1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Vì sao Triều Tiên bất ngờ đề nghị đàm phán với Hàn Quốc?

(Dân trí) - Trong bài phát biểu năm mới, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tuyên bố sẵn sàng đối thoại với Hàn Quốc. Đây được coi là động thái bất ngờ mặc dù ông tiếp tục cảnh báo hạt nhân với Mỹ.


Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un (Ảnh: Reuters)

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un (Ảnh: Reuters)

“Món quà” bất ngờ

Reuters cho biết, trong bài phát biểu chúc mừng năm mới ngày 1/1//2018, lãnh đạo Triều tiên Kim Jong-un đã đưa ra gợi ý về khả năng đàm phán hòa bình với Hàn Quốc mà mở đầu là việc cử phái đoàn tới dự Thế vận hội mùa đông Pyeongchang (Hàn Quốc) vào tháng 2 tới.

“Chúng ta nên hóa giải căng thẳng quân sự trên bán đảo Triều Tiên để tạo ra một môi trường hòa bình, cả Hàn Quốc và Triều Tiên đều nên cùng nỗ lực".

Ông cho biết thêm, đại diện của Triều Tiên sẽ bắt đầu trao đổi sớm nhất có thể với đối tác Hàn Quốc để thảo luận việc cử phái đoàn tới dự Thế vận hội mùa đông 2018. Ông cũng chúc người láng giềng phía Nam tổ chức thành công thế vận hội này.

Những đề nghị bất ngờ này ngay lập tức đã nhận được sự hoan nghênh của Hàn Quốc. Phát ngôn viên Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc, ông Park Soo-hyun, cho biết Hàn Quốc hy vọng hai bên có thể giải quyết vấn đề hạt nhân và tiếp tục phối hợp chặt chẽ với cộng đồng quốc tế.

Trong khi bất ngờ dịu giọng với Hàn Quốc, nhà lãnh đạo Triều Tiên tiếp tục những cảnh báo căng thẳng với Mỹ. “Toàn bộ nước Mỹ hiện nằm trong tầm ngắm của các vũ khí hạt nhân chúng tôi và một nút bấm khởi động hạt nhân luôn nằm trên bàn làm việc của tôi. Đây là một thực tế, chứ không phải là một lời đe dọa”, ông Kim Jong-un nói.

Ông cũng cho biết thêm, trong năm 2018, Bình Nhưỡng sẽ tập trung sản xuất hàng loạt và triển khai các đầu đạn hạt nhân cùng tên lửa đạn đạo và sẽ sử dụng chúng nếu “an ninh bị đe dọa”.

Không vội mừng

Giới quan sát cho rằng vẫn cần thận trọng với lời đề nghị bất ngờ của Triều Tiên.

Duyeon Kim, nhà nghiên cứu cấp cao thuộc Diễn đàn Tương lai bán đảo Triều Tiên ở Seoul, cho rằng: “Đây là một thông điệp tích cực, nhưng giờ đây quả bóng trách nhiệm lại bị đẩy về phía Hàn Quốc và Mỹ… Điều quan trọng là Hàn Quốc giải thích cho Mỹ mọi bước đi và hợp tác tiến lên phía trước với Washington”.

Euan Graham, Giám đốc Chương trình an ninh quốc tế thuộc Viện nghiên cứu Lowy, nhận định với CNN: “Triều Tiên đang cố chìa cành oliu cho Hàn Quốc, đây là một thay đổi đáng kể nhất bởi từ trước đến nay họ không cho thấy bất cứ mong muốn đàm phán với Hàn Quốc hay bất cứ bên nào về vấn đề đó (chương trình hạt nhân)”.

Chuyên gia này nói thêm: “Tuy nhiên, cành oliu đó luôn ẩn giấu bên trong mục đích khác của Triều Tiên. Nó không đồng nghĩa với việc (Triều Tiên) chấm dứt chương trình hạt nhân. Kể cả khi Triều Tiên cử phái đoàn tới Thế vận hội mùa đông, cũng không có gì đáng ngạc nhiên nếu Triều Tiên tiếp tục các vụ thử tên lửa vào mùa xuân, đó có thể là một vụ phóng tên lửa từ tàu ngầm hoặc một vụ phóng vệ tinh”.

Hãng thông tấn KCNA hôm 30/12 cũng nói rằng: “Triều Tiên, một nhà nước chiến lược mới, một cường quốc hạt nhân không thể phủ nhận, tuyên bố: đừng mong đợi bất kỳ sự thay đổi nào trong chính sách của chúng tôi. Triều Tiên, một thực thể có sức mạnh bất khả chiến bại, sẽ không thể bị làm suy yếu, cũng không thể bị tiêu diệt”.

Minh Phương

Tổng hợp