1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Vì sao Triều Tiên không muốn đàm phán hạt nhân với Nhật Bản?

(Dân trí) - Triều Tiên cảnh báo Nhật Bản không can thiệp vào quá trình phi hạt nhân hóa vì Tokyo không liên quan đến các thỏa thuận mới đây giữa Bình Nhưỡng với Washington và Seoul.


Phóng viên Nhật Bản không được mời đưa tin vụ phá hủy bãi thử hạt nhân Punggye-ri của Triều Tiên hồi tháng 5. (Ảnh: Reuters)

Phóng viên Nhật Bản không được mời đưa tin vụ phá hủy bãi thử hạt nhân Punggye-ri của Triều Tiên hồi tháng 5. (Ảnh: Reuters)

Sau khi gạt Nhật Bản khỏi các cuộc đàm phán cấp cao gần đây về hạt nhân, Triều Tiên tiếp tục cảnh báo Nhật Bản không can thiệp vào vấn đề giải trừ hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên.

Phát biểu hôm qua 26/6 tại Hội nghị giải trừ vũ khí của Liên Hợp Quốc, nhà ngoại giao Triều Tiên Ju Yong-chol cho rằng, Nhật Bản nên tránh can thiệp vào quá trình giải trừ hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên vì Tokyo không ký kết Tuyên bố Bàn Môn Điếm hay Tuyên bố chung Mỹ-Triều.

Nhật Bản từ lâu đã thể hiện quan điểm cứng rắn, ủng hộ dùng lệnh trừng phạt để gây sức ép buộc Triều Tiên từ bỏ chương trình hạt nhân. Sau thành công của hội nghị thượng đỉnh liên Triều và Mỹ-Triều, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe bày tỏ mong muốn tiến hành một cuộc gặp thượng đỉnh tương tự với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un để giải quyết các vấn đề liên quan đến an ninh hạt nhân, số phận của các công dân Nhật Bản bị bắt giữ tại Triều Tiên.

Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng, Bình Nhưỡng không hứng thú với việc thảo luận vấn đề công dân bị bắt cóc. Ngoài ra, truyền thông nhà nước Triều Tiên trong tuần này cũng nhấn mạnh quan điểm của Triều Tiên là Nhật Bản trước hết phải xin lỗi và bồi thường cho các nạn nhân chiến tranh ở Triều Tiên. "Sẽ hợp tình hợp lý nếu Nhật Bản đưa ra lời xin lỗi chân thành và bồi thường. Nhật Bản không thể trốn tránh trách nhiệm này", hãng thông tấn KCNA của Triều Tiên bình luận.


Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un (Ảnh: Getty)

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un (Ảnh: Getty)

Ông Jeff Kingston, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu châu Á tại Đại học Temple, cho rằng qua các cuộc hội đàm với lãnh đạo Trung Quốc, Hàn Quốc và Mỹ, ông Kim Jong-un đang gửi đến ông Abe một thông điệp rõ ràng rằng Nhật Bản nằm đâu trên bàn cờ chính trị.

"Các cuộc gặp này nhằm phát đi thông điệp rằng, nếu (Thủ tướng Nhật Bản) Abe muốn góp mặt trong các cuộc đàm phán cấp cao và có tiếng nói trong các cuộc đàm phán thay vì bị gạt sang bên lề thì ông ấy cần linh hoạt về vấn đề công dân bị bắt cóc".

Trong khi đó, Yoichi Shimada, giáo sư về quan hệ quốc tế tại Đại học Fukui, cho rằng Nhật Bản vẫn còn nắm "át chủ bài" trong vấn đề Triều Tiên. "Tổng thống Trump tuyên bố Mỹ không có ý định viện trợ kinh tế cho Triều Tiên, trong khi Hàn Quốc cũng đang trên bờ vực suy thoái kinh tế nên khó có thể viện trợ lớn cho Bình Nhưỡng, do vậy Nhật Bản sẽ vẫn có thể có vai trò quan trọng với Triều Tiên". Vì lý do này, theo chuyên gia Shimada, hội nghị thượng đỉnh giữa Thủ tướng Abe và nhà lãnh đạo Kim Jong-un sẽ sớm diễn ra.

Minh Phương

Theo SCMP