1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Tổng thống Israel mong chờ tới thăm một Việt Nam hiện đại

(Dân trí) - "Tổng thống Reuven Ruvi Rivlin đã biết nhiều về lịch sử Việt Nam, nhưng ông mong chờ được nhìn thấy một Việt Nam của ngày hôm nay, một Việt Nam hiện đại", Đại sứ Israel tại Hà Nội chia sẻ về chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Rivlin tuần tới.


Tổng thống Israel Reuven Ruvi Rivlin (Ảnh: Yonatan Sindel/Flash90)

Tổng thống Israel Reuven Ruvi Rivlin (Ảnh: Yonatan Sindel/Flash90)

Nhận lời mời của Chủ tịch nước Trần Đại Quang, Tổng thống Reuven Ruvi Rivlin và Phu nhân sẽ thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam từ ngày 19-25/3. Nhân dịp này, Đại sứ Israel tại Việt Nam Meirav Eilon Shahar đã có cuộc trò chuyện với Dân trí về chuyến thăm.

Tổng thống Israel Reuven Ruvi Rivlin và Phu nhân sẽ có chuyến thăm đầu tiên tới Việt Nam vào đầu tuần tới. Xin bà cho biết ý nghĩa của sự kiện này đối với quan hệ Israel - Việt Nam?

Tôi và đội ngũ của tôi đang rất mong chờ cho chuyến thăm của Tổng thống và phu nhân tới đây. Một phái đoàn doanh nghiệp lớn, từ nhiều lĩnh vực như nông nghiệp, công nghệ thông tin, nước sạch, an ninh mạng, quốc phòng… sẽ tháp tùng Tổng thống trong chuyến thăm quan trọng này.

Quan hệ giữa hai nước đã phát triển tốt đẹp và nhanh chóng trong những năm gần đây, mỗi năm lên một ngưỡng mới. Chúng tôi tin rằng cả hai bên đều coi đây là dịp rất thích hợp để Tổng thống đến thăm và nhìn lại tất cả những thành tựu mà hai bên đạt được, đồng thời tạo động lực mới để tiếp tục thúc đẩy mối quan hệ trong thời gian tới.

Tổng thống dự kiến sẽ có nhiều hoạt động tại Việt Nam trong chuyến thăm này. Tổng thống sẽ gặp các nhà lãnh đạo Việt Nam tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, thăm một số dự án tiêu biểu giữa hai nước về nông nghiệp, giáo dục, nơi công nghệ của Israel được áp dụng. Tổng thống sẽ chứng kiến một số thành quả của sự hợp tác song phương. Chúng ta đã đạt được nhiều thành tựu nhưng tiềm năng hợp tác vẫn còn rất lớn.

Quan hệ giữa Israel và Việt Nam đã phát triển như thế nào trong những năm qua, thưa bà?

Có thể thấy quan hệ giữa hai nước ở lĩnh vực nào cũng phát triển: đối thoại chính trị được tăng cường, quan hệ kinh tế phát triển và quan hệ nhân dân ngày càng được cải thiện.

Khoảng 5-6 năm trước, thương mại hai chiều chỉ đạt khoảng 200 triệu USD, nhưng giờ đây con số đã lên tới 2,3 tỷ USD. Hiện hai bên đang đàm phán về một thỏa thuận thương mại tự do để đưa hợp tác song phương lên một giai đoạn mới.

Khi bạn nhìn vào các lĩnh vực hợp tác thì nông nghiệp đã và đang là trọng tâm và sẽ tiếp tục là trọng tâm. Nông nghiệp rất quan trọng đối với Việt Nam và Israel có công nghệ tốt. Sự hợp tác cũng mở rộng sang các lĩnh vực khác như hợp tác quốc phòng, giáo dục...

Công nghệ là sợi dây xuyên suốt trong các lĩnh vực hợp tác như nông nghiệp, giáo dục, khoa học… Israel có nhiều kinh nghiệm về đổi mới và phát triển công nghệ. Sự cần thiết ở đây là làm sao chúng tôi có thể hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực công nghệ.

Hợp tác về quốc phòng cũng là một trụ cột quan trọng trong mối quan hệ giữa hai nước. Ngay mới tháng 2 năm nay, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh đã sang thăm và làm việc tại Israel.

Ngoài các lĩnh vực trọng điểm như nông nghiệp và quốc phòng, theo bà, hai nước còn có thể thúc đẩy hợp tác trong những lĩnh vực nào?

Tôi muốn nhấn mạnh rằng nông nghiệp vẫn là trọng tâm của sự hợp tác. Chúng ta cần nhiều sản phẩm nông nghiệp hơn, chất lượng tốt, an toàn. Chúng ta cần chú trọng tới vấn đề an ninh lương thực.

Bên cạnh đó, hai bên có thể đẩy mạnh hợp tác về năng lượng, giáo dục, nước sạch. Việt Nam bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu, còn Israel sở hữu công nghệ tiên tiến để xử lý nước sạch.

Giáo dục ngày càng trở thành là một lĩnh vực hợp tác quan trọng giữa hai nước. Hàng năm, chúng tôi có một số dự án đào tạo. Mỗi năm có khoảng 700 sinh viên ngành nông nghiệp sang Israel nghiên cứu về nông nghiệp trong thời gian 11 tháng. Họ vừa học vừa làm.

Ngoài ra, cũng có một số sinh viên Việt Nam sang Israel làm thạc sĩ, tiến sĩ. Khoảng vài trăm người du học trong các lĩnh vực như toán học, hóa học…

Chúng tôi cũng cố gắng để thực hiện các chương trình trao đổi sinh viên. Hiện tại thì chưa có sinh viên Israel nào sang Việt Nam học tập nhưng tôi hi vọng khi quan hệ giáo dục ngày càng được tăng cường thì sẽ có các sinh viên Israel tới Việt Nam.

Tổng thống Rivlin có chia sẻ điều gì về chuyến thăm Việt Nam lần này?

Tôi vừa gặp Tổng thống tuần trước khi tôi trở về Israel để tham dự một hội thảo. Tổng thống Rivlin nói ông rất mong chờ chuyến thăm Việt Nam. Ông đã hiểu biết nhiều lịch sử của Việt Nam, nhưng ông ấy mong chờ được nhìn thấy một Việt Nam của ngày hôm nay, một Việt Nam hiện đại.

Thông qua chuyến thăm, chúng tôi cũng mong Tổng thống biết nhiều hơn về Việt Nam. Ngoài các cuộc gặp cấp cao, Tổng thống sẽ có dịp tìm hiểu về văn hóa và các danh lam thắng cảnh của Việt Nam thông qua các điểm dừng chân tại Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Vĩnh Phúc, Hạ Long.

Quan hệ song phương được thiết lập trên 3 cấp độ là cấp chính phủ, doanh nghiệp và quan hệ nhân dân. Chúng tôi chú trọng cả 3 khía cạnh đó trong chuyến thăm này. Chúng tôi có các cuộc gặp cấp cao giữa lãnh đạo hai bên, có diễn đàn doanh nghiệp và có trao đổi nhân dân thông qua buổi biểu diễn âm nhạc của nghệ sĩ hai nước. Tổng thống cũng tới thăm vịnh Hạ Long - một danh lam thắng cảnh của Việt Nam.

Tổng thống Rivlin là người rất cởi mở. Bản thân tôi cũng mong muốn Tổng thống gặp gỡ các sinh viên và các bạn trẻ Việt Nam nhưng lịch trình dày đặc nên không thể thực hiện điều này.

Xin Đại sứ cho biết kỳ vọng của bà về chuyến thăm này?


Đại sứ Israel tại Việt Nam, bà Meirav Eilon Shahar (Ảnh: Đại sứ quán Israel)

Đại sứ Israel tại Việt Nam, bà Meirav Eilon Shahar (Ảnh: Đại sứ quán Israel)

Tôi đang ở cuối nhiệm kỳ tại Việt Nam, do vậy chuyến thăm này cũng rất có ý nghĩa với cá nhân tôi. Tôi đã nỗ lực làm việc trong những năm qua để thúc đẩy quan hệ giữa hai nước và tôi rất vui khi Tổng thống sẽ nhìn thấy những thành quả mà chúng tôi làm được ở đây. Tôi cũng muốn ông thấy sự hợp tác với Việt Nam và mối quan hệ giữa hai nước đã phát triển tốt như thế nào. Tôi rất vui vì chuyến thăm này. Tôi biết Tổng thống sẽ được các nhà lãnh đạo Việt Nam tiếp đón trọng thể.

Tôi đến Việt Nam lần đầu tiên năm 1991 với tư cách là khách du lịch. Lúc đó tôi còn rất trẻ. Khi đó, tôi đã ở Việt Nam trong 1 tháng rưỡi. Tôi đến thành phố Hồ Chí Minh đầu tiên, rồi đi khắp Việt Nam ra đến miền bắc. Khi đó Việt Nam đã để lại ấn tượng rất tốt đẹp với tôi. Và khi trở lại Hà Nội trên cương vị đại sứ năm 2012, tôi rất mừng.

Việt Nam giờ đây đã “lột xác” hoàn toàn so với năm 1991. Điều tôi thấy thú vị ở Việt Nam là sự thay đổi từng ngày. Tôi thích sự năng động của đất nước các bạn.

Tôi có rất nhiều kỷ niệm với những người dân địa phương trong các chuyến công tác. Trong hơn 4 năm ở đây, tôi đã đi thăm khoảng từ 32-35 tỉnh thành. Tôi không chỉ ở Hà Nội và đến thành phố Hồ Chí Minh mà còn tới nhiều nơi khác nữa để hiểu biết về Việt Nam, tìm hiểu về sự đa dạng của các vùng miền, tìm hiểu về những thách thức mà người dân địa phương phải đối mặt.

Tôi có 3 người con: 2 trai và 1 gái. Chúng học trường quốc tế do khác biệt ngôn ngữ nhưng có nhiều bạn Việt Nam. Điều tôi thích là vì bọn trẻ có nhiều dịp đi cùng tôi tới các tỉnh thành nên chúng rất cởi mở, thích các món ăn Việt Nam. Chúng có cuộc sống vui vẻ, hòa nhập ở đây. Đó là điều tôi rất hài lòng.

Trân trọng cảm ơn Đại sứ!

An Bình