1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024
  4. Chiến sự Israel - Hamas

Triều Tiên mời quốc tế chứng kiến vụ phóng vệ tinh mới

(Dân trí) – Để xoa dịu quan ngại của cộng đồng quốc tế, Triều Tiên cho biết sẽ mời các quan sát viên quốc tế tới nước này để theo dõi vụ phóng vệ tinh mới. Trong khi đó, Nhật Bản tuyên bố đang cân nhắc khả năng đánh chặn tên lửa của Triều Tiên.

Triều Tiên mời quốc tế chứng kiến vụ phóng vệ tinh mới

Tên lửa của Triều Tiên rời bệ phóng năm 2009, mang theo một vệ tinh thông tin.

Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) nêu rõ Ủy ban Công nghệ vũ trụ Triều Tiên (KCST) sẽ mời các chuyên gia quốc tế có kinh nghiệm trong lĩnh vực công nghệ vũ trụ và các nhà báo đến thăm Trung tâm phóng vệ tinh Sohae, Trung tâm chỉ huy và kiểm soát vệ tinh chung, và một số địa điểm khác để theo dõi vụ phóng này.

Cũng theo KCST, Triều Tiên đã thông báo về vụ phóng vệ tinh cho Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế, Tổ chức Hàng hải quốc tế, Liên minh Viễn thông quốc tế và các tổ chức khác theo đúng thủ tục quy định.

Đây là những tuyên bố mới nhất của Triều Tiên trong nỗ lực nhằm xoa dịu quan ngại của cộng đồng quốc tế về mục đích thực sự đằng sau kế hoạch phóng vệ tinh vào trung tuần tháng tới.

Trước đó, sáng 16/3, Triều Tiên bất ngờ tuyên bố sẽ phóng vệ tinh Kwangmyongsong-3 tự tạo trong khoảng thời gian từ ngày 12 - 16/4 nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh cố Chủ tịch Kim Nhật Thành, nhà lãnh đạo sáng lập nước Triều Tiên. Dự kiến, vệ tinh Kwangmyongsong-3 sẽ được phóng về phía Nam từ Trung tâm Phóng Vệ tinh Sohae đặt tại huyện Cholsan thuộc tỉnh Bắc Phyongan bằng tên lửa đẩy tầm xa Unha-3.   

Mặc dù Bình Nhưỡng cho biết vụ phóng vệ tinh chỉ nhằm mục đích nghiên cứu khoa học và đã lựa chọn được quỹ đạo phù hợp để tránh va chạm với các nước láng giềng, song tuyên bố của nước này vẫn gây phản ứng mạnh mẽ trong cộng đồng quốc tế, đặc biệt là Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc.  

Trong khi đó, Nga và Trung Quốc cũng đã lên tiếng kêu gọi các bên bình tĩnh, kiềm chế; đồng thời yêu cầu ban lãnh đạo mới của Triều Tiên tránh có hành động đối đầu, gây hấn trong khu vực hay cản trở nỗ lực nối lại các cuộc đàm phán sáu bên về chương trình hạt nhân của Triều Tiên. 

Cách đây đúng 3 năm, vào tháng 4/2009, Triều Tiên cũng đã tiến hành một vụ phóng tên lửa tầm xa để đưa vệ tinh thông tin lên không gian , bất chấp sự nghi ngờ của cộng đồng quốc tế. Tiếp ngay sau đó, nước này tuyên bố tẩy chay các cuộc đàm phán 6 bên nhằm giải trừ hạt nhân đổi lấy viện trợ và chỉ sau đó vài tuần tiếp tục tiến hành thử thiết bị hạt nhân lần thứ hai trong 3 năm. Những hành động của Triều Tiên khi đó đã khiến Liên hợp quốc thắt chặt lệnh cấm vận.
 
Nhật cân nhắc đánh chặn tên lửa Triều Tiên

Lo ngại trước việc Triều Tiên có thể vận dụng lại "chiêu bài cũ" để che đậy kế hoạch thử thiết bị hạt nhân mới, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản cho biết Tokyo đang cân nhắc khả năng phá hủy tên lửa mà Triều Tiên chuẩn bị phóng lên.

Bộ Quốc phòng đang cân nhắc xem có nên triển khai các tên lửa đánh chặn PAC-3 bố trí trên mặt đất cùng các tên lửa đánh chặn SM-3 trang bị cho tàu khu trục lớp Aegis hay không”, Bộ trưởng Tanaka phát biểu tại căn cứ không quân Hyakuri ở tỉnh Ibaraki.

Cũng theo ông Tanaka, hiện binh sĩ Nhật Bản đang tiến hành tập luyện với tình huống giả định tương tự như vụ phóng tên lửa của Triều Tiên cách đây 3 năm. Theo đó, các lực lượng phòng vệ của nước này sẵn sàng phá hủy tên lửa của Triều Tiên hoặc các mảnh vỡ của tên lửa trong trường hợp chúng rơi vào lãnh thổ Nhật Bản.

Trong vụ phóng vệ tinh của Triều Tiên cách đây 3 năm, Nhật Bản đã cử các đơn vị có khả năng phóng tên lửa đánh chặn PAC-3 tới thủ đô Tokyo và các tỉnh Iwate, Akita ở Đông Bắc Nhật Bản. Trong khi đó, lực lượng phòng vệ trên biển triển khai 3 tàu khu trục lớp Aegis được trang bị tên lửa đánh chặn ở biển Nhật Bản và Thái Bình Dương.

Vũ Anh
Theo Reuters, AFP, Xinhua