1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Tranh luận về xác tàu Titanic

Chuyện về con tàu Titanic đã làm giới truyền thông tốn quá nhiều giấy mực. Tuy vậy, hiện nay nó vẫn tiếp tục gây nhiều sóng gió trong dư luận thế giới. Nếu như các lần trước là nguyên nhân làm chìm tàu, hay chuyện bộ phim "Titanic" đem lại, thì lần này là vấn đề về cái xác tàu.

Từ sau khi được phát hiện năm 1985, đến nay xác của con tàu vượt Đại Tây Dương này đang bị xuống cấp trầm trọng. Người phát hiện ra xác con tàu huyền thoại đang lên tiếng tố cáo những người khách du lịch đáy đại dương xâm phạm xác con tàu và đấu tranh đòi Liên Hợp Quốc công nhận xác tàu là một viện bảo tàng dưới đáy biển.

 

Robert Ballard, Chủ tịch Viện Nghiên cứu thành phố Mystie, Mỹ, trở nên nổi tiếng kể từ sau khi phát hiện xác tàu Titanic (bị chìm năm 1912) trong khi đang nghiên cứu đáy biển Đại Tây Dương. Đó là vào năm 1985. Từ đó trở đi, ông luôn đấu tranh đòi cộng đồng quốc tế thông qua một bản nghị quyết coi xác tàu Titanic là một di tích lịch sử cần được bảo vệ.

 

Sự lo lắng của Robert Ballard là hoàn toàn dễ hiểu vì xác tàu Titanic hiện đang bị phá hoại với một tốc độ chóng mặt. Trong chuyến thăm gần đây vào tháng 6/2004, Robert Ballard phát hiện xác tàu Titanic khác xa so với lần đầu phát hiện: nhiều đồ vật trên tàu như đèn pha, còi tàu... cùng nhiều hiện vật có giá trị khác của tàu đều không còn.

 

Robert Ballard cho rằng, chính khách du lịch là những người chịu trách nhiệm đầu tiên về tình trạng xuống cấp trầm trọng của xác tàu Titanic hiện nay. Robert Ballard khẳng định, du khách tới đây không chỉ lấy một vài món từ tàu Titanic mang về làm kỷ niệm mà còn yêu cầu người điều khiển thiết bị lặn cho họ “bước lên” con tàu  huyền thoại.

 

Hậu quả của những lần đó là sự đổ vỡ của các thiết bị trên tàu Titanic vốn đã bị hoen gỉ trầm trọng. Robert Ballard vừa nói vừa đưa ra hai bức ảnh cho thấy thân tàu Titanic hiện giờ không khác gì một đống sắt vụn, thay vì lúc mới phát hiện bộ khung của tàu vẫn còn khá nguyên vẹn.

 

Năm 2001, một cặp vợ chồng người Mỹ từng tổ chức đám cưới ngay tại xác tàu này. Ngoài ra, Robert Ballard còn cho rằng, chính bộ phim "Titanic" cũng đóng góp một phần không nhỏ trong việc đẩy làn sóng tìm hiểu về xác tàu Titanic lên cao hơn bao giờ hết. Sau khi bộ phim được trình chiếu, mọi thứ đồ lưu niệm từ xác tàu Titanic trở thành những đồ vật đáng giá nghìn vàng.

 

Về phần mình, các nhà nghiên cứu người Nga cực lực phản đối những nghi ngờ của ông Robert Ballard. “Chúng tôi thực hiện những chuyến lặn xuống xác tàu Titanic vì mục đích khoa học hoặc du lịch chứ không hề có chuyện cướp phá gì ở đây. Vả lại, xác tàu Titanic thuộc vùng hải phận quốc tế chứ không riêng gì của nước nào, do vậy ai cũng có quyền chiêm ngưỡng nó” - Evgueni Tcherniaev, thuyền trưởng tàu MIR-2 cho biết.

 

Tuy nhiên, cần phải biết rằng, nếu không có sự đồng ý của người lái tàu, chắc chắn không có bất cứ du khách nào có thể mang một vật lưu niệm từ xác tàu Titanic lên mặt nước. Vì thực tế, ở độ sâu 4.000m, chỉ có những cánh tay robot mới có thể tháo gỡ hay lấy một món đồ từ xác tàu Titanic. Như vậy, gần như không còn một lý do nào khác giải thích cho hiện tượng mất đồ trên xác tàu Titanic ngoài lý do được Robert Ballard đưa ra.

 

Từ năm 1978, một công ty của Mỹ tên là RMS Titanic đã nắm quyền sở hữu và khai thác tất cả những gì trên xác tàu Titanic. Ngay cả khi luật pháp quốc tế quy định rằng, xác của một con tàu sẽ thuộc về người phát hiện ra nó, nhưng năm 1987, Tòa án Liên bang Mỹ lại thừa nhận RMS Titanic là công ty duy nhất có toàn quyền về các phế tích của tàu Titanic. Từ đó, người Mỹ đã trục vớt trên 6.000 đồ vật từ xác tàu Titanic và bán trong các cuộc bán đấu giá với giá cao kinh khủng, mỗi năm nó đem lại 8,5 triệu USD.

 

Người ta không thể không loại trừ khả năng Robert Ballard đang bảo vệ cho những lợi ích thương mại trên của Mỹ. Thực tế cho đến nay, người ta vẫn chưa biết xếp xác tàu Titanic vào loại gì hay phải làm gì với nó.

 

Một số người cho rằng cần tiếp tục nghiên cứu xác của con tàu này nhằm tìm ra nguyên nhân khiến nó bị chìm, một số khác lại cho rằng con tàu vượt Đại Tây Dương này đã trở thành mồ chôn hơn 1.500 sinh mạng cần phải được biến thành một thánh địa.

 

Số khác nữa lại muốn xác Titanic trở thành một viện bảo tàng dưới lòng đại dương. Người phát hiện ra xác con tàu vượt Đại Tây Dương thuộc nhóm những người sau cùng này. Robert Ballard đề xuất rằng cần lắp đặt các máy quay kỹ thuật số để quay những gì đang diễn ra tại đây, sau đó truyền trực tiếp lên Internet để tất cả mọi người trên thế giới cùng chiêm ngưỡng.

 

Theo Giang Khuê

An ninh thế giới