1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Trung Quốc sẽ triển khai “UFO tàng hình” trên tàu sân bay?

(Dân trí) - Sau khi Trung Quốc hé lộ về chiếc máy bay không người lái tàng hình đầu tiên của nước này, Lợi Kiếm, vào hôm thứ sáu vừa qua, giới phân tích nhận định nhiều khả năng chiếc máy bay được đặt biệt danh “UFO tàng hình” sẽ được triển khai trên tàu sân bay Liêu Ninh.

 

Cận cảnh máy bay không người lái tàng hình đầu tiên của Trung Quốc.
Hình ảnh Lợi Kiếm được báo chí Trung Quốc hé lộ.

 

Báo chí nhà nước Trung Quốc hôm thứ sáu vừa qua đưa tin, Lợi Kiếm đã cất cánh từ một địa điểm bí mật ở tây nam Trung Quốc vào 1h chiều ngày thứ năm và bay trong khoảng 20 phút. Hình ảnh chiếc máy bay không người lái tàng hình đầu tiên này đã xuất hiện trang mạng từ tháng năm. Vào thời điểm đó, báo chí nhà nước Trung Quốc đã gọi đây là “chiếc máy bay không người lái tàng hình giống UFO”.

 

Tờ China Daily của Trung Quốc đã so sánh Lợi Kiếm với mẫu Northrop Grumman X-47 của Mỹ và máy bay không người lái tàng hình nEUROn của châu Âu. Vì vậy mà Lợi Kiếm được suy đoán có thể được dùng trên chiếc tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc, Liêu Ninh.

 

Trên thực tế, China Daily dẫn lời một nhà phân tích quân sự Trung Quốc cho biết, “chiếc máy bay tàng hình này có thể được dùng để do thám và dùng cho một cuộc tấn công không đối đất. Nhưng điều quan trọng hơn, nhiều khả năng nó được dùng cho tàu sân bay. Tôi nghĩ kích thước và khả năng kỹ thuật của Lợi Kiếm khiến nó là lựa chọn phù hợp cho hải quân nếu họ lựa chọn phột phương tiện chiến đấu không người lái cho tàu sân bay.”

 

Mặc dù báo chí Trung Quốc đánh giá Lợi Kiếm tương đương với X-47, báo cáo của Bộ Quốc phòng Mỹ hồi tháng 5 cho biết máy bay chiến đấu không người lái (UCAV) của Trung Quốc có sải cánh “14m, nhỏ hơn sải cánh gần 19m của máy bay X-47B của hải quân Mỹ”. Báo cáo cũng nhấn mạnh “trọng tải quân nhu của Lợi Kiếm có thể không vượt được con số 2.000kg của Northrop Grumman X-47B”.

 

Tuy nhiên, ước tính trên dựa vào giả thuyết Lợi Kiếm được trang bị động cơ nội địa Thẩm Dương WP7. Trong khi đó China Daily hôm thứ sáu vừa qua cho hay chiếc Lợi Kiếm bay thử nghiệm hôm thứ năm được trang bị bằng động cơ phản lực cánh quạt đẩy của Nga RD-93. RD-93 thông thường được dùng cho chiến đấu cơ và đã được sử dụng trong dự án chiến đấu cơ chung giữa Trung Quốc và Pakistan. Như vậy, Lợi Kiếm được thiết kế nhằm có tầm bay xa hơn.

 

Việc sử dụng động cơ của Nga cũng cho thấy Trung Quốc có vẻ như vẫn tiếp tục chật vật trong việc thiết kế và sản xuất động cơ máy bay. Nhưng chi tiết này không làm báo chí Trung Quốc mất “hứng”. Tờ China Daily đánh giá, “chuyến bay thử thành công của Lợi Kiếm đã đưa Trung Quốc trở thành nước thứ tư sau Mỹ (X-47B), Pháp (Dassault nEUROn) và Anh (Taranis), tự phát triển được UCAV”.

 

Lợi Kiếm do Tập đoàn công nghiệp hàng không Hồng Du và Thẩm Dương cùng phối hợp sản xuất. Cả hai công ty này đều có cùng một công ty mẹ. Được biết các công ty đã mất 3 năm để sản xuất Lợi Kiếm.

 

Chuyến bay đầu tiên có phần khiến quốc tế hơi bất ngờ. Hồi cuối tháng 8 năm nay, tờ Nhân dân Nhật báo Trung Quốc đã có bài viết cho rằng phải mất một năm nữa Lợi Kiếm mới có thể lần đầu cất cánh.

 

Trong những năm gần đây Trung Quốc đã phát triển ngành máy bay không người lái với tốc độ vô cùng mạnh mẽ. Nước này cũng đã triển khai một máy bay không người lái trong cuộc xung đột với Nhật trên Senkaku/Điếu Ngư. Phía Nhật tuyên bố sẽ bắn hạ bất kỳ máy bay không người lái nước ngoài nào tiến vào không phận của mình - động thái Trung Quốc coi là sẽ cấu thành “hành động chiến tranh”.
 
Vũ Quý