1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Thượng nghị sỹ Mỹ kêu gọi Việt Nam và các nước tuần tra chung trên Biển Đông

(Dân trí) - Trong bài trả lời phỏng vấn mới được đăng trên tờ Asahi Shimbum của Nhật Bản, Thượng nghị sỹ John McCain ngày 24/11 đã kêu gọi các quốc gia thành viên ASEAN tham gia vào hoạt động tuần tra chung ở Biển Đông với Mỹ.


Thượng nghị sỹ John McCain (Ảnh: Ashahi Shimbum)

Thượng nghị sỹ John McCain (Ảnh: Ashahi Shimbum)

Ngoài ra, Thượng nghị sỹ John McCain, người hiện giữ chức Chủ tịch Ủy ban Quân lực Thượng viện Mỹ, cũng trao đổi về những chính sách của Mỹ trong khu vực, cũng như mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc trong thời gian tới.

Dưới đây là lược trích bài phỏng vấn đáng chú ý của ông McCain.

Hồi tháng Mười vừa qua, chính quyền của Tổng thống Barack Obama đã ra quyết định điều tàu tới tuần tra ở khu vực 12 hải lý xung quanh các hòn đảo nhân tạo do Trung Quốc xây trái phép ở Biển Đông. Là một trong những người ủng hộ mạnh mẽ nhất hoạt động tuần tra này. Liệu ông có cảm thấy hài lòng với cách xử lý vấn đề của chính quyền hiện nay?

Đầu tiên, phải nói rằng tôi không hài lòng vì đáng lẽ hoạt động tuần tra này phải diễn ra thường xuyên. Chúng tôi cần phải tuần tra đều đặn ở những khu vực trọng yếu như thế và có vẻ như quyết định điều tàu chiến vừa qua đã được đẩy lên thành một sự kiện mang tính thời điểm. Điều thứ hai là việc tôi không hài lòng khi đọc thấy tin Bộ trưởng Quốc phòng Ashton Carter đã từ chối xác nhận rằng giới hạn 12 hải lý ở đã bị vi phạm. Theo bài báo trên tờ New York Times lúc đó, lý do mà ông Carter từ chối xác nhận được cho là do Mỹ lo ngại tác động tới quá trình đàm phán giữa song phương với Trung Quốc về vấn đề biến đổi khí hậu... Những hòn đảo nhân tạo đó không được luật pháp quốc tế công nhận vì chúng không phải là lãnh thổ của bất cứ bên nào. Tôi rất thất vọng với cách xử lý vấn đề của chính quyền hiện nay.

Trong bài phát biểu ở hội nghị Đối thoại Shangri-La hồi tháng 5 vừa qua, Bộ trưởng Carter đã yêu cầu Trung Quốc “ngưng” hoạt động cải tạo đảo ở các khu vực tại Biển Đông nhưng Bắc Kinh đã không chấp nhận. Vậy có thể coi mức độ tín nhiệm trong lời nói của các giới lãnh đạo Mỹ đang có vấn đề không?. Ông đánh giá vấn đề này thế nào?

Tôi cho rằng những tuyên bố của Tổng thống và các thành viên trong chính phủ như Ngoại trưởng hay Bộ trưởng Quốc phòng gần như chỉ là những tuyên bố. Nếu bạn không quyết tâm tập trung thực hiện những tuyên bố, tốt nhất là không nên nói. Thực tế chính phủ Mỹ chưa quyết tâm hoặc không đủ khả năng thực hiện những chính sách hay tuyên bố mà họ đã nói.

Vậy theo ông, chính sách “xoay trục” sang châu Á từng được công bố có thực sự được chính phủ Mỹ thúc đẩy?

Chính phủ từng tuyên bố và cụ thể hơn là ông Obama đã khẳng định rằng sau khi lên nắm giữ vị trí Tổng thống, Mỹ sẽ rút quân khỏi các cuộc chiến. Mỹ áp dụng các chính sách như thể chúng tôi chỉ là một quốc gia trong cộng đồng hiện nay. Nói cách khác, Mỹ từ bỏ vị trí chủ đạo trên chính trường quốc tế.

Vậy tại sao chính phủ của Tổng thống Obama cuối cùng cũng quyết định điều tàu tới tuần tra bảo đảm tự do hàng hải ở Biển Đông? Liệu các phiên điều trần trước Quốc hội do ông đứng đầu đã gây ra sức ép?.

Luôn có những tranh cãi về việc Mỹ cần phải làm gì trong tình hình hiện nay. Tôi cho rằng những cố vấn về chính sách đối ngoại và an ninh quốc gia của chính quyền hiện nay cảm thấy không thể để Trung Quốc xây dựng khu vực 12 hải lý xung quanh các hòn đảo nhân tạo của họ. Tôi nghĩ cuối cùng quan điểm của họ đã bị lung lay trước những hoạt động của Trung Quốc tại vùng biển này.

Theo ông, Mỹ cần làm gì để thúc đẩy vấn đề hiện nay?

Mỹ cần thực hiện hoạt động tuần tra ở bất cứ vùng biển nào được luật pháp quốc tế cho phép. Điều này có nghĩa là khi họ quyết định tuần tra ở khu vực 12 hải lý xung quanh các hòn đảo nhân tạo của Trung Quốc, hãy thực hiện hoạt động đó thường xuyên.

Vậy Nhật Bản nên làm gì?

Tôi cảm thấy rất hài lòng khi dự luật an ninh mới được Quốc hội Nhật Bản thông qua. Điều này sẽ cho phép Nhật Bản đóng vai trò quan trọng hơn trong khu vực, cũng như mở ra khả năng tăng cường hợp tác mạnh mẽ hơn nữa giữa Mỹ và Nhật Bản trong nhiều lĩnh vực, trong đó có cả quân sự. Tôi không cho rằng dự luật này sẽ dẫn tới hình ảnh một Nhật Bản hung hăng trong các vấn đề và tôi tin rằng Thủ tướng Shinzo Abe sẽ chỉ sử dụng các phương án quân sự với các đối tác và đồng minh trong khu vực để bảo đảm các lợi ích hàng hải một cách hòa bình và hợp tác.

Ông có nghĩ Nhật Bản nên cử tàu chiến của Lực lượng phòng vệ bờ biển tới tuần tra ở khu vực 12 hải lý xung quanh các đảo nhân tạo của Trung Quốc tại Biển Đông hay không?

Tôi cho rằng quốc gia nào cũng có quyền hoạt động tại các vùng biển được luật pháp quốc tế cho phép.

Ông có nghĩ rằng sẽ tốt hơn khi các quốc gia khác, bao gồm cả Nhật Bản, tham gia cùng với Mỹ trong hoạt động tuần tra này?

Đó là một ý kiến hay. Tôi cho rằng cần có nhiều quốc gia tham gia vào, bao gồm cả Việt Nam, Philippines và Indonesia. Tất cả các bên có liên quan đến vấn đề chủ quyền ở Biển Đông, nơi có những tuyến hàng hải huyết mạch nhất của thế giới, có thể tham gia theo cách họ thấy phù hợp nhất.

Ông có nghĩ Trung Quốc sẽ lùi bước?

Tôi không nghĩ Trung Quốc sẽ giảm các hoạt động của họ. Khi đối mặt với một hành động nhất quán như thế, tôi cho rằng Trung Quốc sẽ tìm mọi cách để ngăn chặn.

Trong lĩnh vực không gian mạng, vấn đề lớn nhất mà Trung Quốc có thể gây ra với Mỹ là gì?

Họ đã đánh cắp được những bí mật công nghiệp trị giá hàng tỷ USD. Đó là một sự thật. Chúng tôi nhận thấy họ ngày càng hung hăng trong lĩnh vực không gian mạng và điều đáng quan ngại là có sự hiện diện của quân đội Trung Quốc trong vấn đề này. Chúng tôi đã lần ra được dấu vết các vụ tấn công được thực hiện từ một tòa nhà thuộc quyền sở hữu của quân đội Trung Quốc. Do vậy, Mỹ cần phát triển một chiến lược và thực thi chính sách để đáp trả lại các vụ tấn công mạng. Khó có thể gọi một vụ tấn công mạng là một hành động tuyên chiến vì nhiều lý do song chúng tôi cần phải có một chính sách rõ ràng.

Vậy làm thế nào để Mỹ thực hiện tốt chiến lược xoay trục?

Chiến lược với Trung Quốc đầu tiên cần phải nhấn vào việc chúng tôi không có ý định gây hấn với họ. Chúng tôi muốn một mối quan hệ hữu nghị và hợp tác. Tuy nhiên, vào thời điểm này, tôi nhớ tới câu nói của cựu Tổng thống Ronald Reagan rằng “hòa bình bằng sức mạnh”. Theo đó, chúng tôi cần phải xoay trục thực sự sang châu Á. Chiến lược đó không thể thành công chỉ với một hoặc hai chiếc tàu chiến. Chúng tôi cần tăng cường quan hệ với các quốc gia trong khu vực và chúng tôi sẽ tính tới phương án lặp lại thỏa thuận mà chúng tôi có với Australia về việc đồn trú lính Mỹ cũng như tăng cường các buổi huấn luyện, cũng như các cuộc tập trận chung với nhiều nội dung cùng các đồng minh.

Chúng tôi sẽ phải hỗ trợ để các quốc gia như Việt Nam, Philippines và Indonesia có được những năng lực, chủ yếu trong lĩnh vực hải quân, mà họ cần. Chúng tôi cần phải hợp tác với ASEAN để bảo đảm rõ ràng rằng các quốc gia trong khối sẽ hợp tác và thể hiện sự đoàn kết, cũng như có các hành động mang tính xây dựng cho thấy họ đủ khả năng và quyết tâm để cho Trung Quốc thấy các quốc gia thành viên khối ASEAN đoàn kết trong việc khẳng định các vùng biển quốc tế vẫn sẽ là vùng biển quốc tế.

Tương lai mối quan hệ Mỹ - Trung sẽ ra sao?

Tôi nghĩ mối quan hệ này có thể và nên tốt đẹp. Hai nước là những cường quốc lớn nhất về kinh tế, nhưng cách tốt nhất duy trì mối quan hệ này là để cho Trung Quốc thấy có những chuẩn mực quốc tế về hành xử mà chúng ta hy vọng có đáp lại, ví dụ như trong lĩnh vực không gian gian mạng hay vấn đề chủ quyền ở Biển Đông. Chúng tôi sẽ hợp tác với các đối tác và đồng minh trong khu vực để họ hiểu rằng vi phạm những ranh giới này sẽ phải trả giá. Điều tôi nói không phải là để khơi mào một cuộc chiến nhưng có những cách khác như những lệnh trừng phạt chẳng hạn.

Ngọc Anh

Theo Asahi Shimbum