1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Vì THAAD, Trung - Hàn đều thiệt hại kinh tế

Những tranh cãi ngoại giao giữa Trung Quốc và Hàn Quốc liên quan đến việc Hàn Quốc triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) đang lan sang lĩnh vực kinh tế, thương mại, gây ảnh hưởng nặng nề về kinh tế cho cả hai nước.

Không bên nào có lợi khi hàng hóa kém lưu thông, khách du lịch hủy “tour” và nhiều cửa hàng dừng bán…

Hàn Quốc có thể thiệt hại 20 tỷ USD

Tuần qua, Ngân hàng Phát triển Hàn Quốc (KDB) đã công bố một báo cáo nhận định rằng nền kinh tế lớn thứ tư châu Á này có thể sẽ thiệt hại khoảng 20 tỷ USD trong thương mại với Trung Quốc, nếu cuộc tranh cãi ngoại giao liên quan đến việc Hàn Quốc triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) tiếp tục leo thang.

Cảnh vắng vẻ của một cửa hàng bán lẻ Lotte trên đất Trung Quốc. Ảnh: CNN
Cảnh vắng vẻ của một cửa hàng bán lẻ Lotte trên đất Trung Quốc. Ảnh: CNN

Theo báo cáo của KDB, kinh doanh hàng miễn thuế và du lịch, hai ngành chính có liên quan chặt chẽ nhất đến lượng du khách Trung Quốc sẽ bị thiệt hại khoảng 11,7 tỷ USD và các ngành khác sẽ thiệt hại tổng cộng 8,3 tỷ USD nếu Trung Quốc duy trì các biện pháp hạn chế thương mại với Hàn Quốc. Mỹ phẩm cũng là một trong những ngành sẽ bị tổn hại nhiều, dự tính lên tới 1,43 tỷ USD.

Tuy nhiên, báo cáo của KDB nhận định rằng các sản phẩm xuất khẩu chính khác như ô tô, chip điện tử và điện thoại thông minh sẽ không bị ảnh hưởng trước các biện pháp của Trung Quốc do các loại hàng này vẫn duy trì được mức cầu ổn định trên thị trường thế giới. Bản báo cáo cho rằng các biện pháp hạn chế của Trung Quốc có thể sẽ kéo dài khi xét tới việc trước đây Trung Quốc đã có những biện pháp cứng rắn đối với Nhật Bản trong các vụ tranh cãi tương tự.

Hiện tình trạng căng thẳng giữa Hàn Quốc và Trung Quốc đang leo thang sau khi Hàn Quốc đẩy nhanh tiến trình triển khai THAAD và Trung Quốc áp dụng nhiều biện pháp hạn chế thương mại được coi là để trả đũa động thái của Hàn Quốc.

Trung Quốc luôn phản đối Hàn Quốc triển khai THAAD vì cho rằng cụm radar rất mạnh của hệ thống này có thể được sử dụng để do thám các hoạt động của Trung Quốc. Phía Trung Quốc đã áp dụng một loạt các biện pháp hạn chế đối với các công ty của Hàn Quốc cũng như các công ty của Trung Quốc có mối quan hệ làm ăn với Hàn Quốc, trong đó có việc ngừng hoạt động các cửa hàng bán lẻ của Hàn Quốc tại Trung Quốc và cấm bán tour du lịch sang Hàn Quốc.

Sẽ thiệt hại nhiều hơn nếu xảy ra cuộc chiến thương mại toàn diện

Đánh giá về những thiệt hại kinh tế của cả hai nước, tạp chí Forbes và trang mạng Project Syndicate nhận định, việc đưa ra các đòn trừng phạt kinh tế, cho dù dưới hình thức nào cũng đều gây thiệt hại cho cả hai bên. Ngành du lịch, hàng tiêu dùng và công nghiệp giải trí của Hàn Quốc ngay lập tức đã cảm nhận được những tác động tiêu cực.

Tập đoàn bán lẻ hàng đầu Hàn Quốc Lotte đã buộc phải đóng cửa khoảng 50 cửa hàng bán lẻ tại Trung Quốc. Các đơn vị kinh doanh lữ hành lớn của Trung Quốc được yêu cầu không mở bán các tour cho khách du lịch tới Hàn Quốc. Phía Trung Quốc cũng cấm tàu du lịch cập cảng Hàn Quốc.

Đây được xem là đòn đánh mạnh vào ngành du lịch của Hàn Quốc, do khách Trung Quốc chiếm đến 47% trong tổng số khoảng 17 triệu khách du lịch quốc tế tới Hàn Quốc năm 2016. Nếu xu thế này tiếp diễn, khách du lịch Trung Quốc có thể giảm 70%, khiến Hàn Quốc thất thu 9-9,5 tỷ USD.

Truyền thông Trung Quốc đưa tin các công ty, tập đoàn lớn của Hàn Quốc như Hyundai, Samsung… cũng có thể là những “nạn nhân” tiếp theo.

Trung Quốc tỏ ra cứng rắn trước Hàn Quốc vì nước này nắm ưu thế lớn hơn trong quan hệ kinh tế-thương mại song phương. Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất và chiếm gần 25% tổng giá trị xuất khẩu của Hàn Quốc. Thế nhưng, đó không phải là quan hệ một chiều.

Hàn Quốc cũng là đối tác thương mại lớn thứ tư của Trung Quốc, cung cấp hàng hóa trung gian đầu vào chủ chốt cho các công ty sản xuất, lắp ráp tại Trung Quốc. 70% giá trị xuất khẩu của Hàn Quốc sang Trung Quốc nằm ở hàng hóa trung gian đầu vào và tư liệu sản xuất, với nhiều sản phẩm chủ chốt như thiết bị bán dẫn (chiếm 20%), màn hình (11%). Hàn Quốc cũng là nước đứng đầu về lượng khách du lịch tới Trung Quốc.

Trước việc Bắc Kinh áp đặt chiến tranh thương mại “không tuyên bố chính thức”, chính quyền Seoul đã tiến hành một số bước đi mang tính đáp trả. Chính phủ hỗ trợ các công ty du lịch gặp khó khăn, triển khai một số chương trình quảng bá mới nhằm mở rộng thị trường, thu hút khách du lịch đến từ Nga, Ấn Độ, Việt Nam, Indonesia, Trung Đông… nhằm tránh phụ thuộc quá lớn vào nguồn khách Trung Quốc.

Về ngoại giao, ngày 20-3 vừa qua, Bộ trưởng Thương mại Hàn Quốc Joo Hyung-hwan cho biết, nước này đã gửi khiếu nại lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) về việc Trung Quốc có thể đã vi phạm “một số thỏa thuận thương mại”.

Có thể thấy rõ, cả Trung Quốc và Hàn Quốc đều chịu thiệt hại nếu để vấn đề THAAD leo thang thành cuộc chiến thương mại toàn diện. Lịch sử cho thấy những căng thẳng kéo dài, ví dụ như tranh chấp lãnh thổ giữa Trung Quốc và Nhật Bản liên quan đến quần đảo Điếu Ngư/Senkaku hồi năm 2012, đều có thể hủy hoại nghiêm trọng quan hệ kinh tế và ngoại giao.

Các chuyên gia cho rằng, Trung Quốc và Hàn Quốc nên bảo vệ quan hệ được thúc đẩy và gìn giữ từ năm 1992.

Nhận thức rõ nguy cơ trên, chính phủ hai nước đang tăng cường các biện pháp để hóa giải những bất đồng. Tại Trung Quốc, giới chức nước này kiểm soát chặt các cuộc biểu tình chống Hàn Quốc, không để lây lan, bùng phát mạnh.

Trong khi đó, về phần mình, Hàn Quốc cũng có thiện chí giải quyết bất đồng với Trung Quốc qua đàm phán song phương. Chuyển khiếu nại lên WTO được xem là bước đi linh hoạt và ông Joo Hyung-hwan cũng không nói rõ Trung Quốc vi phạm ở điểm nào, không cho thấy Hàn Quốc sẽ khởi kiện tranh chấp hay không.

Điều này tạo ra khoảng không gian để hai bên có thể thúc đẩy tham vấn trong thời gian tới.

Theo Hoa Huyền

Quân đội nhân dân