1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Vì sao Crimea lại quan trọng với Nga?

(Dân trí) - Bất chấp các đe dọa trừng phạt của Mỹ và EU, và nguy cơ xảy ra xung đột quân sự với Ukraine, Nga vẫn muốn kiểm soát Crimea, thậm chí đang cân nhắc sáp nhập vùng lãnh thổ này. Vì sao bán đảo này lại quan trọng với Mátxcơva đến vậy?

Crimea là nơi đồn trú của hạm đội Biển Đen của Nga hơn 200 năm qua
Crimea là nơi đồn trú của hạm đội Biển Đen của Nga hơn 200 năm qua

Hôm thứ Năm vừa qua, các bộ trưởng Crimea đã tổ chức một cuộc bỏ phiếu tại quốc hội địa phương để gia nhập liên bang Nga, và tách khỏi Ukraine. Một cuộc trưng cầu dân ý dự kiến sẽ diễn ra vào ngày 16/3 tới. Động thái này diễn ra giữa lúc áp lực quốc tế tiếp tục gia tăng trước sự hiện diện của binh sỹ Nga trên bán đảo này, với số lượng được cho là lên tới 30.000 quân.

Thủ tướng tạm quyền của chính phủ Ukraine cảnh báo quốc hội Crimea rằng “không một ai trong thế giới văn minh” sẽ công nhận cuộc trưng cầu dân ý đó, và xem cuộc bỏ phiếu này là “vi hiến” và “bất hợp pháp”. Tuy nhiên, quốc hội Nga lại ủng hộ cuộc trưng cầu dân ý với tuyên bố Nga “không nghi ngờ gì sẽ ủng hộ” lựa chọn của cuộc trưng cầu ý dân.

Vậy vì sao Crimea lại quan trọng với Nga đến vậy? Tại sao họ lại chọn nơi đây làm căn cứ hải quân?

Trước hết, khả năng tiếp cận biển của Nga gặp khó khăn do bị hạn chế bởi vị trí địa lý. Do vậy, việc phải có các cảng ở cả phía Bắc và phía Nam để dẫn ra các vùng biển lớn hơn là tối quan trọng.

Sevastopol, nằm trên bán đảo Crimea là một căn cứ có tầm quan trọng chiến lược đối với hạm đội hải quân Nga, bên cạnh việc đây là căn cứ nước ấm duy nhất của nước này. Sau khi Liên Xô tan dã, một hiệp ước năm 1997 với Ukraine cho phép Nga duy trì hạm đội Biển Đen hầu như nguyên vẹn (với 15.000 nhân sự đang đóng quân tại đây), và thuê căn cứ tại Sevastopol với thời hạn được gia hạn tới năm 2042.

Sevastopol luôn là một trung tâm quan trọng để hoạch định sức mạnh hải quân Nga trên phạm vi toàn cầu. Hạm đội Biển Đen đã từng chứng kiến nhiều hoạt động từ năm 2008, trong cuộc chiến 5 ngày với Gruzia, hạm đội này đã phong tỏa Biển Đen. Sevastopol năm ngoái cũng cho thấy vai trò hữu dụng trong việc giúp Nga thực thi giải giáp kho vũ khí hóa học của Syria.

Và sau khi cuộc nội chiến tại Syria khiến Nga phải ngừng sử dụng căn cứ hải quân tại thành phố cảng Tartus từ năm ngoái, Sevastopol lại càng trở nên quan trọng hơn.

Trong lịch sử, suốt từ khi ra đời năm 1783, hạm đội Biển Đen của Nga luôn đóng quân tại thành phố này. Với sự có mặt của hạm đội Biển Đen tại Sevastopol, Nga sa hoàng Nicholas I đã đánh bại đế chế Ottoman trong khu vực.

Ngày nay, hạm đội Biển Đen và căn cứ Sevastopol là một sự bảo đảm cho an ninh biên giới phía Nam của Nga, và là nơi để hoạch định cho những kế hoạch trên Biển Đen và xa hơn là ra Địa Trung Hải. Đây cũng là điểm neo đậu cho các tàu chở dầu của Nga đi qua eo biển Bosporus của Thổ Nhĩ Kỳ. Một khi tuyến đường ống dẫn dầu Dòng chảy phương Nam của Nga hoàn thành, hạm đội này cũng sẽ kiêm luôn nhiệm vụ bảo vệ nó.

Trên thực tế, Sevastopol chính là cảng tự nhiên tốt nhất tại Biển Đen, với một vịnh được che chắn, cảng nước sâu, và mặt nước không bao giờ đóng băng. Trong khi đó lựa chọn duy nhất còn lại của Nga để thay thế cho nơi này là cảng Novorossiysk, một nơi đầy gió và đôi khi buộc phải đóng cửa vì thời tiết xấu. Nếu phải rời hạm đội Biển Đen về đây, Nga sẽ tiêu tốn thêm hàng tỷ USD để nâng cấp.

Theo các chuyên gia, hạm đội này hiện có khoảng 40 tàu chiến, bao gồm một tàu ngầm, hai tàu tuần dương, một tàu khu trục, 8 tàu khu trục nhỏ, 11 tàu hộ tống, 9 tàu rà phá mìn và 8 tàu đổ bộ có thể được sử dụng để đưa lính tới bất kỳ đâu trong khu vực. Hạm đội này cũng có một đơn vị không quân trực thuộc.

Một số nhà phân tích về Nga cho rằng, quyết định can thiệp vào Ukraine của Tổng thống Nga Putin chủ yếu xuất phát từ việc bảo vệ cho căn cứ Sevastopol, bởi Kremlin lo ngại rằng chính phủ mới tại Kiev sẽ hủy bỏ hợp đồng thuê căn cứ này.

“Putin có đủ lý do để tin rằng điều đó sẽ xảy ra”, Fyodor Lukyanov, biên tập viên tạp chí Global Affairs tại Mátxcơva khẳng định. “Chính phủ mới tại Ukraine muốn xích lại với EU và NATO. Chương trình hành động của họ cũng đồng nghĩa với việc hạm đội này phải rời đi”.

Nếu điều này xảy ra, nó sẽ là một thất bại địa chính trị nghiêm trọng cho Mátxcơva, Lukyanov khẳng định. Bởi nó sẽ khiến Nga không còn một căn cứ hải quân thực sự nào trên Biển Đen.

Thanh Tùng
Tổng hợp