1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ chỉ trích Trung Quốc bồi đắp đảo trái phép trên Biển Đông

(Dân trí) - Trước sinh viên Hà Nội sáng nay (21/4), Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Antony Blinken nhấn mạnh, Mỹ mong muốn Trung Quốc trỗi dậy hòa bình, chứ không phải theo cách hiếu chiến; đồng thời cũng khẳng định Mỹ sẽ tiếp tục bảo vệ lợi ích của mình ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Sáng nay, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Antony Blinken đã có bài diễn thuyết trước sinh viên trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân Văn, Hà Nội, về tương lai quan hệ Việt-Mỹ cũng như chính sách xoay trục của Mỹ ở châu Á-Thái Bình Dương (CA-TBD).

Mở đầu bài phát biểu, ông Blinken cho biết, đây lần thứ 2 ông tới Việt Nam và là lần thứ 6 ông tới khu vực trong vòng một năm qua. "Tôi rất vui được gặp gỡ rất nhiều bạn trẻ trong khán phòng này của Việt Nam, một đất nước rất năng động", ông nói.

Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Antony Blinken phát biểu tại Trường Đại học Khoa học Xã Hội & Nhân Văn, Hà Nội sáng 21/4
Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Antony Blinken phát biểu tại Trường Đại học Khoa học Xã Hội & Nhân Văn, Hà Nội sáng 21/4

Sau khi nói đến tầm quan trọng của đổi mới sáng tạo đối với thế hệ trẻ trong phát triển đất nước, ông Blinken nhắc lại chuyến thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tới Mỹ hồi năm ngoái nhân dịp hai nước kỷ niệm 20 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao. Ông cũng cho hay, Tổng thống Mỹ Barack Obama sẽ dẫn đầu một đoàn quan chức cấp cao cùng đại diện nhiều doanh nghiệp Mỹ sẽ tới thăm Việt Nam vào tháng 5 năm nay.

Trong bài phát biểu, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ đề cập đến vấn đề Biển Đông. "Trung Quốc đang có những hành động đơn phương xây dựng và bồi đắp đảo trái phép trên Biển Đông, tuyến hàng hải quan trọng hàng đầu thế giới, đã đặt ra nhiều câu hỏi về ý đồ của nước này. Luật pháp quốc tế luôn thúc đẩy quyền tự do hàng hải trên thế giới, dù bất kể sức mạnh của họ đến đâu, chúng tôi muốn Trung Quốc trỗi dậy một cách hòa bình, tuân thủ trật tự quốc tế và dựa trên quy tắc của luật pháp quốc tế", ông nhấn mạnh.

Tại Hội nghị thượng đỉnh hạt nhân diễn ra tại Mỹ gần đây, Tổng thống Obama đã kêu gọi các nước tôn trọng tự do hàng hải, hàng không. "Chúng tôi rất quan tâm đến cách thức mà các bên tranh chấp trên Biển Đông thực hiện yêu sách của họ", ông Blinken cho hay.

Ông Blinken cho rằng, tòa trọng tài thường trực sẽ sớm đưa ra phán quyết về vụ kiện Philippines với Trung Quốc và tái khẳng định lập trường của Mỹ là mong muốn các tranh chấp phải được giải quyết trên cơ sở ngoại giao, biện pháp hòa bình chứ không phải các hành động đơn phương làm căng thẳng tình hình.

Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ cũng khẳng định Mỹ sẽ bảo vê lợi ích của mình ở CA-TBD cũng như sẽ tiếp tục thực hiện quyền tự do hàng hải và hàng không của mình ở bất kỳ khu vực nào trên thế giới mà luật pháp quốc tế cho phép. Mỹ đồng thời cũng hỗ trợ các đồng minh, đối tác của mình trong khu vực thực hiện quyền tự do hàng hải của họ theo luật pháp quốc tế.

"Tầm nhìn của chúng tôi với khu vực rất rõ ràng, rằng những tranh chấp phải được giải quyết công khai minh bạch, dựa trên luật pháp quốc tế", ông nêu rõ.

Sau phần trình bày, Thứ trưởng Blinken nhận được nhiều câu hỏi của các bạn sinh viên về chiến lược tái cân bằng của Mỹ ở CA-TBD.

Một sinh viên đặt câu hỏi cho Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ
Một sinh viên đặt câu hỏi cho Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ

Tương lai của chiến lược tái cân bằng CA-TBD thế nào khi Mỹ có chính quyền mới vào năm 2017?

Chúng tôi không chỉ tiếp tục can dự mà còn đẩy mạnh chiến lược này trong thời gian tới thông qua việc tăng cường nguồn lực của mình ở khu vực. Đây là một trong những ưu tiên hàng đầu của Tổng thống Obama và Ngoại trưởng John Kerry. Chúng tôi coi Mỹ nằm ở CA-TBD và một phần tương lai của chúng tôi phụ thuộc vào sự phát triển của khu vực. Mỹ sẽ tăng cường quan hệ với các đối tác truyền thống cũng như đồng minh của mình ở khu vực như Nhật Bản, Phillipines và các đối tác mới nổi như Việt Nam.

Tôi muốn khẳng định rằng, dù ai là người đắc cử trong cuộc bầu cử tới đây, nhưng chúng ta sẽ thấy sự nhất quán của Mỹ đối với khu vực châu Á-TBD vì như ở trên tôi đã nói Mỹ có lợi ích ở đây và Mỹ sẽ tiếp tục bảo vệ lợi ích đó.

Ngày mai tôi sẽ đến Indonesia để gặp các đại sứ của ASEAN để trao đổi một số thách thức chung đặt ra đối với khu vực.

Có một câu nói nổi tiếng rằng, không có tình bạn hay kẻ thù vĩnh viễn mà chỉ là lợi ích quốc gia là vĩnh viễn. Vậy liệu Việt Nam và Mỹ làm thế nào để có thể xây dựng quan hệ đối tác chặt chẽ và bền vững trong tương lai?

Tôi tin rằng, mối quan hệ đối tác giữa Việt Nam và Mỹ sẽ không chỉ đem lại lợi ích trước mắt mà còn là niềm tin về giá trị chung trong lâu dài. Không ai có thể đoán hay nói trước được tương lai ra sao, nhưng tôi có thể nói rằng chúng ta đã có nền tảng để thúc đẩy giá trị chung, nguyên tắc chung, những lợi ích mà chúng ta chia sẻ. Tôi cho rằng, mối quan hệ này sẽ bền vững trong tương lai, đáp ứng lợi ích của hai nước.

Hai nước có mối giao lưu nhân dân khá chặt chẽ. Sự kết nối giữa doanh nghiệp hai nước cũng góp phần thúc đẩy quan hệ Việt-Mỹ.

Đúng là chúng ta có những khác biệt về quan điểm, triết lý, lịch sử, văn hóa, tôn giáo nhưng chúng tôi tôn trọng sự khác biệt đó và chúng ta hoàn toàn có thể phối hợp dựa trên nhiều điểm tương đồng.

Trong tháng 5 năm nay, Tổng thống Obama sẽ đến Việt Nam và qua chuyến thăm này một lần nữa Mỹ muốn chứng minh rằng, những cựu thù có thể trở thành những đối tác. Trong 20 năm tới, tôi hy vọng Việt-Mỹ sẽ có mối quan hệ đối tác chặt chẽ. Ngày càng có nhiều sinh viên Việt Nam đến học tập tại Mỹ và các thành phố hai nước sẽ tăng cường hợp tác giao lưu.

Trong lịch sử, chưa thấy quốc gia nào từng là hai cựu thù mà lại có thể hợp tác tốt đẹp như Việt Nam và Mỹ.

Liệu chính sách tái cân bằng châu Á-TBD của ông Obama có phải là để kiềm chế Trung Quốc hay không?

Chúng tôi không có chính sách kiềm chế, khống chế Trung Quốc. Chúng tôi mong muốnTrung Quốc trỗi dậy một cách hòa bình với tư cách là một quốc gia hùng mạnh và là một đối tác trên trường quốc tế, một quốc gia thực hiện nghĩa vụ và trách nhiệm của mình, chứ không phải là theo cách hiếu chiến.

Mỹ và Trung Quốc đã và đang hợp tác trong nhiều lĩnh vực như chống biến đổi khí hậu, không phổ biến vũ khí hạt nhân... tuy thực tế hai bên còn nhiều điểm khác biệt.

Nếu Trung Quốc tuân thủ chuẩn mực, luật pháp quốc tế sẽ được các quốc gia ủng hộ còn ngược lại, Trung Quốc sẽ vấp phải sự phản đối của cộng đồng quốc tế. Điều này sẽ rất bất lợi cho họ.

Nam Hằng