1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Trung Quốc siết chặt quản lý hóa chất nguy hiểm

Lãnh đạo Cục An toàn lao động Bắc Kinh cam kết sẽ có những hành động nhanh chóng nhằm cải thiện việc quản lý các hóa chất độc hại, theo đó các công ty không vượt qua được cuộc kiểm tra sẽ bị yêu cầu đình chỉ hoạt động và nhà kho của các công ty này sẽ bị giám sát 24/24.

Tối 22-8, một vụ nổ đã xảy ra tại Công ty TNHH Công nghệ Hóa chất Nhuận Hưng, ở huyện Hoàn Đài, tỉnh Sơn Đông (Trung Quốc) khiến 1 người thiệt mạng và 9 người bị thương. Vụ nổ này xảy ra chỉ 10 ngày sau vụ nổ kinh hoàng tại kho chứa hóa chất của Công ty Hậu cần Thụy Hải ở thành phố cảng Thiên Tân, miền Bắc Trung Quốc đêm 12-8.

Hàng loạt vụ nổ lớn nguy hiểm ở các cơ sở hóa chất độc hại xảy ra thời gian gần đây đang làm người dân Trung Quốc vô cùng lo lắng. Đặc biệt, vụ tai nạn ở Thiên Tân đang gây bức xúc lớn trong dân chúng vì cơ sở của Công ty Hậu cần Thụy Hải ở Thiên Tân vi phạm quy định an toàn khi đặt cách khu dân cư chưa đến 1km.

Trung Quốc siết chặt quản lý hóa chất nguy hiểm - 1

Chăm sóc những người bị thương trong vụ nổ tại Công ty Nhuận Hưng, huyện Hoàn Đài, tỉnh Sơn Đông được đưa đi cấp cứu. (Ảnh: IZnews)

Vụ việc tại Thiên Tân đang làm dấy lên những tranh luận về việc cấp chính quyền địa phương Trung Quốc đã không tuân thủ đầy đủ các quy định về môi trường và an toàn lao động. Trong khi đó, vụ nổ tại huyện Hoàn Đài, tỉnh Sơn Đông một lần nữa làm gia tăng lo ngại về các quy định an toàn ở Trung Quốc bị phớt lờ trong quá trình công nghiệp hóa. 

Một chuyên gia phân tích với Thời báo hoàn cầu rằng, nguyên nhân sâu xa nằm ở chiến lược phát triển toàn diện ở Thiên Tân, nơi ngành công nghiệp hóa chất phát triển quá nhanh mà không có một kế hoạch hợp lý.

“Ngành công nghiệp hóa chất Trung Quốc phát triển rất nhanh trong 15 năm qua. Trung Quốc từ một nước nhập khẩu hóa chất nay trở thành nhà sản xuất hầu như tất cả hóa chất mà chúng ta có thể nghĩ tới”, CNN dẫn lời ông Ashish Pujari, giám đốc Công ty tư vấn IHS Chemical, tại Singapore. "Nhiều nhà sản xuất sẵn sàng đi đường tắt trong các khoản quy định. Ví dụ dễ thấy là người ta bắt đầu thi công nhà máy và chuẩn bị đi vào hoạt động ngay cả khi dự án vẫn còn chưa được thông qua”, ông Pujari nói.

Câu hỏi được đặt ra là liệu còn bao nhiêu cơ sở hóa chất nguy hiểm mọc gần khu dân cư tại Trung Quốc như vậy?

Một cuộc điều tra của tờ New York Times hôm 21-8 cho thấy, còn vô số nhà máy khác vi phạm quy định an toàn này. Các cơ sở này như những quả bom nổ chậm được đặt gần các trường học, đường cao tốc. Còn tổ chức Hòa Bình Xanh cho biết, họ phát hiện nhiều nhà kho chứa hóa chất nguy hiểm tại 4 thành phố lớn là: Thượng Hải, Quảng Châu, Ninh Ba, Thanh Đảo.

Theo các nhà quan sát, quá trình công nghiệp hóa thần tốc khiến chính quyền Trung Quốc khó thực thi các quy định về an toàn. Hồi tháng 5-2015, Bộ Bảo vệ môi trường Trung Quốc đã ban hành các hướng dẫn về nâng cao bảo vệ môi trường tại các khu công nghiệp đang mọc lên tràn lan.

Nhằm siết chặt lại công tác quản lý hóa chất, Tân Hoa xã cho biết, ngày 22-8, Ủy ban An toàn sản xuất thuộc Quốc Vụ viện (Chính phủ) Trung Quốc (WSCSC) đã tổ chức hội nghị toàn thể nhằm đưa ra phân tích sâu về những vấn đề nổi cộm đã gây ra những sự cố nghiêm trọng liên quan an toàn sản xuất trong thời gian gần đây.

Hội nghị khẳng định thời gian tới, Trung Quốc cần thực hiện nghiêm công tác kiểm tra quy mô lớn đối với tình hình an toàn sản xuất trên toàn quốc, lấy việc sửa đổi các quy định liên quan chuyên mục quản lý an toàn các loại hóa chất độc hại và các chất dễ cháy nổ làm trọng điểm.

Theo đó, mỗi doanh nghiệp, bộ phận sản xuất và cá nhân đều phải thực hiện trách nhiệm bảo đảm an toàn sản xuất; kiểm tra và xử lý dứt điểm những nguy cơ tiềm ẩn; tăng cường quản lý và giám sát đối với tất cả quá trình quy hoạch, lập đề án, thiết kế, xây dựng và kiểm tra thường ngày trong các dự án sản xuất và kinh doanh những loại hóa chất nguy hiểm.

Trước đó, ngay sau khi xảy ra vụ nổ ở Thiên Tân, chính quyền Bắc Kinh đã thắt chặt việc kiểm tra an toàn đối với những công ty kinh doanh hóa chất.

Tại Bắc Kinh có 2.536 doanh nghiệp sản xuất hoặc buôn bán các hóa chất độc hại bao gồm ammonia, methane và chlorine. Các hóa chất này chủ yếu được lưu giữ tại các quận ngoại thành như: Phòng Sơn, Đại Hưng và Thông Châu. Sau khi tiến hành kiểm tra tại 124 địa điểm, nhà chức trách đã phát hiện nguy cơ mất an toàn tại 85 công ty có lưu trữ hóa chất độc hại.

Lãnh đạo Cục An toàn lao động Bắc Kinh cam kết sẽ có những hành động nhanh chóng nhằm cải thiện việc quản lý các hóa chất độc hại, theo đó các công ty không vượt qua được cuộc kiểm tra sẽ bị yêu cầu đình chỉ hoạt động và nhà kho của các công ty này sẽ bị giám sát 24/24.

Tân Hoa xã cho hay, trong vài ngày qua, hơn 100 công ty hóa chất tại 7 tỉnh của Trung Quốc bị đóng cửa hoặc đình chỉ do vi phạm an toàn lao động. Cảnh sát giao thông trên toàn Trung Quốc hôm 22-8 cũng được lệnh cảnh giác cao độ đối với các chất hóa học nguy hiểm, tăng cường kiểm tra trên đường và siết chặt việc cấp phép chuyên chở các chất hóa học.

Theo Ngọc Hà

Quân đội Nhân dân

Trung Quốc siết chặt quản lý hóa chất nguy hiểm - 2