1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Tính toán cuối cùng của Tổng thống Syria al-Assad

(Dân trí) - Khi cuộc nội chiến tại Syria ngày càng lan rộng và có nhiều dấu hiệu vượt ngoài tầm kiểm soát, câu hỏi được dư luận quan tâm nhất hiện nay là liệu Tổng thống al-Assad sẽ ra đi để sống sót, hay ở lại chiến đấu đến hơi thở cuối cùng?

Tổng thống Bashar al-Assad đang chịu sức ép ngày càng lớn trong việc quyết định ra đi hay ở lại.
Tổng thống Bashar al-Assad đang chịu sức ép ngày càng lớn trong việc quyết định ra đi hay ở lại.
 

Thông thường, mỗi cuộc nổi dậy đều có những giai đoạn mang tính bước ngoặt, quyết định phe nào sẽ giành chiến thắng.

Với những gì đang diễn ra ở Syria hiện nay, người ta thấy có nhiều dấu hiệu chứng tỏ cuộc nội chiến tại Syria sắp đi tới thời điểm quyết định, khi mà chiến sự đã không ngừng leo thang cả về quy mô và mức độ, trong khi sức ép từ bên trong và bên ngoài ngày càng đè nặng lên chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad.

Trong, ngoài cùng gây sức ép

Trong những ngày qua, chính quyền của Tổng thống Assad liên tục đối mặt với sức ép từ cả trong và ngoài nước.

Đáng lưu ý nhất trong số này là việc đặc phái viên chung của Liên hợp quốc và Liên đoàn Ảrập (LHQ - AL) Kofi Annan quyết định từ bỏ sứ mệnh trung gian hòa giải về tình Syria vào cuối tháng này, khi phái bộ quốc tế sẽ chấm dứt sứ mệnh giám sát vào ngày 31/8 tới. Ông Annan đảm nhiệm cương vị này từ ngày 23/2 nhằm tìm giải pháp cho cuộc khủng hoảng tại Syria mà nay đã bước sang tháng thứ 17.

Tổng thống Bashar al-Assad đang chịu sức ép ngày càng lớn trong việc quyết định ra đi hay ở lại.
Đặc phái viên chung Kofi Annan thông báo từ bỏ vai trò trung gian hòa giải vào cuối tháng này với lý do không hóa giải được những bất đồng trong Hội đồng Bảo an LHQ. 

Trong thông báo đưa ra về quyết định từ chức của ông Annan, Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon “lấy làm tiếc" về quyết định của người tiền nhiệm, cho rằng đây là dấu hiệu báo trước nguy cơ “không thể vãn hồi” cho cuộc khủng hoảng chính trị tồi tệ tại Syria.

Ngay sau khi ông Annan thông báo quyết định ra đi, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã thông qua nghị quyết do Ảrập Xêút đề xuất, trong đó lên án chính quyền Damascus về tình trạng bạo lực leo thang tại nước này. Nghị quyết cũng kêu gọi thúc đẩy tiến trình chuyển tiếp chính trị tại Syria.

Mặc dù bản nghị quyết được đa số các nước ủng hộ song với 12 phiếu chống và 31 phiếu trắng, lại chủ yếu là phiếu của những nước có dân số đông và giữ quan điểm không can thiệp công việc nội bộ của nước khác,

Trong khi đó, ở trong nước, Thủ tướng Riyad Hijab đã bất ngờ bị cách chức hôm 6/8, chỉ hai tháng sau khi nắm giữ chức vụ này. Mặc dù chính phủ Syria không giải thích lý do cách chức, song theo một số nguồn tin, nhiều khả năng ông Hijab đã cùng gia đình đào tẩu sang nước khác, có thể là Qatar hoặc Jordani.

Tổng thống Bashar al-Assad đang chịu sức ép ngày càng lớn trong việc quyết định ra đi hay ở lại.
Thủ tướng Riyad Hijab theo dòng Hồi giáo Sunni chiếm đa số ở Syria. Sự ra đi của ông càng khoét sâu thêm sự bất mãn của phần đông dân chúng đối với chính thể nằm trong tay cộng đồng người Alawite chiếm thiểu số. 

Trong tuyên bố mới nhất sau khi có tin ông Hijab bị cách chức, người phát ngôn của ông này cho biết ông Hijab đã lên kế hoạch đào tẩu từ cách đây 2 tháng, khi ông được Tổng thống Assad bổ nhiệm làm người đứng đầu nội các với thông điệp “nhận lấy hay là chết”.

Nếu thông tin về việc ông Hijab đào tẩu là đúng, thì ông là nhân vật cấp cao nhất ly khai khỏi chính thể Syria. Đây được coi là cú đánh mạnh nhất vào chính quyền của Tổng thống Assad vốn đang rất bấp bênh sau hàng loạt vụ đào nhiệm của các đại sứ tại Anh, Iraq và đào ngũ của nhiều viên tướng.

“Chính thể Assad đang sụp đổ từ bên trong”, Thư ký báo chí của Nhà Trắng, Jay Carney, tuyên bố từ Washington.

Ngoại trưởng Pháp thì cho rằng đây là bằng chứng “một chính thể đang để mất ủng hộ vì lựa chọn bạo lực vũ trang”.

Trong khi đó, Đài truyền hình nhà nước Syria cho biết Phó Thủ tướng Omar Ghalawanji đã được bổ nhiệm lãnh đạo nội các, thay ông Hijab.

Những sức ép chính trị trên xảy ra trong bối cảnh quân đội Syria quyết định đẩy mạnh các chiến dịch tổng tấn công ở các thành phố trọng điểm, đặc biệt là Damascus và Aleppo.

Chiến sự tại Aleppo ngày càng leo thang ác liệt.
Chiến sự tại Aleppo ngày càng leo thang ác liệt. 

Các nguồn tin tại chỗ cho biết hiện quân đội đã kiểm soát hầu hết Damascus, dù đôi lúc vẫn xảy ra các vụ tấn công lẻ tẻ. Trong khi đó tại Aleppo, quân đội chính phủ cũng đang tiến hành “trận chiến quyết định” nhằm giành lại trung tâm thương mại chiến lược ở miền Bắc này, với sự yểm trợ của máy bay chiến đấu, xe tăng và nhiều vũ khí hạng nặng khác.

Theo các nguồn tin chưa được kiểm chứng độc lập, cả quân chính phủ và phe nổi dậy đều sử dụng vũ khí hạng nặng trong các cuộc giao chiến giằng co tại Aleppo, báo hiệu trận chiến tàn khốc sẽ còn tiếp tục kéo dài.

Khi nào chế độ Assad sụp đổ?

Trong bối cảnh chịu sức ép “ba bề, bốn bên” như vậy, nhiều người cho rằng việc chế độ Assad sụp đổ là điều không thể bàn cãi. Vấn đề chỉ còn là thời gian.

Vậy đâu là những dấu hiệu báo trước sự sụp đổ? Đó là khi ông Assad không còn khả năng đánh bại những người nổi dậy. Đó là khi ông không có khả năng phục hồi hòa bình cho đất nước. Và đó là khi ông Assad không còn khả năng trở lại cách thức cầm quyền như trước đây.

Nhìn lại kết cục của các cựu lãnh đạo bị lật đổ trong thời gian gần đây, dường như không ai có số phận tốt đẹp. Cựu Tổng thống Iraq Saddam Husein mắc kẹt cho đến khi bị lực lượng Mỹ bắt được ở một cái hố trong lòng đất và sau đó bị chính người dân của mình treo cổ. Nhà lãnh đạo Lybia Gadhafi đã trốn chạy cho đến khi bị kẹt trong một ống cống và bị những người bắt giữ sát hại dã man. Tổng thống Ai Cập Hosni Mubarak bị chính những viên tướng dưới thời của mình lật đổ và kết án. Tổng thống Tunisia Zine El Abidine Ben Ali phải chạy sang Ả-rập Xê-út cùng với gia đình…

Những bằng chứng trên cho thấy tất cả các nhà lãnh đạo này đều nghĩ rằng họ có thể sống sót trong các cuộc nổi dậy. Họ đã sử dụng quân đội và làm đủ mọi cách để bám giữ quyền lực, nhưng rốt cuộc vẫn phải ra đi khi làn sóng chỉ trích và chống đối trong nước tiếp tục dâng cao.

Trở lại với bài toán Syria, sau 17 tháng xung đột, tương quan lực lượng xem ra vẫn nghiêng về phía quân đội trung thành với chế độ. Tuy nhiên, việc lực lượng nổi dậy nhận được sự hậu thuẫn của phương Tây, được tiếp nhận một lượng lớn vũ khí hiện đại từ Qatar và Arập Xêút cho thấy “vận mệnh” của chính quyền Assad đang trở nên mong manh hơn bao giờ hết, nhất là khi trong khi chính phủ hiện nay ngày càng bộc lộ nhiều dấu hiệu sụp đổ từ bên trong.

Trong bối cảnh ấy, nhiều người cho rằng giải pháp tốt nhất cho ông Assad là nhanh chóng rời khỏi đất nước theo một thỏa thuận “đổi chính trị lấy tính mạng” như Tổng thống Yemen từng làm. Có thể đây không phải là giải pháp mà ông Assad mong muốn, cũng không phải là hướng giải quyết mà một số nước dễ dàng chấp nhận (dù với bất kỳ lý do gì), song nếu phải lựa chọn giữa sinh mệnh chính trị của một cá nhân với vận mệnh chính trị của một quốc gia thì câu trả lời dường như đã rõ.

Nhưng cũng không ai dám chắc Tổng thống Assad sẽ không lựa chọn giải pháp ở lại, dù biết rằng cơ hội sống sót là rất thấp. Khi ấy sẽ có 3 khả năng xảy ra. Thứ nhất là ông bảo vệ thành công sự nghiệp cách mạng của mình và đẩy lùi mọi thế lực nổi dậy cũng như sự can dự vô lối từ bên ngoài. Thứ hai là ông sẽ bị phiến quân bắt giữ, sát hại. Và thứ ba là bị những người trong chính quyền hiện nay tìm cách sát hại để cứu mạng sống của chính họ.

Đức Vũ