1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Vì sao Mỹ thất bại trong việc chặn nguồn tiền của IS?

(Dân trí) - Hơn một năm tiến hành không kích IS, nhưng Mỹ và các đồng minh không thể chặn nguồn tiền của IS, do sai lầm trong đánh gia tiềm lực của nhóm này, dẫn tới những giải pháp không hiệu quả.


IS vẫn lớn mạnh do nguồn tài chính không bị ngăn chặn (Ảnh: RT)

IS vẫn lớn mạnh do nguồn tài chính không bị ngăn chặn (Ảnh: RT)

Vài tuần trước khi các cuộc khủng bố tại Paris diễn ra, làm 130 người thiệt mạng, các chiến đấu cơ của Mỹ và đồng minh đã nối lại các cuộc không kích tại Iraq và Syria. Mục tiêu là các giếng dầu cũng những cơ sở hạ tầng giúp đem về nguồn thu cho IS.

Các cuộc không kích được triển khai không phải do giới chức Mỹ đã hoạch định từ trước. Chúng chỉ diễn ra sau khi Washington nhận ra và lặng lẽ sửa chữa một sai lầm khổng lồ trong nhận định về tiềm lực của IS. Tình báo Mỹ đã ước tính sai nghiêm trọng mức độ thiệt hại các cuộc không kích gây ra cho hệ thống sản xuất dầu mỏ, trong khi đánh giá thấp tới 400 triệu USD doanh thu từ dầu mỏ của nhóm Hồi giáo cực đoan này.

Theo các quan chức Bộ tài chính Mỹ cùng dữ liệu được công bố sau thảm kịch tại Paris, IS thực sự đang thu về tới 500 triệu USD mỗi năm từ dầu mỏ. Hơn thế nữa, chỉ vài giờ trước khi những kẻ khủng bố đánh bom liều chết bên ngoài sân vận động Stade de France hôm 13/11, đại tá quân đội Mỹ Steve Warren thừa nhận trong một cuộc họp báo rằng, một số cuộc không kích của Mỹ chỉ làm gián đoạn hoạt động sản xuất dầu của IS không quá 1-2 ngày.

Chính quyền Tổng thống Obama “đã hiểu sai vấn đề (dầu mỏ) ngay từ đầu, và sau đó đánh giá cao quá mức những hiệu quả họ tạo ra”, nhà phân tích chính sách Benjamin Bahney, đến từ cơ quan nghiên cứu Rand Corp được tài trợ bởi Bộ quốc phòng Mỹ, cho biết. Rand Corp chính là cơ quan chủ trì một nghiên cứu năm 2010 về nguồn tài chính và các hoạt động ngầm của IS dựa trên những sổ sách bị thu giữ.

Bahney khẳng định ước tính mới về doanh thu từ dầu mỏ được đưa ra sau khi giới chức Bộ tài chính có được thông tin tình báo với về hoạt động kinh doanh dầu mỏ của IS. Những dữ liệu mới thu được sau cuộc đột kích trên bộ hiếm hoi của đặc nhiệm Mỹ hồi tháng 5. Các lực lượng Mỹ, xâm nhập sâu vào lãnh địa của nhóm này tại phía đông Syria, đã truy kích và tiêu diệt “trùm dầu mỏ” của IS, có tên Abu Sayyaf, Lầu Năm Góc cho biết.

Hiện chưa rõ vì sao Mỹ trước đây lại đưa ra những tính toán sai lệch đến vậy, Bahney nói, nhưng ông nghi ngờ rằng các cuộc không kích gần đây có liên quan trực tiếp đến những số liệu mới được công bố. “Cần phải lần theo đường đi của dầu mỏ, và phải làm việc đó một cách nghiêm túc. Giờ chúng ta đã bắt đầu làm việc đó”, nhà phân tích nhận định.

Nhưng ngay cả khi Mỹ làm suy yếu thu nhập từ dầu mỏ của IS, Bahney cùng các nhà phân tích khác cho rằng, nhóm khủng bố này còn nhiều nguồn thu khác, như bán nô lệ tình dục, bắt cóc con tin hay cướp bóc đất canh tác…Những nguồn thu đó có thể giúp chúng chiến đấu thêm nhiều năm nữa. Dù gì, với 500 triệu USD, IS có thể mua rất nhiều súng AK-47, vốn có giá khoảng 500 USD trên thị trường chợ đen.

IS đẩy mạnh bán dầu thô

IS bắt tay vào kinh doanh dầu mỏ từ lâu trước khi khiến thế giới chú ý tới với những vụ hành quyết man rợ mùa hè 2014. Nhóm này giành quyền kiểm soát các cửa khẩu với Syria để thuận tiện cho hoạt động buôn lậu, đồng thời tái khởi động một mạng lưới đã hoạt động hàng thập niên, từ ít nhất giữa những năm 1990, được chính quyền Saddam Hussein sử dụng để buôn lậu hàng tỉ USD dầu mỏ, tránh né các lệnh cấm vận.

Hầu hết dầu được lọc tại Syria, sau đó được xe tải chở tới các thành phố như Mosul để cung cấp cho cư dân trong lãnh địa của IS. “Chúng có một chuỗi cung ứng được tổ chức bài bản đưa dầu vào Iraq và khắp “vương quốc Hồi giáo””, Michael Knights, chuyên gia về Iraq tại Viện chính sách Cận Đông Washington nhận định.

Do Mỹ từng tin rằng IS kiếm tiền chủ yếu thông qua bán dầu đã được lọc thay vì dầu thô, các cuộc không kích trong năm ngoái chủ yếu tập trung vào các nhà máy lọc dầu và kho dự trữ, Bahney cho biết thêm.

Ông cùng các chuyên gia khác cho rằng chiến lược đó đã bỏ qua một sự dịch chuyển quan trọng: nhóm Hồi giáo cực đoan này đang đẩy mạnh bán dầu thô cho các xe vận chuyển và người trung gian, thay vì tự lọc dầu. Do vậy, dù IS vẫn duy trì một năng lực lọc dầu nào đó, đa phần dầu trong lãnh địa IS được lọc bởi chính người dân địa phương, với hàng nghìn cơ sở lọc dầu thô sơ.

Giới chức Lầu Năm Góc cũng thừa nhận rằng, hơn một năm qua họ đã tránh không kích các xe tải chở dầu để hạn chế thương vong cho dân thường. “Không ai trong số những người đó là IS. Chúng ta không thấy đúng đắn khi dội bom họ, nên chúng ta đã phải chứng kiến dòng dầu của IS chảy suốt một năm qua”, Knights khẳng định.

Tất cả chỉ thay đổi từ hôm 16/11 vừa qua, khi 4 chiến đấu cơ Mỹ cùng hai trực thăng phá hủy 116 xe chở dầu. Người phát ngôn Lầu Năm Góc cho biết trước đó Mỹ đã thả tờ rơi, yêu cầu các tài xề bỏ lại xe.

Những nguồn thu lớn ngoài dầu mỏ

Ngoài dầu, IS được giới chức Mỹ cho là còn có các tài sản khác, gồm từ 500 triệu đến 1 tỉ USD mà nhóm này cướp được từ các chi nhánh ngân hàng tại Iraq, “hàng trăm triệu USD” tiền có được từ cướp bóc và đánh thuế người dân trong lãnh địa chúng kiểm soát, và hàng chục triệu USD từ bán cổ vật cùng tiền chuộc từ hoạt động bắt cóc con tin.

Các khoản thuế đem về lượng tiền đáng kể. Một ví dụ đó là IS cho phép các cựu cảnh sát, binh sỹ quân đội và giáo viên trong lãnh địa “chuộc lỗi”, vì từng làm việc cho những chính quyền không phù hợp về mặt tôn giáo, với một mức phí nhất định. Họ sẽ được cấp một dạng “thẻ hối lỗi” sau khi trả mức phí có thể lên tới 2500 USD, và mỗi năm phải chi thêm 200 USD để gia hạn, Aymenn Jawad al-Tami, nhà nghiên cứu tại Diễn đàn Trung Đông cho biết.

IS còn một nguồn thu ít ai chú ý tới đó là các trang trại phì nhiêu. Không cần khởi động bất kỳ máy cày nào, nhóm này được tin là đã thu về lượng lúa mỳ trị giá tới 200 triệu USD từ các kho chứa ở Iraq.

Ngoài lượng hoa màu đã thu hoạch, IS hiện cũng kiểm soát các cánh đồng khắp các thung lũng sông Tigris và Euphrates. Đây là khu vực trước đây vẫn cung cấp một nửa sản lượng lúa mỳ hàng năm cho Syria, một phần ba lượng lúa mỳ của Iraq. Ngoài ra khoảng 40% ngũ cốc của Iraq cũng đến từ đây, số liệu của tổ chức nông nghiệp Liên Hợp Quốc và một nhà kinh tế học Syria cho biết.

Những cánh đồng này có thể tạo ra 200 triệu USD/năm nếu hoa máu được đem bán, dù với mức giá rẻ trên thị trường chợ đen. Trong khi đó, ít ai lại tiến hành không kích những cánh đồng.

Chuyên gia Bahney còn tin rằng sức mạnh tài chính của IS đến từ kỷ luật chi tiêu nghiêm ngặt. Rand Corp ước tính khoản chi lớn nhất của IS là lương cho khoảng 100.000 binh sỹ. Nhưng riêng nguồn thu từ dầu mỏ có thể đảm bảo chi lương cho hơn 2 năm. Ông cũng cho rằng IS đang đạt thặng dư ngân sách.

Do vậy, chuyên gia này tin rằng nếu Mỹ và đồng minh thực sự muốn làm suy yếu IS, họ phải nhận ra rằng tập trung triệt hạ hoạt động kinh doanh dầu mỏ là quan trọng nhưng chưa đủ. “Chúng đã xây dựng được một dòng tiền khá lớn trong năm ngoái. Chúng sẽ còn có thể trụ vững trong một thời gian nữa”, Bahney cảnh báo.

Thanh Tùng

Theo Bloomberg