1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Triều Tiên âm thầm phát triển tên lửa liên lục địa đáng sợ hơn nhiều?

(Dân trí) - Triều Tiên khiến thế giới phải bất ngờ về công nghệ phát triển tên lửa sau hai lần phóng thử tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) hồi tháng 7. Tuy nhiên, một chuyên gia quốc phòng của Mỹ cho rằng, Bình Nhưỡng có thể đang phát triển dự án tên lửa đáng sợ hơn nhiều.


Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un thị sát trước vụ phóng tên lửa liên lục địa Hwasong-14. (Ảnh: Reuters)

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un thị sát trước vụ phóng tên lửa liên lục địa Hwasong-14. (Ảnh: Reuters)

James Kiessling, một chuyên gia làm việc tại Văn phòng Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, mới đây đã đưa ra nhận định của cá nhân với trang tin Business Insider về chương trình tên lửa của Triều Tiên.

Thông qua việc phân tích tỉ mỉ hình ảnh và dữ liệu liên quan đến các vụ phóng tên lửa của Triều Tiên, ông Kiessling kết luận, tên lửa mà Triều Tiên đặt trên bệ phóng di động là các xe tải không thể hoạt động. Chuyên gia này cho rằng, việc Triều Tiên phô trương các hình ảnh này có thể chỉ là cách để tránh dư luận chú ý đến dự án tên lửa thực chất hơn của họ.

Trong một bài viết cho mạng tin Breaking Defense, ông Kiessling và đồng nghiệp Ralph Savelsberg cho rằng, kích thước của tên lửa ICBM của Triều Tiên phóng đi hồi tháng 7 khiến nó không thể bắn tới Mỹ dù chất nổ có mạnh tới đâu.

Thực tiễn cho thấy, tên lửa ICBM sử dụng nhiên liệu lỏng thực sự và có thể vận chuyển bằng xe tải phải rất lớn.

Ông Kiessling cho biết, mặc dù không phải là không thể, nhưng việc phóng một ICBM sử dụng nhiên liệu lỏng từ một bệ phóng di động là vô cùng khó khăn và nguy hiểm. Thay vào đó, Mỹ, Liên Xô và Trung Quốc đều chế tạo các tên lửa sử dụng nhiên liệu lỏng và đặt trong các hầm chứa dưới mặt đất để tên lửa ổn định hơn.

Ông Kiessling nói: “Nếu bạn thực sự quan tâm đến ICBM, hãy nhìn lại lịch sử phát triển ICBM của các nước. Tất cả ICBM vận hành bằng nhiên liệu lỏng đều được đặt trong các hầm chứa dưới mặt đất”.

Không có dữ liệu nào cho thấy Triều Tiên xây một hầm chứa như vậy cho tên lửa ICBM. Tuy nhiên, ông Kiessling cho rằng, trong khi hướng dư luận đến tên lửa ICBM sử dụng bệ phóng di động, Triều Tiên có thể đang âm thầm phát triển tên lửa ICBM đặt trong hầm trú dưới lòng đất.

Cũng theo chuyên gia này, Triều Tiên có thể kết hợp các bộ phận của tên lửa liên lục địa Hwasong-14 với tên lửa đẩy vệ tinh Unha. Cả Unha và Hwasong-14 đều đã được Triều Tiên thử nghiệm riêng biệt nên việc kết hợp chúng không quá khó khăn.

Cùng chung nhận định với ông Kiessling, Mike Elleman, chuyên gia cấp cao về phòng vệ tên lửa của Viện nghiên cứu chiến lược và quốc tế, cho rằng Triều Tiên đang phát triển một ICBM hạng nặng hơn. Theo chuyên gia Elleman, tên lửa này không dùng bệ phóng di động nhưng có thể đe dọa toàn bộ lục địa Mỹ và có thể mang nhiều chất nổ hơn.

Minh Phương

Theo BI