1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Vì sao bà Clinton thua đậm trong bầu cử tổng thống Mỹ?

(Dân trí) - Kết quả bầu cử ngày 8/11 cho thấy, ứng viên tổng thống đảng Cộng hòa Mỹ Donald Trump đã giành chiến thắng áp đảo trước đối thủ Dân chủ Hillary Clinton với gần 300 phiếu đại cử tri. Trong khi đó, bà Clinton chỉ giành 218 phiếu đại cử tri. Vì sao cựu Ngoại trưởng Mỹ thua đậm như vậy?


Bà Hillary Clinton. (Ảnh: Reuters)

Bà Hillary Clinton. (Ảnh: Reuters)

Thất bại của bà Clinton được cho là sẽ khiến không ít người bất ngờ bởi các khảo sát thăm dò dư luận trước đó cho thấy bà luôn dẫn trước đối thủ Cộng hòa. Tuy nhiên, thất bại này cũng hoàn toàn có thể lý giải được khi người Mỹ đã quá mệt mỏi với sự trì trệ của nền kinh tế, mệt mỏi với những lời hứa chưa thể thực hiện và ông Trump mang lại cho họ hy vọng vào một sự mới mẻ hơn.

Báo Guardian đã chỉ ra 4 lý do chính khiến bà Clinton thất bại trước ông Trump trong cuộc bầu cử cam go ngày 8/11.

Lỗi tại nền kinh tế

Năm 1992, khi chồng bà Clinton là ông Bill Clinton đắc cử tổng thống, cố vấn của ông, James Carville, từng thốt ra rằng: “Chung quy lại là về nền kinh tế”. Đúc kết này có lẽ một lần nữa giúp đảng Dân chủ thắng thế trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2008 và 2012. Tổng thống Barack Obama đã vực dậy nước Mỹ từ cuộc khủng hoảng tài chính, giúp thúc đẩy tăng trưởng việc làm.

Nhưng không may, với bà Clinton đó là nhiều người Mỹ không còn cảm thấy đủ lạc quan về nền kinh tế như trước. Nhiều người Mỹ tỏ ra mệt mỏi với tình trạng lương bổng trì trệ, bất bình đẳng thu nhập. Và ông Trump đã thuyết phục được họ tin tưởng rằng, đó là hậu quả của các hiệp định thương mại.

Ứng viên Dân chủ Bernie Sanders và bản thân bà Clinton sau đó cũng “đổi ý” theo hướng phản đối các hiệp định thương mại, nhưng có lẽ là quá muộn hoặc không đủ để thuyết phục cử tri.

Thiếu độ tin cậy


Bê bối email nhiều lần gây trắc trở cho chiến dịch tranh cử của bà Clinton. (Ảnh: AFP)

Bê bối email nhiều lần gây trắc trở cho chiến dịch tranh cử của bà Clinton. (Ảnh: AFP)

Một vấn đề lớn khác nữa khiến bà Clinton thất bại đó là ít được sự tin cậy của cử tri. Những tranh cãi về việc sử dụng email của bà Clinton, hay những mối quan hệ làm ăn chồng chéo của quỹ từ thiện gia đình Clinton khiến người Mỹ hoài nghi về độ đáng tin cậy của bà Clinton về vấn đề tiền bạc hay nhiều vấn đề khác.

Việc Cục điều tra liên bang Mỹ bất ngờ lật lại điều tra rồi bất ngờ tuyên bố không truy tố đối với bà Clinton về bê bối email chỉ 2 ngày trước cuộc bầu cử là một trong những minh chứng rõ nhất cho vấn đề này.

Thông điệp yếu ớt

Thông điệp mạnh mẽ nhất mà chiến dịch tranh cử của bà Clinton đưa ra trong kỳ bầu cử năm nay chính là bản thân bà Clinton - người được cho là có đủ năng lực để trở thành tổng thống. Điều này được cho là đúng, nhất là khi so sánh bà với một ứng viên thiếu kinh nghiệm chính trường như ông Donald Trump. Tuy nhiên, để có thể giành chiến thắng chung cuộc, những ý tưởng lớn mới là nhân tố đóng vai trò quan trọng cho bất kỳ ứng viên tổng thống nào. Bà Clinton đã đưa ra nhiều đề xuất chính sách nhưng rất ít đề xuất có thể gây ấn tượng mạnh và khiến người khác ghi nhớ, ngay cả đối với những người ủng hộ bà.

Các khẩu hiệu tranh cử của các ứng viên tổng thống thường được cho là không mang nhiều ý nghĩa trên thực tế. Ngay như khẩu hiệu Hy vọng và thay đổi” (Hope and Change) của Tổng thống Barack Obama rốt cục cũng chỉ mang tính “hy vọng” nhiều hơn là “thay đổi” thực sự. Trong khi đó, khẩu hiệu “Cùng nhau mạnh lên” (Stronger Together) của bà Hillary Clinton cũng chỉ được đưa ra với mục đích nhằm đáp trả lại sự chia rẽ trong nội bộ đảng Cộng hòa đối với việc ủng hộ tỷ phú Donald Trump.

Khảo sát cũng bị “đánh úp”

Sau khi ông Trump giành chiến thắng, bà Clinton ngậm ngùi thất bại, dư luận có vẻ cũng bắt đầu bàn cãi về mức độ chính xác của các khảo sát thăm dò dư luận. Trước khi cuộc bầu cử diễn ra, thậm chí chỉ vài giờ trước đó, các thăm dò dư luận hầu hết đều cho thấy tỷ lệ ủng hộ bà Clinton cao hơn so với ông Trump, cơ hội đắc cử của bà cũng trên 90%. Nhưng, kết quả bầu cử chứng minh tất cả những khảo sát đã sai.

Thất bại này phần nào phản ánh thực trạng đáng báo động của lĩnh vực khảo sát dư luận. Việc tiếp cận một bộ phận đông đảo người khảo sát không còn qua các cuộc điện thoại cố định hay thậm chí di động, với một mô hình thống kê thế kỷ thứ 20, đã tạo ra những kết quả sai lệch nguy hiểm trong các cuộc bầu cử.

Với cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm nay, có vẻ như các nhà khảo sát đã đánh giá thấp sự ảnh hưởng của các cử tri còn do dự bởi họ có thể là những người ủng hộ ông Trump thầm lặng. Có ý kiến cho rằng nhiều người tham gia khảo sát không muốn công khai thừa nhận họ ủng hộ ông Trump. Những lá phiếu được họ đưa ra vào phút chót sẽ giúp ông Trump vượt lên nhanh chóng.

Minh Phương

Tổng hợp