1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024
  4. Chiến sự Israel - Hamas

Vì sao Trung Quốc "nổi đóa" khi Mỹ định đưa lá chắn tên lửa tới Hàn Quốc?

(Dân trí) - Trung Quốc gần đây liên tục cảnh báo Mỹ và Hàn Quốc về việc triển khai Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) tới bán đảo Triều Tiên. Vì sao vậy?


Một vụ thử nghiệm THAAD (Ảnh: nationalinterest)

Một vụ thử nghiệm THAAD (Ảnh: nationalinterest)

Sau khi Triều Tiên tiến hành các vụ thử hạt nhân và tên lửa tầm xa gần đây, Hàn Quốc đã tỏ ra rất quan tâm tới vấn đề phòng thủ tên lửa đạn đạo. Giới chức Seoul đang thảo luận với những người đồng cấp Mỹ về khả năng triển khai một Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) tại Hàn Quốc.

Hàn Quốc đã có các tên lửa Patriot tầm ngắn, nhưng THAAD có thể cung cấp tầng bảo vệ thứ 2, ở trên cao và tầm xa cho các khả năng đánh chặn tên lửa đạn đạo của nước này. Không phải tất cả mọi người đều ủng hộ kế hoạch đó. Trung Quốc đã tỏ thái độ phản đối về bất kỳ sự triển khai nào như vậy. Sự lo lắng của Trung Quốc về THAAD đã tăng tới mức Đại sứ nước này Hàn Quốc cảnh báo rằng việc triển khai THAAD có thể phá hủy quan hệ song phương “ngay tức thì”.

THAAD được bổ sung gần đây vào khả năng kho vũ khí đánh chặn/chống tên lửa đạn đạo của Mỹ. Nó đi vào phục vụ trong quân đội Mỹ hồi năm 2008. THAAD được thiết kế để đánh chặn và phả hủy các tên lửa đạn đạo tầm trung và tầm ngắn ở giai đoạn cuối.


Sơ đồ mô phỏng hoạt động của THAAD (Ảnh: businessinsider)

Sơ đồ mô phỏng hoạt động của THAAD (Ảnh: businessinsider)

Xem một vụ thử nghiệm của THAAD hồi tháng 11/2015

Một khẩu đội THAAD bao gồm 4 thành phần chính: Xe phóng tên lửa, tên lửa đánh chặn mục tiêu, radar và trung tâm chỉ huy. Các tên lửa THAAD được cho là có tầm xa 200 km và có thể lên độ cao 150 km. Cho tới nay, các vụ thử nghiệm cho thấy hệ thống đã chứng tỏ sự hiệu quả đối với các tên lửa đạn đạo tầm ngắn và tầm trung.

THAAD có thể giúp bảo vệ Hàn Quốc trước các mối đe dọa từ tên lửa của Triều Tiên. Mỹ hiện cũng có 28.500 quân tại Hàn Quốc. Nếu THAAD được triển khai, các tên lửa Toksa, SCUD, và No Dong của Triều Tiên sẽ bớt có nguy cơ đe dọa đối với Hàn Quốc đi nhiều.

Trung Quốc lo ngại chủ yếu về các khả năng do thám của hệ thống. Bắc Kinh không lo ngại rằng một hệ thống tên lửa THAAD tại Hàn Quốc có thể đánh chặn một tên lửa chiến lược Trung Quốc bay tới lục địa Mỹ, bởi đó là viễn cảnh không thực tế. Thay vào đó, Bắc Kinh lo ngại rằng radar của THAAD có thể cung cấp dữ liệu theo dõi sớm cho các đơn vị khác của hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo của Mỹ, đặc biệt các căn cứ tên lửa đánh chặn bố trí trên mặt đất chịu trách nhiệm bảo vệ nước Mỹ, do đó làm suy giảm khả năng tấn công Mỹ của Trung Quốc.


THAAD có thể bảo vệ Hàn Quốc khỏi các mối đe dọa từ tên lửa của Triều Tiên (Ảnh: businessinsider)

THAAD có thể bảo vệ Hàn Quốc khỏi các mối đe dọa từ tên lửa của Triều Tiên (Ảnh: businessinsider)

Sự lo ngại của Trung Quốc là một trường hợp an ninh 3 bên điển hình, khi hành động của một nước nhằm đáp trả hành động của một nước khác lại gây phức tạp trong quan hệ với một bên thứ 3. Tuy nhiên, Trung Quốc không phải là quốc gia đầu tiên cảm thấy bị đe dọa bởi một radar phòng thủ tên lửa. Nga cũng từng cảm thấy bị đe dọa khi chính quyền của Tổng thống Mỹ George W. Bush đề xuất triển khai radar băng X tại châu Âu để hỗ trợ một hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo trong khu vực nhằm đề phòng Iran.

Hàn Quốc và Trung Quốc cần đi tới một sự hiểu nhau, nhưng điều này sẽ là không thể chừng nào Trung Quốc vẫn giữ lập trường khăng khăng phản đối về THAAD, từ chối ủng hộ việc triển khai hệ thống phòng thủ này tới bán đảo Triều Tiên. Liệu có cách khác không? Nếu hỏi Hàn Quốc và Mỹ, câu trả lời sẽ là có: Trung Quốc có thể thay đổi cách tiếp cận với Triều Tiên, để khiến việc triển khai THAAD bớt cấp bách trong ngắn hạn. Nhưng điều này được dự đoán chắc chắn sẽ không xảy ra trong tương lai gần, dù Mỹ và Trung Quốc đã đạt được một số tiến bộ về các lệnh trừng phạt nghiêm khắc hơn chống lại Bình Nhưỡng.

An Bình