1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Toan tính của Nga - Trung trong "ván cờ" Triều Tiên

(Dân trí) - Nga và Trung Quốc từng nhiều lần phản đối và phủ quyết các dự thảo nghị quyết do Mỹ đưa ra nhằm trừng phạt Triều Tiên. Kịch bản này liệu có lặp lại khi Hội đồng Bảo an dự kiến bỏ phiếu thông qua nghị quyết mới để răn đe Bình Nhưỡng sau các vụ thử hạt nhân và tên lửa liên tiếp gần đây?

Tổng thống Vladimir Putin đón Chủ tịch Tập Cận Bình tại Điện Kremlin hồi tháng 7 (Ảnh: EPA)
Tổng thống Vladimir Putin đón Chủ tịch Tập Cận Bình tại Điện Kremlin hồi tháng 7 (Ảnh: EPA)

Nga - Trung bắt tay cản bước Mỹ?

Mỹ đã đề nghị Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc bỏ phiếu thông qua dự thảo nghị quyết do nước này soạn thảo nhằm trừng phạt Triều Tiên vào ngày 11/9. Đây được cho là các lệnh trừng phạt mạnh nhất từ trước đến nay mà cộng đồng quốc tế áp đặt lên Triều Tiên.

Mặc dù Trung Quốc từng tuyên bố có thể sẽ ủng hộ các biện pháp trừng phạt cứng rắn hơn với Triều Tiên, tuy nhiên các nhà ngoại giao nhận định rằng Nga và Trung Quốc có thể sẽ phối hợp cùng nhau để buộc Mỹ không gây sức ép quá lớn với Bình Nhưỡng.

Là hai quốc gia thân cận, thậm chí được coi là đồng minh với Triều Tiên, mọi suy tính của Nga và Trung Quốc đều được xem xét kỹ lưỡng. Các vụ thử hạt nhân và tên lửa liên tiếp gần đây của Triều Tiên đã đẩy Nga và Trung Quốc xích lại gần nhau để tạo thành đối trọng với Mỹ trong bối cảnh Washington luôn tìm cách trừng phạt Bình Nhưỡng.

Chỉ vài giờ sau khi Triều Tiên tuyên bố thử thành công bom nhiệt hạch hôm 3/9, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Nga Vladimir Putin đã nhất trí tăng cường phối hợp và “giải quyết phù hợp” vấn đề Triều Tiên trong cuộc hội đàm của hai nhà lãnh đạo bên lề hội nghị thượng đỉnh BRICS tại Trung Quốc.

Trong khi đó, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị một mặt kêu gọi Hội đồng Bảo an nên có các hành động để kiềm chế Triều Tiên, mặt khác tuyên bố vấn đề Triều Tiên cần được giải quyết thông qua đối thoại.

Theo chuyên gia Catherine Dill từ Trung tâm Nghiên cứu Chống phổ biến vũ khí James Martin, Nga và Trung Quốc có thể sẽ không tẩy chay thẳng thừng các biện pháp trừng phạt Triều Tiên do Mỹ đưa ra vì xét trên khía cạnh chính trị, cả hai nước đều khó thực hiện điều này. Tuy nhiên, Moscow và Bắc Kinh có thể sẽ tìm cách đàm phán để loại bớt một số đề xuất trừng phạt do Washington đưa ra ban đầu.

Lợi ích chung trong vấn đề Triều Tiên

Vũ khí Triều Tiên tại lễ diễu binh ở thủ đô Bình Nhưỡng (Ảnh: Reuters)
Vũ khí Triều Tiên tại lễ diễu binh ở thủ đô Bình Nhưỡng (Ảnh: Reuters)

Trung Quốc hiện chiếm gần 90% hoạt động thương mại của Triều Tiên. Trong khi đó, mặc dù kim ngạch thương mại của Nga với Triều Tiên chỉ dừng ở mức chưa đầy 100 triệu USD, nhưng Moscow vẫn có các mối quan hệ sâu rộng với Bình Nhưỡng.

Hồi tháng 1, hãng thông tấn TASS của Nga đưa tin nước này và Triều Tiên đã lên kế hoạch tăng cường hợp tác trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng đường sắt. Ngoài ra, Moscow cũng đã mở rộng một chương trình hợp tác để đưa người lao động Triều Tiên sang Nga làm việc.

Trong khi đó, một số vũ khí Triều Tiên đang sử dụng được cho là có nguồn gốc từ Nga. Ví dụ, động cơ của tên lửa đạn đạo liên lục địa Hwasong-14 của Triều Tiên được cho là bắt nguồn từ tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm R-17 Zyb của Liên Xô trước đây.

Ông Artyom Lukin, chuyên gia về Triều Tiên tại Đại học Liên bang Viễn Đông của Nga, nói rằng Nga và Trung Quốc vẫn có lợi ích chiến lược chung trong vấn đề Triều Tiên, vì cả hai đều lo sợ rằng sự sụp đổ của Bình Nhưỡng sẽ gây ra tình trạng bất ổn ở khu vực biên giới của cả hai nước.

“Cả Nga lẫn Trung Quốc đều quan tâm tới sự tồn tại lâu dài của Triều Tiên vì cả hai nước đều xem Triều Tiên như một vùng đệm để chống lại các liên minh do Mỹ làm trung tâm ở khu vực Đông Bắc Á”, chuyên gia Lukin cho biết.

“Moscow cũng như Bắc Kinh đều lo ngại rằng sự nóng nảy của Tổng thống Donald Trump có thể sẽ kích động một cuộc chiến tranh, mà nếu cuộc chiến này xảy ra, sẽ hủy diệt hoàn toàn bán đảo Triều Tiên, đồng thời gây ra những hậu quả thảm khốc về kinh tế và môi trường cho các quốc gia láng giềng”, ông Lukin cho biết thêm.

Nga và Trung Quốc đã công khai phản đối việc Mỹ triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) tại Hàn Quốc. Bên cạnh đó, hai nước cũng đã ký một thỏa thuận về hợp tác quân sự hồi tháng 6, trong đó cam kết sẽ “cùng nhau bảo vệ hòa bình và ổn định khu vực”.

“Đối với Trung Quốc, hợp tác với Nga là cách duy nhất vì Bắc Kinh không muốn nhìn thấy có thêm một phe phái chính trị khác tại châu Á trong vấn đề Triều Tiên”, chuyên gia Su Xingjie tại Đại học Jilin nhận định.

Một số khác biệt

Cờ Nga, Trung Quốc, Triều Tiên tại khu vực biên giới 3 nước ở phía đông bắc Trung Quốc (Ảnh: Getty)
Cờ Nga, Trung Quốc, Triều Tiên tại khu vực biên giới 3 nước ở phía đông bắc Trung Quốc (Ảnh: Getty)

Chuyên gia Su Xingjie cho rằng lợi ích của Nga và Trung Quốc trong vấn đề Triều Tiên vẫn tồn tại một số khác biệt vì so với Moscow, Bắc Kinh quan ngại về chương trình vũ khí hạt nhân của Bình Nhưỡng nhiều hơn.

“Nga từ trước đến nay vẫn cho thấy sự ủng hộ phần nào đối với việc Triều Tiên sở hữu vũ khí hạt nhân, còn Trung Quốc phản đối mạnh mẽ điều này”, chuyên gia Su nói.

Theo ông Zhang Liangui, giáo sư về nghiên cứu chiến lược quốc tế tại Trường đảng Trung ương thuộc đảng Cộng sản Trung Quốc, sở dĩ Nga dễ dàng chấp thuận một đất nước Triều Tiên được trang bị vũ khí hạt nhân là vì biên giới giữa Triều Tiên và Nga không dài như biên giới giữa Triều Tiên và Trung Quốc.

Ngoài ra, ông Zhang cũng cho rằng vai trò của Nga trong vấn đề Triều Tiên còn liên quan tới vị thế của một cường quốc trong cuộc chơi với các “ông lớn” khác trên trường quốc tế. Hơn nữa, Triều Tiên hiện còn xem Nga như một phương án dự phòng quan trọng vì quan hệ giữa Bình Nhưỡng với Trung Quốc đang ngày càng căng thẳng hơn.

Theo chuyên gia Catherine Dill, mặc dù các lợi ích của Nga và Trung Quốc trong vấn đề Triều Tiên vẫn có sự không tương đồng, nhưng cả hai đều có chung mối quan ngại về các nguy cơ do vũ khí hạt nhân của Triều Tiên gây ra. Ngoài ra, hai nước cũng đều muốn tạo ảnh hưởng trong cộng đồng quốc tế. Do vậy, Moscow và Bắc Kinh có thể sẽ vẫn ủng hộ phần nào các biện pháp trừng phạt Bình Nhưỡng.

Thành Đạt

Theo SCMP