của mối quan hệ giữa các nước lớn và cả trong nội bộ hai nước.
 
    Đại sứ Lê Văn Bàng (
    Đại sứ Lê Văn Bàng (giữa) trình quốc thư lên Tổng thống Mỹ Bill Clinton ngày 14-5-1997, chính thức trở thành Đại sứ Việt Nam đầu tiên tại Mỹ.
 
Từ MIA tới bỏ cấm vận
 
Năm 1975, sau khi Việt Nam thống nhất đất nước, cả hai phía Việt-Mỹ đều muốn bình thường hóa quan hệ với nhau và đã tiến hành một số cuộc thương lượng tại Paris. Khi đó, Việt Nam đưa ra một điều kiện là yêu cầu Mỹ thực hiện điều khoản 21 trong Hiệp định Paris về việc Mỹ có trách nhiệm giúp Việt Nam tái thiết sau khi chiến tranh kết thúc. Nhưng phía Mỹ không đồng ý.

Vào thời gian đó tình hình quốc tế có rất nhiều biến động. Năm 1976, trong khi hai bên đang thương lượng thì chiến tranh biên giới Campuchia nổ ra, Việt Nam đưa quân sang giúp nước bạn Campuchia vào cuối năm 1978 và mọi hoạt động của mối quan hệ Việt-Mỹ hầu như bị cắt đứt.

Trong khi đó, hai nước lớn Mỹ và Trung Quốc bình thường hóa quan hệ với nhau, tập trung chống Liên Xô. Bối cảnh khu vực và quốc tế cũng như quan hệ giữa các nước lớn đều không thuận lợi cho quá trình bình thường hoá quan hệ Việt-Mỹ.

Đến đầu những năm 80 khi lực lượng bộ đội Việt Nam vẫn còn ở Campuchia, Mỹ cùng Trung Quốc và một số nước tập trung bao vây cấm vận Việt Nam. Quan hệ Việt - Mỹ đóng băng hoàn toàn, kể cả với những lĩnh vực Mỹ rất cần như tìm kiếm hài cốt người mất tích trong chiến tranh (MIA)...

Đến năm 1985 tình hình thế giới có những thay đổi, đặc biệt là Liên Xô lúc đó có chính sách đổi mới sau khi ông Michail Gorbachev lên nắm quyền và bắt dầu cải tổ đất nước. Chủ trương của Liên Xô lúc đó là hòa bình, không còn đối đầu nữa đồng thời mở cửa lại với phương Tây và hoà dịu với Mỹ. Khi Liên Xô hòa dịu với Mỹ cũng là lúc quan hệ Mỹ-Trung bắt đầu trục trặc.

Như vậy, tình hình giữa các nước lớn có nhiều thay đổi: Mỹ và Trung Quốc không còn hợp tác chống Liên Xô nữa; Mỹ và Liên Xô từ đối đầu chuyển sang bắt tay nhau. Đồng thời tại khu vực, Việt Nam dần rút hết quân khỏi Campuchia. Đây là một hành động có tác động lớn tới việc Mỹ bắt đầu tính tới bình thường hóa quan hệ với Việt Nam.

Cuối năm 1986, ngay trước Đại hội Đảng VI của Việt Nam, Mỹ cử một đoàn do hai Thượng nghị sĩ Hart và Lugar dẫn đầu sang Việt Nam gặp Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch. Vào khoảng 1990-1991, trong nhiệm kỳ của Tổng thống George H.W. Bush "cha", một phái đoàn Mỹ khác tiếp tục sang Việt Nam tập trung làm việc về vấn đề nhân đạo, tìm kiếm MIA, nhưng không nói gì đến vấn đề bình thường hóa quan hệ.
 
Khi đó Việt Nam đã thực hiện các chính sách đổi mới, mở cửa. Vì vậy việc tiếp cận với thị trường thế giới có ý nghĩa rất quan trọng, đặc biệt là các thị trường tiềm năng như Mỹ.

Trong những năm 1989-1990, rất nhiều doanh nghiệp Mỹ nóng lòng muốn vào Việt Nam khi thấy Việt Nam là điểm đến cho nhiều nhà đầu tư Nhật Bản và Tây Âu.

Năm 1992, trước khi Tổng thống Bush "cha" hết nhiệm kỳ, ông đã cho phép các doanh nghiệp Mỹ đặt văn phòng tại Việt Nam. Đến lúc đó Washington đưa ra 2 điều kiện để bình thường hóa quan hệ: Việt Nam rút hết quân khỏi Campuchia và Việt Nam giải quyết vấn đề tìm kiếm MIA. Họ đưa ra lộ trình 2 năm, nếu hoàn thành sẽ bình thường hóa quan hệ.

Cuối năm 1992, đầu năm 1993, ông Bàng được cử sang New York làm Đại sứ tại Liên hợp quốc với tâm thế là sẽ đi Washington DC để thành lập cơ quan liên lạc nhằm giúp thúc đẩy tiến trình bình thường hóa. Sau đó, hai bên ngầm thực hiện lộ trình 1991-1993.

Tháng 4/1993, Mỹ cử một đoàn do Thượng nghị sĩ Edmund Muskie dẫn đầu sang Việt Nam và Campuchia tìm hiểu và đánh giá 2 điều kiện trên, để về nước báo cáo lên chính phủ và quốc hội Mỹ trước khi tuyên bố bình thường hóa quan hệ với Việt Nam.

Tuy nhiên, khi đoàn của ông Muskie chưa về thì một nhân vật chống Việt Nam là Stephen Morris, học giả thuộc trường Đại học John Hopkins, đưa ra một tài liệu cho rằng "Trung tướng Trần Văn Quang đã báo cáo lên Bộ Chính trị Việt Nam về việc những tù binh Mỹ được gửi sang Nga" (?) Thông tin đó khiến dư luận Mỹ sôi sục và chuyến thăm Việt Nam của ông Muskie thất bại. Nỗ lực cho lộ trình 1991-1993 của hai phía bỗng chốc tiêu tan.

Tập tài liệu mà Morris đưa ra đã kéo lùi tiến trình đàm phán bình thường hóa tới 2 năm. Sau đó, tài liệu này được chứng minh là bịa đặt.

Phải đến ngày 3/2/1994, Tổng thống Bill Clinton mới có thể tuyên bố bỏ cấm vận Việt Nam nhưng vẫn chưa bình thường hóa quan hệ. Sau đó, 2 bên tiếp tục thương lượng, giải quyết rất nhiều vấn đề khác. Đến tháng 1/1995, Việt Nam mới đặt Văn phòng Liên lạc tại Washington DC.

Vào tháng 7/1995, Việt Nam mở đại sứ quán tại Washington DC và ông Bàng trở thành Đại biện lâm thời. Tới năm 1997, hai bên mới trao đổi đại sứ và ông Bàng chính thức là Đại sứ Việt Nam đầu tiên tại Mỹ.

Từ năm 1996 sau khi đã thiết lập quan hệ ngoại giao, hai nước tập trung vào giải quyết những gì còn tồn đọng từ thời chiến tranh, tăng cường hợp tác kinh tế, trong đó có lĩnh vực tài chính ngân hàng.

Hai nước cũng tiến hành thương lượng Hiệp định Thương mại song  phương và đến tận năm 2000 mới ký kết. Hiệp định có hiệu lực từ cuối năm năm 2001 sau khi được quốc hội hai bên phê chuẩn.

(

(Từ trái qua) Thượng nghị sĩ Kerry, ông George Munus - Chủ tịch OPIC, Đại sứ Lê Văn Bàng và Thượng nghị sĩ John McCain tại lễ khai trương các dự án của Việt Nam tháng 3-1998.

Nỗi niềm người trong cuộc

Đến giờ, nguyên Đại sứ Lê Văn Bàng vẫn nhớ như in cảm xúc vui đến trào nước mắt khi Tổng thống Clinton tuyên bố bỏ cấm vận với Việt Nam vào ngày 3/2/1994 - một dấu mốc quan trọng dọn đường cho bình thường hóa quan hệ thành công.

"Tôi đã mừng rơi nước mắt khi xem TV, nghe Tổng thống Clinton đọc tuyên bố dỡ bỏ cấm vận với Việt Nam. Chúng ta đã bỏ ra quá nhiều công sức cho điều đó và gặp phải quá nhiều thất vọng... nhưng cuối cùng đã có kết quả, điều đó rất có lợi cho dân tộc chúng ta", ông kể lại.

Theo ông, quá trình bình thường hóa được chuẩn bị từ lâu nhưng được mong mỏi nhất, ước vọng nhất chính là thời điểm bỏ cấm vận. Đó là lúc cả dân tộc mong muốn, cả đất nước mong muốn.

Trước đó khoảng 1 tháng, ông Bàng đã mường tượng điều này sẽ đến, nhưng một giáo sư Mỹ ở New York ông quen vẫn cho rằng chưa đến thời điểm chín muồi. Tới lúc cấm vận được dỡ bỏ, vị giáo sư tỏ ra rất bất ngờ và viết lên một tờ giấy dòng chữ:  "Cấm vận được dỡ bỏ ngày 3/2/1994. Đại sứ Lê Văn Bàng, ông đã chiến thắng" kẹp cùng tờ 5 USD ... gửi tặng ông Bàng. Đến giờ, ông Bàng vẫn giữ tờ 5 USD này như một kỷ niệm sâu sắc.

Trong thời gian 9 năm tại Mỹ với các vai trò từ trưởng văn phòng liên lạc, đại biện lâm thời tới đại sứ đầu tiên tại Mỹ, ông Bàng đã cố gắng hết sức làm một  nhịp cầu nối hàn gắn vết thương chiến tranh giữa hai nước. Ông đã đi tới gần 40 bang, có bang ông đến cả mấy chục lần như California hay New York, để nói với người Mỹ rằng: Việt Nam không phải là chiến tranh, Việt Nam luôn yêu chuộng hòa bình...

Nhìn lại chặng đường dài của quá trình đàm phán bình thường hóa quan hệ, theo nguyên Đại sứ Lê văn Bàng, quan hệ Việt - Mỹ bị tác động rất lớn bởi tình hình quan hệ các nước lớn và tình hình khu vực, tới mức có mỗi bên gần như không thể quyết định được bước đi của mình.

Có những lúc hai bên cố gắng tranh thủ tăng cường quan hệ theo nhu cầu chung, nhưng lại bị chi phối bởi các yếu tố bên ngoài, cùng những tác động từ nội bộ hai nước do cái gọi là "hội chứng chiến tranh" đã ăn sâu vào tiềm thức nhiều người dân của cả hai nước, khiến quá trình đàm phán kèo dài tới hai thập kỷ với những những nút thắt hết được tháo gỡ rồi lại buộc vào, lại tháo gỡ...
 
(Còn nữa)
 
Nam Hằng (thực hiện)