1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Tổng thống Mỹ bắt đầu "trở lại châu Á" theo cách riêng

Chỉ trong vòng chưa đầy 24 giờ, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã liên tục thể hiện cho cộng đồng quốc tế thấy rằng, ông có khả năng hiện thực hóa chính sách xoay trục sang châu Á của người tiền nhiệm Barack Obama. Tuy nhiên là theo cách riêng của mình và đặc biệt mạnh mẽ hơn.

Để tái khẳng định hai “trục” trung tâm trong chính sách châu Á của Mỹ, vốn đã chiếm ưu thế trong nhiều thập kỷ qua, tân chủ nhân Nhà Trắng đã thực hiện cuộc điện đàm với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào cuối ngày 9-2 (giờ địa phương) và tổ chức cuộc gặp thượng đỉnh với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe vào ngày 10-2 (giờ địa phương).

Trong cuộc điện đàm với Chủ tịch Tập Cận Bình, được Nhà Trắng mô tả là “hết sức thân mật”, Tổng thống Mỹ Donald Trump khẳng định tôn trọng chính sách “một Trung Quốc” – điều được cho là nền tảng quan trọng trong mối quan hệ giữa hai nước – và Chính phủ Mỹ sẽ kiên định lập trường này. Tuyên bố trên trái ngược với tuyên bố trước đó hồi tháng 12-2016, trong đó Tổng thống Trump khẳng định Mỹ không nhất thiết phải duy trì chính sách “một Trung Quốc”.

Có nhiều nhận định rằng, tuyên bố lần này của ông Trump nằm trong nỗ lực cải thiện quan hệ với Trung Quốc sau hàng loạt căng thẳng kéo dài nảy sinh từ cuộc điện đàm của ông với lãnh đạo Đài Loan (Trung Quốc) Thái Anh Văn, cùng với đó là các lời chỉ trích về chính sách tài trợ thương mại và tiền tệ của Trung Quốc.

Về phía Trung Quốc, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khẳng định, Bắc Kinh đánh giá cao việc Tổng thống Mỹ đồng ý giữ vững chính sách “một Trung Quốc”. “Tôi tin tưởng rằng, Mỹ và Trung Quốc là các đối tác hợp tác của nhau, cùng nỗ lực để đưa quan hệ song phương lên một tầm cao mới. Sự phát triển của mối quan hệ này đương nhiên sẽ tốt cho cả hai”.

Trong cuộc điện đàm, hai nhà lãnh đạo cũng nhất trí duy trì liên hệ chặt chẽ để kịp thời trao đổi những vấn đề hai bên cùng quan tâm, tăng cường giao lưu hợp tác trong mọi lĩnh vực, đồng thời mong sớm tổ chức được hội đàm cấp nguyên thủ giữa hai bên.

Chỉ vài giờ sau cuộc điện đàm này, Tổng thống Mỹ đã tổ chức cuộc gặp thượng đỉnh chính thức đầu tiên với Thủ tướng Nhật Bản Abe tại Phòng Bầu dục (Văn phòng Tổng thống - Oval Office) ở Nhà Trắng. Trong tuyên bố chung đưa ra sau cuộc gặp, Tổng thống nước chủ nhà tái khẳng định cam kết của Mỹ trong việc bảo vệ Nhật Bản, đồng minh thân cận của Washington tại châu Á, bằng cả sức mạnh quân sự truyền thống lẫn năng lực hạt nhân.

Cái bắt tay ngoại giao kéo dài tới 19 giây giữa Tổng thống Trump (phải) và Thủ tướng Abe. Ảnh: Getty Images.
Cái bắt tay ngoại giao kéo dài tới 19 giây giữa Tổng thống Trump (phải) và Thủ tướng Abe. Ảnh: Getty Images.

Tân Tổng thống Mỹ nhấn mạnh rằng, quan hệ đồng minh Mỹ - Nhật là nền tảng cho hòa bình và ổn định khu vực: “Mối quan hệ giữa hai nước chúng ta và tình hữu nghị giữa nhân dân hai nước là vô cùng sâu sắc. Chính quyền mới (của Mỹ) cam kết sẽ đưa mối quan hệ này thậm chí còn khăng khít hơn nữa”.

Và để trấn an đồng minh Nhật Bản, Tổng thống Mỹ Donald Trump khẳng định, việc quan hệ Mỹ - Trung được cải thiện không phải là mối đe dọa đối với Tokyo. Về phần mình, Thủ tướng Abe khẳng định ông hoàn toàn nắm rõ việc ông Trump quyết định rút lui khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), tuy nhiên Nhật Bản và Mỹ đã nhất trí về một khuôn khổ mới liên quan đến đối thoại kinh tế. Hai nhà lãnh đạo đã nhất trí rằng, các mối quan hệ thương mại song phương đều phải có lợi cho hai nước.

Thủ tướng Abe bày tỏ sự lạc quan rằng, các cuộc đối thoại sẽ có được những kết quả tốt đẹp, đồng thời cho biết Nhật Bản đang tìm kiếm một bộ quy tắc thương mại có tính công bằng và phổ biến ở trong khu vực. Cũng trong bản Tuyên bố chung, hai nhà lãnh đạo nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì trật tự Biển dựa trên luật pháp quốc tế bao gồm tự do hàng hải và các tự do trên biển hợp pháp khác. Đồng thời, phản đối mạnh mẽ những chủ trương uy hiếp, cưỡng chế, bạo lực xâm hại tới Biển.

Đặc biệt, hai bên đã yêu cầu các bên liên quan tránh hành động gây căng thẳng bao gồm quân sự hóa ở khu vực Biển Đông, yêu cầu hành xử dựa trên luật pháp quốc tế.

Những cuộc điện đàm, gặp thượng đỉnh với các nhà lãnh đạo hàng đầu của châu Á chỉ trong vòng chưa đầy 24h cho thấy chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump đang dành sự quan tâm đến khu vực này ngay trong những tháng hoạt động đầu tiên. Điều này cũng là tín hiệu cho thấy châu Á sẽ là một trong những trọng tâm hàng đầu của chính quyền mới tại Washington.

Giới chuyên gia nhận định, trọng tâm hướng về châu Á sẽ có lợi cho vị tân chủ nhân Nhà Trắng, đồng thời có tác dụng hiện thực hóa mong muốn tăng cường sự hiện diện của Mỹ trong khu vực.

Theo Khổng Hà

Công an nhân dân