1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024
  4. Chiến sự Israel - Hamas

Vì sao nước Mỹ liên tục bị tin tặc đột nhập?

Trong khi Thượng viện Mỹ bác bỏ một dự luật nhằm tăng cường các biện pháp bảo vệ trước các cuộc tấn công mạng, nhiều cơ quan công quyền và tư nhân ở xứ cờ hoa tiếp tục lao đao vì sự lộng hành ngày càng gia tăng của tin tặc.

Tuần trước, tin tặc đã bất ngờ đột nhập hệ thống dữ liệu nguồn nhân lực của Chính phủ Mỹ và theo thông tin mới nhất, vụ việc đã khiến những thông tin nhạy cảm về tất cả các nhân viên liên bang Mỹ bị rò rỉ.
 
Trong thư gửi Cơ quan Quản lý nhân sự (OPM) thuộc Chính phủ Mỹ ngày 11-6, Liên đoàn Công chức Chính phủ Mỹ khẳng định, tin tặc đã có được các số thẻ căn cước bí mật mà mỗi công dân Mỹ cần để xin việc, thi lấy bằng lái xe hoặc mở tài khoản ngân hàng. Ngay cả những thông tin về địa chỉ, ngày sinh, tiền lương và hồ sơ quân sự của mỗi cá nhân cũng đã bị đánh cắp. Ngoài ra, tin tặc còn có tất cả dữ liệu cá nhân của từng nhân viên liên bang đang đương chức hay về hưu; tổng cộng Mỹ có khoảng 1 triệu cựu nhân viên liên bang.
 
Các chuyên gia về an ninh mạng làm việc trong Lầu Năm Góc. (Ảnh:
Các chuyên gia về an ninh mạng làm việc trong Lầu Năm Góc. (Ảnh: theguardian.com)

Đó chỉ là một trong số hàng loạt các vụ tấn công mạng nhằm vào các cơ quan công quyền và tư nhân của Mỹ trong thời gian qua. Theo Reuters, trước đó không lâu, tin tặc đã đánh cắp dữ liệu cá nhân của ít nhất 4 triệu nhân viên liên bang Mỹ cùng hồ sơ của 750.000 nhân viên dân sự thuộc Bộ Quốc phòng Mỹ, sau khi đột nhập thành công vào OPM. Nên nhớ rằng mỗi năm, OPM có trách nhiệm xử lý hàng trăm nghìn giấy phép an ninh thuộc hàng nhạy cảm cùng hồ sơ của các nhân viên.

Hay như vụ việc xảy ra ngày 8-6, khi một nhóm tin tặc tấn công trang web chính thức của lực lượng lục quân Mỹ, rồi để lại những lời nhắn lên án việc Washington huấn luyện các tay súng nổi dậy ở Syria. Vụ việc đã khiến lục quân Mỹ phải tạm thời đóng cửa trang điện tử này để tránh việc lộ, lọt dữ liệu.

Qua đó có thể thấy, các vụ tấn công mạng nhằm vào các cơ quan công quyền và tư nhân tại Mỹ đang có dấu hiệu ngày càng gia tăng cả về số lượng và tính chất phức tạp. Còn nhớ năm ngoái, tin tặc cũng đã từng xâm nhập hàng loạt thư điện tử của Nhà Trắng và Bộ Ngoại giao Mỹ, đánh cắp thông tin của khoảng 100.000 người nộp thuế từ máy tính của Sở Thuế vụ Mỹ.

An ninh mạng là vấn đề khiến chính quyền Mỹ đau đầu suốt thời gian vừa qua, bởi các vụ tấn công không chỉ gây tổn thất lớn cho nền kinh tế mà còn đe dọa an ninh quốc gia, ảnh hưởng không nhỏ đến tự do cá nhân của các công dân Mỹ.

Một trong những lý do khiến Mỹ liên tục bị tin tặc “hỏi thăm” là nước này chưa có được một hệ thống máy tính đủ mạnh để ngăn chặn các cuộc tấn công bất ngờ. Nghe thì có vẻ vô lý, bởi từ trước đến nay ai cũng nghĩ rằng, là cường quốc số 1 thế giới, ắt hẳn Mỹ phải sở hữu một dàn máy tính xứng tầm. Song như Tổng thống Barack Obama mới đây thừa nhận, hệ thống máy tính của Mỹ hiện nay đã lỗi thời và dễ bị tin tặc xâm nhập đánh cắp các dữ liệu.

Trước thực trạng trên, ông Obama nhấn mạnh rằng, Washington cần triển khai các biện pháp tăng cường phòng thủ trong lĩnh vực an ninh mạng. Tổng thống Mỹ cũng hối thúc Quốc hội nước này cần thúc đẩy và thông qua đạo luật an ninh mạng để có thể ứng phó hiệu quả trước các cuộc tấn công từ bên ngoài.

Thế nhưng, đạo luật đó lại một lần nữa vượt khỏi "tầm với" khi ngày 11-6 vừa qua, Thượng viện Mỹ đã bác bỏ một dự luật nhằm tăng cường các biện pháp bảo vệ trước các cuộc tấn công mạng. Đó đã là lần thứ ba trong suốt ba năm qua, các Thượng nghị sĩ Mỹ không thể nhất trí thông qua dự luật quan trọng này.

Thực tế ấy khiến người ta dự báo rằng, các cơ quan chính phủ, đơn vị quân đội và doanh nghiệp của Mỹ sẽ còn phải đối mặt với “các cuộc viếng thăm không báo trước” của tin tặc dài dài.

Theo Trung Dũng
Quân đội Nhân dân