1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024
  4. Chiến sự Israel - Hamas

Trung Quốc “tiếm ngôi” nền kinh tế lớn nhất thế giới năm 2016?

(Dân trí) - Theo dự báo của Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), “Thời đại của Mỹ” sẽ kết thúc vào năm 2016 khi Trung Quốc qua mặt nước này để trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới, sớm hơn một thập niên so với dự báo trước đó của các nhà phân tích.

 
Trung Quốc “tiếm ngôi” nền kinh tế lớn nhất thế giới năm 2016? - 1
Một nhà máy dệt ở Trung Quốc.

Điều đó cũng có nghĩa là bất kỳ ai giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2012 sẽ chứng kiến việc nước này bị Trung Quốc “tiếm ngôi”.

Đây là lần đầu tiên IMF công bố một khung thời gian cho quá trình phát triển "không thể tránh khỏi" của Trung Quốc và dự báo cũng đưa ra những ám chỉ đối với cán cân quyền lực toàn cầu.

Quỹ có trụ sở tại Washington cho biết dự báo của tổ chức này dựa vào sức mua tương đương của hai nước.

Dự báo mới đã phủ một bóng đen ngày càng lớn về tương lai của đồng đô la với tư cách tiền tệ thống trị thế giới cũng như các nỗ lực của Washington nhằm thu hẹp lỗ hổng ngân sách và kiềm chế trong khoản nợ ngày càng phình to của nước này.

Không một quốc gia nào trong thời kỳ hiện đại có thể tiến gần hơn với Mỹ xét về sức mạnh của nền kinh tế. Ở thời kỳ hưng thịnh nhất, Liên Xô chỉ tạo ra 1/3 sản lượng hàng hoá và dịch vụ so với Mỹ. Tương tự như vậy, Nhật Bản ở thời kỳ đỉnh cao cũng chỉ sản xuất ra chưa bằng 1/2 sản lượng hàng hoá của Mỹ.

Nhưng ngược lại, Trung Quốc đã đuổi Mỹ với tốc độ chóng mặt. Chỉ mới 10 năm trước, kinh tế Mỹ còn gấp 3 của Trung Quốc.

Dự báo về thời điểm của IMF khiến nhiều nhà kinh tế bất ngờ vì nhiều người trong số đó từng lạc quan rằng nền kinh tế Mỹ sẽ vẫn giữ ngôi vị số 1 cho tới cuối những năm 2020.

Nhưng tờ Wall Street Journal cho hay, nhiều người đang nhìn vào những tiêu chí sai khi đánh giá các triển vọng của 2 nước. Tờ báo cho biết, các nhà phân tích đang so sánh GDP của Trung Quốc với GDP của Mỹ - một sự so sánh vô nghĩa xét trên thực tế.

Thay vào đó, các nhà phân tích của IMF đã so sánh sự khác nhau trong sức mua tương đương - những gì mà mọi người kiếm được và chi tiêu trong các thị trường trong nước.

Sử dụng nhân tố này, họ nhận thấy rằng kinh tế Trung Quốc sẽ tăng từ 11,2 nghìn tỷ USD trong năm 2011 lên 19 nghìn tỷ USD vào năm 2016.

Trong cùng giai đoạn đó, nền kinh tế Mỹ sẽ tăng từ 15,2 nghìn tỷ USD lên mức 18,8 nghìn tỷ USD.

Nhưng các chính trị gia cho rằng công nghệ của Bắc Kinh đang tụt hậu và đa phần người dân Trung Quốc sống trong nghèo nàn. Nước này cũng đứng sau Mỹ về sản lượng hàng hoá tính trên đầu người.

Hồi năm 2009, IMF dự báo GPD bình quân đầu người của Mỹ là 46.000USD so với 4.100USD của Trung Quốc.

An Bình
Theo Dailymail