1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024
  4. Chiến sự Israel - Hamas

Xung quanh Dự luật an ninh mới của Nhật Bản

(Dân trí) - Thượng viện Nhật Bản đang tranh luận về các Dự luật an ninh mới và theo kế hoạch Dự luật này sẽ được thông qua vào trước cuối tháng 9 để trở thành luật. Tuy nhiên, hàng người Nhật Bản đã biểu tình gần trụ sở quốc hội ở Tokyo để phản đối việc cho phép quân đội Nhật tác chiến ở nước ngoài.

 

Xung quanh Dự luật an ninh mới của Nhật Bản - 1

Đám đông biểu tình phản đối dự luật an ninh mới (Ảnh: EFE)

Trong những cuộc biểu tình lớn đó, đám đông đã hô khẩu hiệu “không chiến tranh” và “ông Abe từ chức”. Vì sao như vậy?

Từ thay đổi Hiến pháp hòa bình…

Theo đề xuất từ chính phủ của Thủ tướng Abe, hồi tháng 7 Hạ viện Nhật đã thông qua nhóm các Dự luật cho phép lực lượng phòng vệ Nhật Bản tham gia tác chiến để bảo vệ nước này và đồng minh khi bị tấn công.

Nếu Dự luật an ninh mới được thông qua, thì đây là lần đầu tiên lực lượng phòng vệ Nhật Bản được tham chiến ở nước ngoài, kể từ Thế chiến thứ II tới nay.

Ông Abe đã trình bày luật mới một cách mạch lạc rằng, điều Nhật Bản cần làm là để đối phó với các mối đe dọa từ bên ngoài, nhất là từ Trung Quốc, Triều Tiên và Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS).

Ông Abe cho rằng, vụ hai con tin Nhật Bản bị IS hành quyết hồi đầu năm nay nếu quân đội Nhật được tự do hành động thì đã có thể cứu được họ.

Ngay từ khi mới lên cầm quyền (lần 2) ông Abe đã cho rằng: “Tình hình an ninh xung quanh Nhật Bản trở thành một thách thức ngày càng lớn. Trước tình hình đó, dự luật bảo vệ mạng sống của người dân Nhật mang tính cần thiết tuyệt đối và cũng để ngăn đất nước không rơi vào chiến tranh”.

Một hồ sơ mang tên “Quốc phòng Nhật Bản năm 2015” cũng đã nhấn mạnh đến những nỗ lực mang tính hung hăng và “áp chế” của Trung Quốc nhằm khoanh vùng những khu vực lãnh hải có tranh chấp chủ quyền, trong đó có việc xây dựng một dàn khoan khí đốt trên biển.

Tuy nhiên, theo Dự luật Quân đội Nhật Bản chỉ được hành động khi hội đủ 3 điều kiện: (1) Khi Nhật hoặc khi đồng minh thân cận bị tấn công và kết quả là đe dọa sự sống còn của người dân Nhật; (2) Khi không có cách thức phù hợp khác nhằm đáp trả cuộc tấn công và đảm bảo sự sống còn của người dân Nhật Bản; (3) Và việc sử dụng vũ lực bị hạn chế tới mức tối cần thiết.

... đến chia sẻ trách nhiệm với đồng minh Mỹ

Theo giới quan sát, kể từ hồi tháng 5, sau chuyến thăm Mỹ của ông Abe, quan hệ Nhật - Mỹ đã có bước tiến lịch sử, báo hiệu một giai đoạn mới trong mối quan hệ liên minh xuyên Thái Bình Dương, cùng nhau đối mặt với thách thức gia tăng trong khu vực và toàn cầu.

Meredith Miller, chuyên gia của Cơ quan nghiên cứu vấn đề châu Á, cho biết: “Đây là bước đi thật sự để biến những lời nói thành hành động rằng Mỹ và Nhật Bản đều có chung những cam kết về thách thức an ninh”.

Tổng thống Obama đã từng khẳng định cam kết của Mỹ theo Hiệp ước An ninh Nhật - Mỹ. Tuy nhiên, việc Mỹ cắt giảm ngân sách quốc phòng, cũng như những khó khăn về kinh tế, khiến Nhật Bản quan ngại về những tuyên bố cam kết “tái cân bằng” và khả năng triển khai thực tế tại châu Á.

Trong chuyến thăm Mỹ, Thủ tướng Abe đã đưa ra một thông điệp rằng, Nhật Bản sẵn sàng đón nhận vai trò lớn hơn về an ninh trên trường quốc tế, đặc biệt là khi tình hình thế giới đã thay đổi.

Chuyến thăm này cũng mang thông điệp của chính quyền Obama gửi đi rằng nước Mỹ vẫn đang có mối quan hệ chặt chẽ với các đồng minh tại đây và đang hướng về châu Á.

Trên thực tế, Nhật Bản đã có những động thái tích cực tạo hành lang pháp lý để nước này có thể chia sẻ trách nhiệm với đồng minh Mỹ tại khu vực và thế giới.

Bước “đột phá” trong quan hệ Nhật - Mỹ có thể tạo vị thế và ảnh hưởng lớn hơn cho mỗi nước trong việc tìm kiếm một cấu trúc an ninh khu vực châu Á - Thái Bình Dương, theo hướng “vừa tôn trọng sự trỗi dậy hòa bình, vừa ngăn chặn tham vọng bá quyền khu vực”.

Vì thế, dự luật mới về an ninh là bước đi hết sức quan trọng trong quá trình nỗ lực vươn lên chia sẻ trách nhiệm của Nhật Bản với đồng minh Mỹ, nhằm khẳng định vai trò trong khu vực và vị thế toàn cầu của nước này trong khi cấu trúc an ninh đang có bước chuyển quan trọng từ “định hướng” sang “định hình”.

Và hiện thực hóa tham vọng “nước lớn quân sự”

“Nước lớn quân sự” đã được ấp ủ từ lâu, nhưng do kinh tế giảm phát, suy thoái kéo dài, nên tham vọng này chỉ được khơi dậy mạnh mẽ khi ông Abe tái đắc cử Thủ tướng vào cuối năm 2012.

Trên thực tế, Nhật Bản đã từng bước chuyển đổi đường lối quân sự theo hướng: Chuyển từ “an ninh lệ thuộc” sang “an ninh tự chủ”; từ “lực lượng phòng vệ” sang “quân đội chính quy”.

Xây dựng các nguyên tắc mới về xuất khẩu vũ khí, để gia tăng cạnh tranh công nghiệp quốc phòng trên thị trường hàng hóa và công nghệ quân sự.

Cùng với việc sửa đổi “Luật Lực lượng Phòng vệ”, Nhật còn công bố “Sách xanh Ngoại giao”, “Sách trắng Quốc phòng” và sửa đổi nội dung sách giáo khoa… cho phù hợp với chiến lược an ninh mới.

Để phù hợp với cơ cấu tổ chức an ninh mới, Nhật Bản đã thành lập Hội đồng An ninh Quốc gia (NSC) thay cho Cục Bảo đảm An ninh Quốc gia trước đó.

Lực lượng và thế trận cũng được bố trí lại cho phù hợp. Theo đó, việc gia tăng khả năng phòng thủ đảo, làm sâu sắc hơn quan hệ đồng minh và đối tác, nhất là việc thúc đẩy quan hệ với Hàn Quốc,Úc, Ấn Độ và ASEAN.

Theo giới phân tích, Nhật Bản thực sự không chỉ muốn chia sẻ trách nhiệm với Mỹ, đóng một vai trò quốc tế ngày càng quan trọng hơn mà còn từng bước hiện thực hóa tham vọng “nước lớn quân sự” trong tương lai gần.

Đúng như ông Satoru Mizushima, nhà sáng lập tập đoàn Ganbare Nippon - người luôn ủng hộ ông Abe nói: “Cứ trưng ra hình ảnh một nước Nhật yếu ớt, kẻ thù sẽ lấn tới. Chẳng có lý do gì chúng ta để bị dẫm chân cả trong khi chúng ta có lực lượng hải quân đứng hàng thứ 3 trên thế giới”.

Tuy nhiên, nhiều người Nhật Bản đã mạnh mẽ ủng hộ Điều 9 của hiến pháp hòa bình, rằng không cho phép sử dụng lực lượng phòng vệ để gây chiến hoặc giải quyết các tranh chấp quốc tế.

Hầu hết các nghị sĩ đối lập đã bỏ phiếu phản đối các Dự luật, trong khi Đảng Dân chủ Tự do (LDP) của ông Abe và các đảng trong liên minh chiếm hơn 70% tại Hạ viện vẫn đủ để thông qua dự luật này.

Theo giới phân tích, nếu sau 60 ngày, Thượng viện Nhật Bản bỏ phiếu không tán thành thì các Dự luật sẽ vẫn được đưa lại về Hạ viện để cơ quan này thông qua thành luật.

Vì thế, cho dù các cuộc biểu tình lớn với hàng trăm ngàn người diễn ra bên ngoài trụ sở Quốc hội Nhật Bản, thì Dự luật an ninh mới của nước này có thể vẫn trở thành luật vào cuối năm nay.

Nguyễn Nhâm

 

Xung quanh Dự luật an ninh mới của Nhật Bản - 2