1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Trung Đông - Bắc Phi:

Tình hình chưa lắng dịu, các chính phủ tìm giải pháp cho xung đột

(Dân trí) - Chiến sự ở Libya trở nên ác liệt, 1.000 người Việt Nam đã đến trại tị nạn tại biên giới; Biểu tình ở Yemen, Bahrain tăng tốc; Chính phủ Ai Cập, Tunisia nỗ lực tìm biện pháp giải quyết xung đột... là những diễn biến mới nhất ở khu vực Trung Đông-Bắc Phi.

 
  
Tình hình chưa lắng dịu, các chính phủ tìm giải pháp cho xung đột - 1

Giao tranh ở Libya hôm qua trở nên ác liệt.

Libya: Giao tranh ác liệt, 1.000 người Việt Nam đã đến được trại tị nạn tại biên giới

Giao tranh ở Libya hôm qua trở nên ác liệt khi quân đội ủng hộ Nhà lãnh đạo Gadhafi cố chiếm lại một thành phố, trong khi biểu tình tái xuất ở thủ đô Tripoli. Quân đội ủng hộ ông Gadhafi đã tung ra cuộc tiến công vào thành phố Zawiya, cách Tripoli khoảng 50km về phía tây. 18 người đã thiệt mạng và 120 người khác bị thương.

Cùng lúc, biểu tình phản đối nổ ra ngay tại thủ đô Tripoli khiến lực lượng an ninh phải bắn hơi cay và nã súng giải tán các đám đông. Trưa hôm qua, có khoảng 1.500 người đã xuống đường ở đền Murad Agha, phía đông khu phố Tajoura của Tripoli.

Ở phía đông,  phe nổi dậy tiến về một cảng dầu trên bờ Địa Trung Hải. Người dân cho hay đã nghe nhiều tiếng nổ lớn khi hai bên giao tranh dọc theo Ras Lanouf và đến chiều hôm qua, chưa biết cảng này lọt vào tay ai.

Thụy Sĩ hôm qua đã tuyên bố thắt chặt các biện pháp chế tài đối với ông Gadhafi, cấm tất cả mọi vụ chuyển tiền cho ông, gia đình, và các trợ lý thân tín.

Trong khi đó, các tổ chức nhân đạo và cộng đồng quốc tế đang cố gắng tăng tốc việc cứu trợ cho nhiều ngàn người tị nạn đang dồn dập đổ về khu vực biên giới giữa Libya và Tunisia, trong đó có khoảng 1.000 người lao động Việt Nam.

Cao ủy Tị nạn LHQ (UNHCR) hôm qua tuyên bố sẽ tăng gấp đôi khả năng đón tiếp của trại tị nạn tại Tunisia nằm cạnh biên giới Libya. Trại này tiếp nhận được 10.000 người, nhưng sắp tới sẽ tăng lên 20.000. Tổ chức Di dân Quốc tế (IOM) thông báo hôm qua đưa 1.700 người từ Tunisia sang Ai Cập.

Hiện đã có 12 quốc gia, trong đó có Việt Nam, đã nhờ đến sự giúp đỡ của IOM để đưa các công dân của mình hồi hương. Kể từ ngày 20/2 đến nay, đã có trên 80.000 người tị nạn đến được biên giới Ras Jedir, và còn trên 20.000 người nữa đang chờ đợi bên phía Libya.

Đại sứ của nhiều nước châu Á tại LHQ như Thái Lan, Philippines, Ấn Độ hôm qua đã kêu gọi quốc tế giúp đỡ. Trên 100.000 người lao động châu Á làm việc tại Libya, trong đó có 50.000 người Bangladesh, 26.000 người Philippines, 25.000 người Thái Lan, 18.000 người Ấn Độ và nhiều ngàn người Trung Quốc, Nepal và Việt Nam.

Riêng về người lao động Việt Nam, ông Marc Petzoldt, trưởng đại diện của IOM tại Tunisia, cho biết đã có khoảng 1.000 người Việt Nam từ Libya đến được trại tị nạn tại biên giới.

Biểu tình ở Yemen tăng tốc, Tổng thống không từ chức

Tổng thống Yemeni, Ali Abdullah Saleh đã bác bỏ kế hoạch của phe đối lập yêu cầu ông phải từ chức trong năm nay, trong khi cuộc biểu tình phản đối chính phủ đã thu hút hàng trăm nghìn người tham gia.
 
Tình hình chưa lắng dịu, các chính phủ tìm giải pháp cho xung đột - 2

Biểu tình phản đối chính phủ đã thu hút hàng trăm nghìn người.

Hôm 3/3, các tổ chức đối lập ở Yemen đã trình Tổng thống Saleh kế hoạch cho một cuộc chuyển giao quyền lực êm thấm trong nỗ lực chấm dứt cuộc khủng hoảng chính trị nổ ra hồi tháng trước. Phát ngôn viên phe đối lập tại Quốc hội kêu gọi ông Saleh rời chức trước cuối năm nay.

Ông Saleh chưa phản hồi trước đề nghị này. Nhưng trước đó, ông đã tuyên sẽ không ra tái tranh cử khi nhiệm kỳ hiện tại kết thúc vào năm 2013.

Trong khi đó, các lãnh đạo phe nổi dậy Shia ở miền bắc Yemen cho hay xung đột giữa quân chính phủ và người biểu tình chống chính phủ làm 4 người thiệt mạng và ít nhất 7 người khác bị thương.

Hàng ngàn người biểu tình cũng đã tụ tập ở thủ đô Sanaa để kêu gọi lật đổ Tổng thống Ali Abdullah Saleh. Còn tại thành phố Aden ở miền nam, hàng chục ngàn người đã tham dự các đám tang của ba người biểu tình bị thiệt mạng hồi tuần trước.

Bahrain: Bạo động phe phái lần đầu tiên

Các cuộc biểu tình ở Bahrain giữa phe Hồi giáo Sunni thiểu số và phe Shiite đa số đã biến thành bạo động phe phái lần đầu tiên kể từ khi các cuộc tuần hành chống chính phủ bắt đầu diễn ra cách đây khoảng 2 tuần.
 
Tình hình chưa lắng dịu, các chính phủ tìm giải pháp cho xung đột - 3
Biểu tình ở Bahrain phần lớn là do vụ cạnh tranh quyền lực giữa phe Sunni thiểu số và phe Shia đa số.

Hôm qua, người dân ở thị trấn Hamad cho hay cảnh sát đã can thiệp để giải tán những thanh nhiên Sunni và Shiite, những người đã đụng độ với nhau. Giới truyền thông đưa tin một số người đã bị thương trong vụ bạo động. Hiện chưa rõ nguyên nhân dẫn đến vụ đụng độ.

Những người biểu tình chống chính phủ đã tụ tập trên khắp đảo quốc nhỏ thuộc vùng Vịnh này trong hai tuần qua để đòi chính phủ từ chức. Không giống những cuộc biểu tình ở các nơi khác trong thế giới Ả Rập, cuộc biểu tình ở Bahrain phần lớn là do vụ cạnh tranh quyền lực giữa phe Sunni thiểu số và phe Shiite đa số, là phe phàn nàn về tình trạng phân biệt đối xử và thiếu cơ hội dành cho họ.

Những người biểu tình nói rằng họ muốn chế độ quân chủ Sunni chuyển giao quyền lực cho một chính phủ do dân bầu có đại diện của phe Shiite đa số của quốc gia vùng Vịnh này.

Tân thủ tướng Ai Cập cam kết những thay đổi

Tân Thủ tướng mới được chỉ định của Ai Cập Essam Sharaf hôm qua đã phát biểu trước đám đông tại Quảng trường Tahrir ở Cairo rằng ông sẽ hành động để đáp ứng yêu sách của người dân về “những thay đổi dân chủ”.
 
Tình hình chưa lắng dịu, các chính phủ tìm giải pháp cho xung đột - 4

Ông Sharaf đã đọc một bài diễn văn ngắn tại quảng trường.


Ông Sharaf đã đọc một bài diễn văn ngắn tại quảng trường, nơi một đám đông lớn đã tụ tập vào ngày thứ Sáu hàng tuần để đòi cải cách chính trị và kinh tế. Ông nói rằng muốn thấy Ai Cập trở thành một nước nơi lực lượng an ninh hành động vì lợi ích của người dân. Ông kết thúc bài diễn văn bằng việc lặp lại khẩu hiệu của người biểu tình: “Hãy ngẩng cao đầu, quí vị là người Ai Cập.”

Các cuộc biểu tình kéo dài 18 ngày đã khiến Tổng thống Hosni Mubarak phải từ chức hồi tháng trước. Kể từ đó các nhà hoạt động đã tụ tập vào thứ Sáu hàng tuần để hối thúc thực hiện cải cách.

Trong khi đó, các giới chức quân đội Ai Cập loan báo một cuộc trưng cầu dân ý về việc tu chính hiến pháp nước này dự kiến sẽ diễn ra vào ngày 19/3.

Tunisia: Bầu cử quốc hội vào ngày 24/7

Tổng thống lâm thời của Tunisia, Fouad Mebazaa hôm qua thông báo chi tiết cuộc bầu cử quốc hội, như đã hứa, sau vụ lật đổ chính quyền Zine al-Abidine Ben Ali.

Ông Mebazaa cho hay bầu cử để chọn Hội đồng Lập pháp mới, với nhiệm vụ soạn lại hiến pháp, sẽ được tổ chức vào ngày 24/7. Chính phủ lâm thời sẽ tiếp tục điều hành Tunisia từ nay cho đến ngày bầu cử.
 
Tình hình chưa lắng dịu, các chính phủ tìm giải pháp cho xung đột - 5

Ông Mebazaa sẽ tiếp tục đảm nhận vai trò tổng thống.

Ông Mebazaa thông báo ông sẽ tiếp tục đảm nhận vai trò tổng thống, dù hiến pháp đương thời giới hạn lãnh tụ lâm thời giữ chức lâu nhất không quá 60 ngày. Trong bài phát biểu được truyền hình trực tiếp, ông hứa sẽ tiếp tục nắm quyền, "cho đến ngày bầu cử, với sự hậu thuẫn của mọi tầng lớp nhân dân".

Hội đồng Hiến pháp, một khi được chọn lựa xong, có thể sẽ giúp chỉ định thành viên chính phủ hoặc yêu cầu nội các đương thời tiếp tục công việc cho đến khi bầu cử quốc hội có kết quả. Kể từ làn sóng biểu tình quy mô lớn khởi đầu ngày 14 tháng 1, và sau đó là tổng thống Ben Ali bỏ trốn, chính phủ tại Tunisia đang tìm cách khôi phục sự ổn định.

Nguyễn Viết
Tổng hợp