1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Trump bắt đầu một cuộc chạy đua vũ trang với Nga?

Thực hư thế nào vẫn chưa sáng tỏ, tuy nhiên những kế hoạch cũng như tuyên bố của ông Trump làm nức lòng quân đội Mỹ.

Và ngay trong tuần làm việc đầu tiên, ngày 23/1 Tân Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký thông qua sắc lệnh chỉ thị Mỹ rút khỏi đàm phán Hiệp định xuyên Thái Bình Dương (TPP) như cam kết đưa ra trong chiến dịch tranh cử.

Ông Trump cũng từng tuyên bố rằng, ông sẽ làm mọi biện pháp để bảo vệ an ninh quốc gia và người dân Mỹ khỏi các mối đe dọa. Vì vậy, các chuyên gia quân sự đang rất quan tâm liệu ông Trump có bắt đầu một cuộc chạy đua vũ trang mới với Nga hay không khi mà Nga đang phô diễn kho vũ khí hạt nhân hiện đại, đa dạng hơn hẳn Hoa Kỳ.

Hải quân Mỹ sẽ được phát triển trọng tâm để lấy lại vị thế từ Nga
Hải quân Mỹ sẽ được phát triển trọng tâm để lấy lại vị thế từ Nga

Trong cuộc tranh cử ông Trump đã từng hứa rằng, ông sẽ tăng ngân sách cho các lực lượng vũ trang cũng như mở rộng các đơn vị, những tuyên bố này nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình trong quân đội Mỹ. Lầu Năm Góc đã dự đoán về hướng phát triển của các lực lượng vũ trang, hiện đại hóa quân đội cũng như nguồn ngân sách dành cho quốc phòng trong tương lai.

Còn quá sớm để biết được điều này. Mặc dù ngân sách quốc phòng năm 2017 đã được xác định nhưng lúc đó Trump chưa trở thành Thổng thống Mỹ. Vì vậy nếu như những gì ông tuyên bố, con số này hoàn toàn có thể thay đổi. Ngân sách 2017 có thay đổi hay không sẽ được quyết định sau nhưng báo chí Mỹ cho biết rằng, Thượng nghị sĩ quốc hội đảng Cộng hòa John McCain và người đứng đầu Ủy ban Quốc phòng của Hạ viện Mac Thornberry đã chuẩn bị đề nghị tăng ngân sách quốc phòng năm 2018 thêm hơn 50 tỷ USD.

Thực hư thế nào vẫn chưa sáng tỏ, tuy nhiên những kế hoạch cũng như tuyên bố của ông Trump làm nức lòng quân đội Mỹ. Phát biểu tại hội nghị Hiệp hội các lực lượng Hải quân vào tuần trước, chỉ huy lực lượng mặt nước, Phó đô đốc Thomas Rowden đã thông báo rằng, theo kế hoạch được ông Trump phê duyệt, Hải quân Mỹ sẽ có hạm đội lớn và “nguy hiểm chết người”.

Trong hội nghị này Rowden đã trình bày khái niệm phát triển hạm đội Hải quân với tên gọi là “Phân phối sức mạnh” (Distributed Lethality). Hạm đội này không tập trung các lực lượng xung quanh một nhóm tàu ​​sân bay chiến đấu lớn mà sẽ phân phối khắp các đại dương trên thế giới. Mỗi chiếc tàu như vậy sẽ không chỉ là một đơn vị chiến đấu của hạm đội mà còn là một tế bào mạng lưới rộng lớn.

Theo kế hoạch này các hạm đội sẽ được trang bị thêm tàu ​​chiến với hệ thống vũ khí hiện đại, hệ thống truyền thông và theo dõi, bao gồm cả tên lửa và máy bay không người lái. Ngoài ra, mỗi tàu còn được tăng cường sức mạnh chiến đấu, số lượng các tàu cũng được tăng lên. Hiện nay trong thành phần của Hải quân Mỹ có khoảng 272 tàu chiến.

Trong những năm tới, Hải quân dự kiến ​​tăng số lượng tàu chiến đến 308 tàu bao gồm tàu mặt nước và tàu ngầm.Trong khi đó phát biểu trong cuộc tranh cử ông Trump sẽ tăng số tàu lên 350. Nhưng Hải quân đã tính toán và cho biết rằng, họ cần ít nhất 355 tàu chiến. Vì vậy, trong những năm tới kế hoạch có thể thay đổi. Các chuyên gia quân sự cho biết rằng, hiện tại chưa xác định cần xây dựng tàu lớp gì, nhưng Hải quân Mỹ cần thêm các tàu ngầm tấn công, tàu mặt nước bao gồm: tàu khu trục, tàu hộ tống và các chiến hạm khác.

Tương tự là lời hứa của Donald Trump dành cho bộ binh Mỹ, ông đã hứa tăng số lượng quân nhân trong quân ngũ từ 475.000 người lên 540.000 người, số lượng tiểu đoàn lính thủy đánh bộ cũng tăng từ 24 lên 36, số lượng máy bay sẵn sàng chiến đấu cũng tăng lên 1.200 chiếc so với hơn 1.100 chiếc hiện nay. Ông Trump cũng lên kế hoạch phát triển và hiện đại hóa kho vũ khí hạt nhân và hệ thống an ninh mạng, chiến tranh mạng của quốc gia.

Kế hoạch này của ông Trump được sự đón nhận nhiệt tình của các nhà chức tránh Hoa Kỳ cũng như lực lượng vũ trang Mỹ. Chắc chắn trong thời gian tới ông sẽ mạnh tay chi tiêu lớn dành cho quân đội và vũ khí trang bị.

Liên bang Xô viết từng là cường quốc hàng hải, với những chiến hạm tối tân và tàu phá băng nguyên tử tiên tiến bậc nhất thế giới. Liên Xô cũng đã từng phát triển và duy trì được lực lượng không quân của hải quân mạnh, có khả năng tác chiến rất tốt ở nhiều khu vực. Liên Xô tan rã đã ảnh hưởng không nhỏ tới sức mạnh của nước Nga với các vùng biển chiến lược như Baltic, Biển Bắc và Thái Bình Dương...

Sau khi Liên Xô sụp đổ sức mạnh quân sự của Liên Xô giảm sút đáng kể. Tuy nhiên trong khoảng 10 năm trở lại đây, Nga đã nỗ lực không ngừng nhằm lấy lại vai trò một cường quốc biển, thể hiện ở tuyên bố chi hơn 3.300 tỷ rúp (tương đương hơn 64 tỷ USD) trong năm tới để hiện đại hóa lục quân, hải quân và xây dựng cơ sở hạ tầng cho quân đội, trong đó kinh phí trang bị cho lực lượng hải quân sẽ tăng lên tới 51%.

Nga đã không chỉ khởi động chiến lược mới nhằm thoát khỏi tình thế bị bao vây, cô lập để giành thế chủ động trên các vùng nước “sống còn”; mà còn hướng tới một sức mạnh có tính toàn cầu mà Nga từng sở hữu với một định hướng lâu dài. Tuy vậy, điều này khiến các chuyên gia lo ngại về cuộc chạy đua vũ trang mới giữa Nga và NATO khi mà hai bên đều muốn giành giật những vị trí địa chiến lược tại châu Âu.

Tuy nhiên cuối tháng 12/2016, trong cuộc họp báo với báo chí quốc tế Tổng thống Putin khẳng định rằng, Nga không châm ngòi cho một cuộc chạy đua vũ trang mới và sẽ không bao giờ tham gia vào cuộc chạy đua như vậy. Việc tập trung phát triển và nâng cao sức mạnh vũ trang chỉ bảo đảm an toàn cho quốc gia và thực hiện các nhiệm vụ quốc tế.

Người đứng đầu điện Kremlinm, Tổng thống Vladimir Putin từng nhấn mạnh trong cuộc trò chuyện với các thành viên của ủy ban quân sự công nghiệp quốc phòng rằng, Nga sẽ không bị lôi kéo vào cuộc chạy đua vũ trang tốn kém mới. Nga sẽ không đe dọa bất kỳ ai, tất cả các tranh chấp sẽ tìm cách giải quyết trên bàn đàm phán. Nga sẽ tiếp tục thực hiện theo phương châm này trong tương lai và tuân thủ nguyên tắc này.

Như vậy, có thể Nga sẽ không tiến hành một cuộc chạy đua vũ trang mới với Mỹ và NATO nhưng việc xuất hiện nhiều loại vũ khí và thiết bị mới đã đưa nước Nga trở lại và đang từng bước "đe dọa" đến lợi ích của Mỹ và NATO. Vì vậy trong những năm tới Mỹ và NATO chắc chắn sẽ tăng cường khả năng của lực lượng vũ trang và sẽ xuất hiện các mối đe dọa mới đối với Nga. Và để đối đầu với những mối đe dọa này buộc Nga phải tiếp tục tăng cường sức mạnh của lực lượng vũ trang và có thể nói là một cuộc chạy đua mới.

Theo Chí Huy

Đất Việt