1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Triều Tiên có hạt nhân và ICBM, Mỹ rồi sẽ buông xuôi?

Tình hình bán đảo Triều Tiên đang hết sức căng thẳng nhưng có lẽ rồi mọi chuyện sẽ “đâu vào đấy”, bởi Bình Nhưỡng giờ không còn dễ bị bắt nạt.

Hàn Quốc dọa đáp trả Triều Tiên nhưng cũng muốn sở hữu hạt nhân?

Trong những tuần gần đây, quan hệ giữa hai miền Triều Tiên đã xấu đi nhanh chóng do Bình Nhưỡng thông báo thử nghiệm thành công bom nhiệt hạch (bom Hydro, bom H, bom khinh khí) ngày 6-1 vừa qua.

Sau khi Bình Nhưỡng tuyên bố thử thành công, nước này đã phải nhận vô số những lời đe dọa và những hành động thực tế, ví dụ như Mỹ điều máy bay ném bom chiến lược B-52 và sắp tới có thể là cả tàu sân bay hạt nhân, tàu ngầm hạt nhân tấn công…đến Hàn Quốc.

Theo hãng thông tấn Yonhap, việc Bình Nhưỡng thử bom H với lý do là "mối đe dọa từ Mỹ đối với chủ quyền quốc gia của nước này" như một liều “thuốc kích thích”, làm thay đổi triệt để nhận thức của các giới học giả, chính khách Hàn Quốc về cơ hội hòa bình trên bán đảo Triều Tiên.

Sự kiện này làm thay đổi tổng thể quan điểm của cộng đồng xã hội tại Hàn Quốc và khiến hàng loạt các nhà khoa học chính trị và các học giả của nước này tin rằng, Seoul cần phải thay đổi chính sách thủ cựu, quay sang phát triển hoặc sở hữu lập tức vũ khí hạt nhân.

"Sẽ thuận lợi hơn nhiều nếu Hàn Quốc có vũ khí hạt nhân, nó sẽ làm giảm bớt tốn phí ngân sách dành mua sắm vũ khí thông thường, đồng thời có thể rút ngắn đáng kể thời hạn phục vụ trong quân ngũ của giới trẻ" - ông Chon Son Chan, chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực quan hệ liên Triều nói.

Điều đáng nói là vị chuyên gia này trước đây từng ủng hộ tiến hành cuộc đối thoại về giải trừ hạt nhân, nhưng bây giờ ông đã phải nhận xét rằng vụ thử hạt nhân thứ 4 của Bình Nhưỡng đã chứng tỏ rõ ràng: Phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên là mục tiêu bất khả thi.

Triều Tiên có hạt nhân và ICBM, Mỹ rồi sẽ buông xuôi? - 1

Triều Tiên hiện được coi là có cả vũ khí hạt nhân lẫn ICBM

Bên cạnh các tuyên bố về ngoại giao, Hàn Quốc cũng đã mở lại các giàn loa phóng thanh dọc tuyến biên giới, đồng thời tập trung quân và tăng cường pháo binh ở các khu vực trọng điểm giáp biên giới trên bộ, tăng cường tuần tra dọc đường giới tuyến biển giữa hai nước.

Cơ quan thông tấn Renhap còn cho biết rằng, vào ngày 13-1, quân đội Hàn Quốc đã thực hiện bắn cảnh cáo vào máy bay trinh sát không người lái (UAV) của Triều Tiên trên biên giới giữa hai nước, để ngăn chặn nó xâm phạm vào lãnh thổ của mình.

Sự việc xảy ra tại trạm quan sát Torasan ở phía tây khu vực phi quân sự vào lúc 14h10' giờ địa phương. Quân đội Hàn Quốc đã buộc phải bắn gần 20 phát súng chặn đầu và sau đó chiếc máy bay không người lái Triều Tiên quay đầu bay về phía bắc.

Tình hình bán đảo Triều Tiên căng thẳng đến mức độ nào?

Đáp lại tuyên bố của Bình Nhưỡng về việc thử nghiệm bom nhiệt hạch hôm 6 - 1, Hoa Kỳ đã điều máy bay ném bom chiến lược B-52, mang tên lửa hành trình trang bị đầu đạn hạt nhân AGM-129 ACM với tầm bắn lên tới 3.000 km từ căn cứ Andersen trên đảo Guam đến Hàn Quốc.

Đồng thời giới chức Mỹ hiện đang thảo luận về khả năng đưa tàu sân bay hạt nhân CVN-76 USS "Ronald Reagan" từ căn cứ của Hạm đội 7-Mỹ ở Yokosuka - Nhật Bản tới bờ biển bán đảo Triều Tiên, nhằm đưa ra lời cảnh cáo Triều Tiên hãy ngừng ngay các hoạt động khiêu khích.

Triều Tiên có hạt nhân và ICBM, Mỹ rồi sẽ buông xuôi? - 2

Mỹ đã điều máy bay ném bom chiến lược B-52 mang tên lửa hạt nhân đến Hàn Quốc

Ngoài ra, tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa hành trình USS City of Corpus Christi (SSN-705) vừa đến thăm Nhật Bản ngày 11-1 vừa qua cũng có thể sẽ được tăng cường để đối phó với Triều Tiên. Những trang bị này của Mỹ tiềm tàng khả năng tấn công phủ đầu với Bình Nhưỡng.

Trước những phản ứng dữ dội của Hàn Quốc và Mỹ, Triều Tiên đe dọa sẽ giáng đòn hạt nhân đáp trả răn đe hạt nhân của Mỹ, liên quan đến việc máy bay ném bom chiến lược B-52 mang tên lửa hành trình và đầu đạn hạt nhân được điều động đến Hàn Quốc.

Tờ Rodong Sinmun - cơ quan ngôn luận của trung ương Đảng Lao động Triều Tiên đã có bài xã luận nhan đề: "Nguyên tử đáp lại nguyên tử, đó là câu trả lời của chúng tôi”, lên án chính sách của Mỹ đối với Triều Tiên đã đẩy tình hình đến bờ vực chiến tranh.

Giả sử rằng Triều Tiên thực sự không có bất kỳ loại vũ khí hạt nhân nào và tất cả những thử nghiệm hạt nhân chỉ là đòn phép để Bình Nhưỡng gây chú ý, nhằm buộc Washington tham gia đối thoại, thì số lượng người dân nước này bị giết oan sẽ tăng rất cao (?)

Khi đó, hàng triệu dân thường Triều Tiên sẽ bị giết chỉ vì Mỹ kiên quyết từ chối đàm phán trực tiếp với Kim Jong-un, bởi Bình Nhưỡng chỉ cần Washington đảm bảo rằng sẽ không cố gắng thay đổi chế độ nước này thông qua các phương tiện quân sự, như họ từng làm ở Nam Tư, Iraq và Afghanistan?

Sau khi nhận được đảm bảo như vậy, Kim Jong-un sẽ có cơ hội tiến hành những cải cách kinh tế đã được khởi xướng theo mô hình Trung Quốc, biến Triều Tiên thành một quốc gia hoàn toàn bình thường. Tuy nhiên, viễn cảnh này là rất khó xảy ra.

Nhưng nếu vũ khí nguyên tử và vũ khí nhiệt hạch của Triều Tiên không phải là "trò lừa bịp", không chỉ mình Bình Nhưỡng gặp họa mà sự đáp trả của họ sẽ khiến Mỹ và đồng minh Hàn Quốc, Nhật Bản phải lãnh hậu quả hết sức thảm khốc (?)

Khi đó, các hoạt động nhằm bình định Triều Tiên có thể gây ra nhiều thương vong và tàn phá trên diện rộng, không chỉ ở bắc bán đảo Triều Tiên, mà còn ở miền Nam và thậm chí ở Nhật Bản, nơi các căn cứ quân sự của Mỹ nằm trong tầm tên lửa đạn đạo của Bình Nhưỡng.

Mỹ sẽ dần chấp nhận quy chế quốc gia hạt nhân của Triều Tiên

Nằm giữa vòng vây của Mỹ-Nhật-Hàn, việc Bình Nhưỡng nỗ lực phát triển bom A, bom H cũng là yếu tố bắt buộc, xuất phát từ bản năng sinh tồn trước sức ép của Mỹ và đồng minh.

Triều Tiên có hạt nhân và ICBM, Mỹ rồi sẽ buông xuôi? - 3

Triều Tiên tuyên bố phát triển vũ khí hạt nhân do "sự uy hiếp của Mỹ"

Những thành công liên tiếp trong thử nghiệm tên lửa liên lục địa, tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm và vũ khí hạt nhân đã mang đến những rắc rối cho Bình Nhưỡng, là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến những căng thẳng trong quan hệ với Mỹ và Trung-Nhật-Hàn.

Hiện nay tình hình bán đảo Triều Tiên đang hết sức căng thẳng, tuy nhiên những người tỉnh táo cho rằng sẽ không bao giờ xảy ra chiến tranh trên bán đảo này, bởi nguyên nhân xảy ra chiến tranh cũng chính là hậu quả họ không muốn thấy.

Hiện có 9 nước tuyên bố có sở hữu vũ khí hạt nhân bao gồm: Mỹ, Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc, Ấn Độ, Pakistan và Triều Tiên (có thể thêm Israel). Trong đó, 5 nước Thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc chắc chắn sở hữu bom H, các nước khác có thể chỉ là bom A.

Ngoài ra, Bình Nhưỡng cũng có thể đã lọt vào Câu lạc bộ 9 nước làm chủ được công nghệ chế tạo tên lửa đạn đạo liên lục địa (như hạt nhân) nhưng cũng chỉ 5 “ông Thường” trên là chắc chắn đã có ICBM, còn lại đều chưa ai dám khẳng định chắc chắn.

Tuy Bình Nhưỡng vẫn chưa chính thức tuyên bố sở hữu tên lửa đạn đạo liên lục địa gắn đầu đạn hạt nhân, nhưng các chuyên gia cho rằng nước này đang ráo riết triển khai việc nghiên cứu để thu nhỏ kích thước đầu đạn hạt nhân, nhằm gắn chúng trên các ICBM.

Triều Tiên có hạt nhân và ICBM, Mỹ rồi sẽ buông xuôi? - 4

Một vụ thử tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm của hải quân Triều Tiên

Thực tế không thể phủ nhận là những biện pháp bao vây, ngăn chặn của Mỹ đã trở nên bất lực: Triều Tiên đã trở thành một quốc gia sở hữu công nghệ tên lửa đạn đạo liên lục địa và vũ khí hạt nhân.

Tuy có thể chưa đạt đến trình độ công nghệ thu nhỏ được đầu đạn hạt nhân nhưng Bình Nhưỡng hoàn toàn đủ khả năng chế tạo bom hạt nhân. Và nó quá đủ để trở thành vũ khí răn đe hữu hiệu nhất đối với Nhật Bản, Hàn Quốc và các căn cứ quân sự Mỹ đóng ở các nước này.

Do đó, tuy hiện nay nguy cơ xung đột trên bán đảo Triều Tiên đang lên đến đỉnh điểm nhưng có thể nhận định chắc chắn là rồi sóng gió sẽ qua đi, đã đến lúc Washington phải chấp nhận thực tế là Bình Nhưỡng đã có vũ khí hạt nhân và thay đổi chính sách với Triều Tiên.

Nhà Trắng hiểu rằng, những rào cản chỉ có tác dụng ngăn chặn chứ nó chẳng có ý nghĩa gì khi sự đã rồi, xung đột chỉ có hại chứ chẳng hề có lợi gì cho cả 2 bên, càng trừng phạt thì Triều Tiên sẽ càng cứng rắn, giờ đã đến lúc Washington phải điều chỉnh lại chính sách đối với Bình Nhưỡng.

Nếu bao vây, cấm vận bị gỡ bỏ, rất có khả năng khoảng 10-20 năm nữa, châu Á sẽ xuất hiện một cường quốc quân sự mới nổi mang tên Triều Tiên, sánh vai với Trung Quốc và Ấn Độ?

Theo Thiên Nam

Đất Việt