1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Tổng thống Pervez Musharraf trước sức ép phải ra đi

(Dân trí) - Cuộc bầu cử lập pháp tháng 2/2008 không chỉ mang lại chiến thắng cho phe đối lập mà còn làm suy yếu quyền lực của tổng thống Pakistan. Những ngày gần đây, tin đồn về một sự ra đi của ông Musharraf lan rộng khắp Islamabad.

Cuối tháng 5, tướng Ashfaq Kayani, Tham mưu trưởng quân đội Pakistan đã sa thải nhiều tướng lĩnh từng được Tổng thống Musharraf “sủng ái”, trong đó có một thân cận thuộc ban chỉ huy của Lữ đoàn Triple One - đơn vị mệnh danh là "lữ đoàn đảo chính". Một động thái mang tính chất ngăn chặn Tổng thống Musharraf giải tán chính phủ.  Ngày 28/5, tướng Kayani còn có cuộc họp khá lâu với người đứng đầu nhà nước. Cũng trong thời gian này, ông Ali Zardari- chồng goá của nhà lãnh đạo đảng Nhân dân Pakistan (PPP) bị ám sát Benazir Bhutto, đồng chủ tịch PPP và ông Nawaz Sharif, lãnh tụ đảng Liên đoàn Hồi giáo Pakistan (PML-N) tiến hành thảo luận về những cải cách Hiến pháp nhằm hạn chế quyền lực của tổng thống. Đây cũng là hai chính trị gia từng “không đội trời chung” với ông Musharraf. Các sự kiện trên đã nuôi dưỡng các tin đồn về sự ra đi của Tổng thống Pakistan.

 

Nhật báo The News của thành phố Karachi tường thuật ngày 28/5, một máy bay đã được huy động phòng trường hợp khẩn cấp sơ tán tổng thống và các lực lượng an ninh cũng nhận được thông báo về một biến cố quan trọng có thể xay ra. Ngày 30/5, tổng biên tập Murtaza Shibli của tạp chí “Kashmir Affairs” xuất bản tại London đã tạo ra tin đồn trên trang countercurrents.org bằng bài phân tích có nhan đề: “Hồi kết của Tổng thống Musharraf đã đến? Nó sẽ thật sự khủng khiếp?”.

 

Ngay ngày hôm sau, Nhà Trắng cho thấy cố gắng vãn hồi cuộc khủng hoảng bằng việc thông báo với giới báo chí về cuộc điện đàm giữa Tổng thống George W. Bush với người đồng cấp Pakistan, trong đó nhấn mạnh về sự ủng hộ nhất trí của Washington với ông Musharraf.

 

Ngày 2/6, tờ Daily Times của Lahore bình luận, người ta có thể nghĩ rằng đây là cuộc điện đàm duy nhất của Tổng thống Bush sau khi nhận được tín hiệu cầu cứu của ông Musharraf và sau khi chính phủ mới từ chối đón tiếp một phái viên của Mỹ.

 

Còn tại Karachi, nhật báo Dawn xuất bản bằng tiếng Anh của Pakistan phân tích, sự hậu thuẫn của Tổng thống Bush đối với Tổng thống Musharraf trong trường hợp này lại phản tác dụng. Chắc chắn các đảng phái Hồi giáo và lực lượng Taliban sẽ trích dẫn các thông tin liên quan đến cú điện đàm trên, sử dụng nó vào mục đích tô vẽ ông Musharraf như một nhân viên của chính quyền Mỹ trong thế giới Hồi giáo. Đại đa số các phóng viên đều tỏ ra lấy làm tiếc cho hành động can thiệp từ bên ngoài vào tình hình nội bộ quốc gia. Tuy nhiên, phóng viên Kamal Siddiqi của The News lại tỏ thái độ bênh vực tổng thống vì cho rằng ông Musharraf cần phải tại vị vì ông “đại diện cho sự liên tục” chính trị tại quốc gia Nam Á này.

 

Cuộc khủng hoảng trầm trọng mới trên chính trường không phải là mối quan tâm chính của người dân  Pakistan. Họ ít quan tâm tới số phận của Tổng thống mà chỉ nghĩ đến chuyện cơm áo gạo tiền, những khó khăn kinh tế như tình trạng thiếu điện nghiêm trọng hiện nay.

 

Ngọc Nhàn

Theo LCI