1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Thủ tướng Hy Lạp từ chức

(Dân trí) – Ngày 11/4, Thủ tướng Hy Lạp Lucas Papademos đã chính thức đệ đơn từ chức lên Tổng thống Carolos Papoulias, mở đường cho cuộc tổng tuyển cử sớm vào ngày 6/5 tới.


Thủ tướng Hy Lạp từ chức
Thủ tướng Hy Lạp Lucas Papademos (trái) gặp Tổng thống Carolos Papoulias tại thủ đô Athens ngày 11/4/2012.

Ông Papademos đệ đơn từ chức sau khi hoàn thành sứ mệnh cứu trợ kéo dài năm tháng giúp kinh tế Hy Lạp tránh khỏi nguy cơ phá sản.

“Chính phủ liên minh đã hoàn thành mục tiêu giúp đất nước tránh nguy cơ vỡ nợ. Tuy nhiên, hiện Hy Lạp cần phải có một chính phủ mới nhận được sự ủng hộ rộng rãi hơn để đẩy mạnh các cuộc cải cách đưa nền kinh tế quay trở lại quỹ đạo tăng trưởng và đảm bảo vị thế trong Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone)”, Thủ tướng Papademos phát biểu tại phiên họp nội các diễn ra cùng ngày.  

Theo kế hoạch ban đầu, Hy Lạp sẽ tiến hành tổng tuyển cử vào năm 2013.

Tuy nhiên, mới đây, Tổng thống Papoulias đã ký sắc lệnh giải tán Quốc hội và ấn định ngày 6/5 tổ chức tổng tuyển cử. Dự kiến, cơ quan lập pháp khóa mới của Hy Lạp sẽ được triệu tập sau đó 11 ngày, tức ngày 17/5 tới.

Hiến pháp Hy Lạp quy định tổng tuyển cử phải được tiến hành trong vòng 30 ngày kể từ khi tổng thống ký sắc lệnh giải tán quốc hội hiện hành.

Ông Papademos năm nay 64 tuổi, là cựu Phó Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và được bổ nhiệm làm Thủ tướng tạm quyền của Hy Lạp tháng 11 năm ngoái. Ông đứng đầu liên minh gồm đảng Dân chủ mới theo đường lối bảo thủ và đảng Xã hội PASOK với nhiệm vụ thực thi thỏa thuận cứu trợ trị giá 130 tỷ euro (tương đương 171 tỷ USD) do Liên minh châu Âu (EU) và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dành cho Hy Lạp.

Ông đệ đơn từ chức trong bối cảnh uy tín của các chính đảng chủ chốt đang sụt giảm mạnh với tỷ lệ ủng hộ cho hai đảng Dân chủ mớiđảng Xã hội PASOK lần lượt là 19% và 14,5%, theo kết quả thăm dò mới nhất của  công ty Public Issue.

Cũng theo cuộc thăm dò, chính phủ mới ở Hy Lạp có thể sẽ có sự góp mặt của nhiều lực lượng chính trị đối lập như khối cực tả SIRIZA (13% ý kiến ủng hộ), lực lượng cánh tả Dân chủ (12%), đảng Cộng sản Hy Lạp "Những người Hy Lạp độc lập" (cùng được 11%).

Uy tín của các đảng chủ chốt giảm mạnh là do chính phủ Hy Lạp đã phải áp dụng hàng loạt biện pháp "thắt lưng buộc bụng" không được lòng dân trong suốt 2 năm qua nhằm tránh một thảm họa kinh tế có thể đẩy nước này vào nguy cơ phá sản hoặc phải ra khỏi Eurozone.

Vũ Anh
Theo Reuters, AP