1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Triều Tiên chưa phóng vệ tinh, Mỹ và các đồng minh chờ đối phó

(Dân trí) - Triều Tiên vẫn chưa phóng vệ tinh nhân tạo trong ngày hôm qua, ngày đầu tiên trong khoảng thời gian từ 4 đến 8/4 mà Bình Nhưỡng thông báo là sẽ phóng vệ tinh, do thời tiết xấu.

Triều Tiên chưa phóng vệ tinh, Mỹ và các đồng minh chờ đối phó - 1
Hình ảnh vệ tinh về bãi phóng Musudan-Ri tại Triều Tiên.
 
Bình Nhưỡng đã thông báo với các cơ quan quốc tế rằng nước này sẽ phóng tên lửa vào khoảng từ 11 giờ đến 16 giờ trong khoảng thời gian từ ngày 4-8/4.

Các giới chức tại Seoul và Tokyo phỏng đoán rằng có lẽ là do thời tiết xấu cho nên Triều Tiên đã phải tạm hoãn kế hoạch mà theo Mỹ và các đồng minh châu Á thật ra là một vụ thử nghiệm tên lửa đạn đạo. Các giới chức quốc phòng cho hãng thông tấn Yonhap của Hàn Quốc biết rằng Triều Tiên cũng không hề mở các hệ thống rađa vốn thường được mở trước khi diễn ra những vụ phóng như vậy.

Trước đó, hãng tin chính thức KCNA của Triều Tiên đưa tin là ''vệ tinh viễn thông thử nghiệm'' sắp được phóng lên, nhưng không nói rõ là lúc nào.

Còn tại Nhật Bản, quốc gia mà tên lửa Triều Tiên sẽ bay ngang qua, người dân đã tạm thời thở phào nhẹ nhõm, sau nhiều lần báo động lầm là tên lửa đã được phóng lên.

Theo bộ quốc phòng Nhật Bản, sự nhầm lẫn bắt nguồn từ việc một trạm rađa ở vùng ven đô Tokyo đã ghi nhận một vệt khói thẳng trên biển Nhật Bản và đánh giá đó là một tên lửa vừa được phóng lên. Nhưng không chỉ có chính quyền trung ương đã báo động vội vã. 90 phút trước đó, tỉnh Akita, ở miền Bắc, cũng đã thông báo cho các thành phố trong tỉnh là Triều Tiên đã phóng hoả tiễn. Chính quyền tỉnh giải thích là họ đã tin vào thông báo của bộ quốc phòng.

Bộ trưởng quốc phòng Nhật Bản ông Yasukazu Hamada hôm qua đã phải lên tiếng tạ lỗi dân chúng vì vụ việc này.

Mỹ và các đồng minh “sẵn sàng đối phó”

Nhật Bản và Mỹ đã triển khai một lá chắn chống tên lửa, bao gồm loại tên lửa Patriot và SM3, đặt trên các khu trục hạm ở ngoài khơi biển Nhật Bản, được trang bị hệ thống tấn công AEGIS. Ngoài ra, Nhật Bản còn có hi vọng là từ không trung sẽ phát hiện được tên lửa hoả tiễn Triều Tiên ngay từ lúc vừa khởi động.

Chưa hết, từ hôm 3/4, Mỹ cùng với Pháp, Anh và Nhật Bản đã bắt đầu bàn luận về một dự thảo nghị quyết nhằm tăng cường các biện pháp trừng phạt Triều Tiên.

Việc phóng tên lửa Triều Tiên sẽ vi phạm nghị quyết 1718 của Liên Hiệp Quốc yêu cầu Bình Nhưỡng phải chấm dứt toàn bộ chương trình tên lửa đạn đạo. Nghị quyết 1718 đã được thông qua từ tháng 10/2006, 5 ngày sau khi Triều Tiên tiến hành vụ thử nghiệm vũ khí hạt nhân. Theo lời các nhà ngoại giao tại Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc, bản dự thảo nghị quyết mới chủ yếu sẽ tăng cường việc thực hiện những yêu cầu và những biện pháp trừng phạt đã được nêu lên trong nghị quyết 1718.

Hãng tin AP nhận định là hai quốc gia thành viên thường trực có quyền phủ quyết là Nga và Trung Quốc, có thể sẽ không chấp nhận những biện pháp trừng phạt mới đối với Bình Nhưỡng.

Với hy vọng sẽ thuyết phục được giới lãnh đạo Bình Nhưỡng, ông Stephen Bosworth, đặc sứ của chính quyền Obama về Triều Tiên, hôm 3/4 tuyên bố là Mỹ vẫn sẵn sàng đối thoại song phương với Bình Nhưỡng và kêu gọi nước này trở lại bàn đàm phán sáu bên về hồ sơ hạt nhân.

Quốc gia bị đe doạ nhiều nhất là Nhật Bản đã nhắc lại yêu cầu đưa vấn đề ra trước Hội đồng Bảo an. Tokyo đang đặt quân đội trong tình trạng báo động, sẵn sàng bắn rơi tên lửa Triều Tiên nếu tên lửa này chệch hướng bay và rơi xuống lãnh thổ Nhật Bản. Năm 1998, Bình Nhưỡng đã từng bắn một tên lửa bay ngang qua miền Bắc Nhật Bản trước khi rơi xuống Thái Bình Dương. Từ đó, Tokyo đã phát triển một hệ thống phòng thủ chống tên lửa, với sự trợ giúp của Mỹ.

Về phần Hàn Quốc, hôm qua, toàn bộ nhân viên Hàn Quốc đang lưu trú tại Bình Nhưỡng để triển khai các dự án hợp tác giao lưu liên Triều đã trở về nước. Bộ Thống nhất Hàn Quốc cho biết, Chính phủ đã quyết định rút toàn bộ nhân viên Hàn Quốc tại Bình Nhưỡng để đảm bảo an toàn cho công dân nước này trong khi Triều Tiên sẵn sàng phóng tên lửa tầm xa.
 
Các cơ quan chính phủ của Hàn Quốc đã bắt đầu chế độ làm việc bất thường trước tình hình Bắc Triền Tiên sắp phóng tên lửa. Tổng thống Lee Myung Bak cũng đã triệu tập một phiên họp khẩn cấp với các bộ trưởng đặc trách về an ninh.

Ngay cả tại Nga, Bộ Quốc phòng nước này cũng đang chuẩn bị giám sát đường bay của tên lửa, để ngăn không cho các mảnh vỡ của tên lửa này rơi xuống các đảo của Nga. Hệ thống rađa và phòng không của Nga cũng được đặt trong tình trạng báo động.

Cựu đại sứ Mỹ tại Liên hiệp quốc John Bolton hôm qua đã cho rằng Washington cần phải xem xét một hành động quân sự chống Triều Tiên, nếu tên lửa rơi xuống Nhật Bản.

Nguyễn Viết
Tổng hợp