1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Vụ lính Israel đột kích lên tàu cứu trợ Gaza:

Thổ Nhĩ Kỳ rút đại sứ, LHQ họp khẩn, thế giới phản ứng dữ dội

(Dân trí) - Thổ Nhĩ Kỳ đã rút đại sứ ở Israel về nước, LHQ chuẩn bị phiên họp khẩn, trong khi châu Âu, thế giới Ả rập hôm nay đều kịch liệt lên án vụ lính đặc công Israel “đổ bộ” lên 6 tàu cứu trợ Gaza, làm 10 người thiệt mạng.

 
Thổ Nhĩ Kỳ rút đại sứ, LHQ họp khẩn, thế giới phản ứng dữ dội - 1
Người Palestine ở một hải cảng tại Gaza mang quan tài giả biểu tình phản đối vụ đột kích của Israel.

Các chính phủ khắp thế giới đều yêu cầu một lời giải thích từ phía Israel, trong khi nước này cho rằng binh lính của họ chỉ tự phòng thủ trước những nhà hoạt động mang vũ khí. Còn Nhà Trắng cho biết đang cố tìm hiểu thêm về “thảm họa này”.

 

“Chắc chắn chúng tôi sẽ không im lặng trong cuộc đối đầu với nhà nước khủng bố vô nhân đạo này”, Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan cho hay. Hầu hết những người chết có vẻ như là người Thổ Nhĩ Kỳ, một thời từng là đồng minh thân cận của Israel.

 

Tại Istanbul, một nhóm đông đang cố gắng xông vào lãnh sự quán Israel. Trong khi đó phía bắc Jerusalem, người Palestine ném chai lọ, gạch đá vào binh sỹ Israel. Tại Jordan, hàng trăm người kêu gọi chính phủ sát cánh bên Thổ Nhĩ Kỳ và cắt đứt mối quan hệ với Israel. Trong khi đó, hàng chục người Ai Cập đã biểu tình bên ngoài bộ ngoại giao tại Cairo để chỉ trích chính phủ nước này.

 

Phía Israel cho rằng các nhà hoạt động đã tấn công lính đặc công khi họ lên 6 chiếc tàu mang theo nhiều tấn đồ dùng tới Gaza, trong khi các nhà tổ chức đoàn 6 tàu trên khẳng định lực lượng Israel nổ súng trước.

 

Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon đã lên án vụ việc và cho biết ông lấy làm kinh hoàng trước vụ bạo động nhắm vào đoàn tàu cứu trợ cho người Palestin. Ông yêu cầu Israel tiến hành cuộc điều tra đầy đủ về vụ việc.

 

Chủ tịch ủy ban đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU), Catherine Ashton,  cho biết EU đặc biệt lo ngại về vụ việc và đòi Israel tiến hành điều tra về vụ việc, yêu cầu mở ngay và vô điều kiện các cửa khẩu vào Dải Gaza. Dải Gaza đã bị Israel phong tỏa từ năm 2007, khi lực lượng Hamas giành được quyền kiểm soát khu vực này. Các đại sứ EU hôm nay đã họp tại Brussels để thảo luận về hành động của Israel.

 

Hi Lạp, Ai Cập, Thụy Điển, Tây Ban Nha và Đan Mạch đều triệu đại sứ Israel lên để yêu cầu giải thích về vụ việc. Tây Ban Nha và Pháp lên án vụ việc là sử dụng lực lượng không cân xứng. Hi Lạp ngừng ngay một cuộc tập trận quân sự với Israel và hoãn chuyến công du của người đứng đầu lực lượng không quân Israel.

 

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã hủy bỏ kế hoạch hội đàm với Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama sau khi lực lượng Israel tiến hành vụ đột kích của hải quân vào đoàn tàu chở phẩm vật cứu trợ nhân đạo tới Gaza, làm thiệt mạng ít nhất 10 người.

Ông Netayahu hiện đang ở Canada, dự trù sẽ đến Washington vào ngày mai để mở các cuộc hội đàm với ông Obama. Nhưng văn phòng của ông cho biết ông đã cắt ngăn chuyến thăm Canada và sẽ trở về Israel sớm.
Đức kêu gọi một cuộc điều tra ngay lập tức, nhưng vẫn còn cẩn trọng chưa trực tiếp đổ lỗi cho bên nào và cho biết đang tìm kiếm thông tin về 6 công dân Đức được tin là cũng ở trên các tàu cứu trợ.

 

Tại Tehran, hàng chục sinh viên giận dữ đốt cờ Israel. Tổng thống Iran gọi vụ đột kích là “hành động phi nhân tính”.

 

Tại Baghdad, ước tính khoảng 3.000 người Shiitte cũng biểu tình phản đối Israel, Mỹ.

 

Cảnh sát chống bạo động đã phải đẩy lùi hàng chục người biểu tình tụ tập bên ngoài sứ quán Israel ở Paris, Pháp. Những người phản đối hành động Israel còn biểu tình ở Rome, Síp và hơn 30 thành phố ở Hi Lạp, trong đó có Athens và Thessaloniki, nơi có khoảng 2.000 người xuống đường tuần hành.

 

Abdel-Rahman al-Attiya, người đứng đầu Hội đồng hợp tác Vịnh Persia, một nhóm của khu vực Trung Đông, cho hay “Israel là một thực thể nổi loạn, vi phạm luật quốc tế” và cho biết vụ tấn công phải được nhìn nhận như là “một tội ác chiến tranh”.

 

Tại Ả rập Xê-út, nước đã đưa ra một đề xuất hòa bình khung giữa Ả rập – Israel được gọi là thỏa thuận đổi đất lấy hòa bình, nội các do Quốc vương Abdullah đứng đầu đã kêu gọi cộng đồng quốc tế phải làm cho Israel chịu trách nhiệm trước những chính sách “man rợ” của mình.

 

Nhưng phản ứng dữ dội nhất đến từ Thổ Nhĩ Kỳ. Phó thủ tướng Bulent Arinc cho hay Thổ Nhĩ Kỳ sẽ hủy 3 cuộc tập trận chung và đang kêu gọi Hội đồng bảo an LHQ họp khẩn về Israel. Thổ Nhĩ Kỳ hiện là một thành viên của Hội đồng bảo an .

 

Phó thủ tướng Arinc cũng cho biết đội bóng đá trẻ Thổ Nhĩ Kỳ hiện đang ở Israel cũng sẽ được lệnh về nước.

 

Vụ đột kích cũng thu hút thêm được sự chú ý của cộng đồng quốc tế đối với việc phong tỏa Gaza của Israel. Lệnh phong tỏa đã được áp dụng sau khi lực lượng Hamas của người Palestine giành được quyền kiểm soát lãnh thổ nhỏ bên Địa Trung Hải này vào năm 2007. Lệnh phong tỏa, cùng với cuộc tấn công tàn khốc của Israel vào Gaza mùa đông năm 2008-2009 để ngăn Hamas bắn rocket vào các làng Israel, đã đổ thêm dầu vào “lửa phản đối” Israel khắp thế giới Ả rập.

 

Liên đoàn Ả rập có trụ sở ở Cairo đã kêu gọi một cuộc họp khẩn vào ngày mai, để có câu trả lời với vụ tấn công, trong khi 2 nhà nước Ả rập duy nhất có các thỏa thuận hòa bình với Israel là Jordan và Ai Cập đều kịch liệt lên án vụ việc.

 

Vụ việc cũng đặt Ai Cập ở trong tình thế khó khăn. Là nước Ả rập duy nhất giáp với Dải Gaza, nước này đã giúp Israel thực thi lệnh phong tỏa bằng cách ngăn chặn các đường hầm buôn lậu – nhưng lại là nguồn cung hàng hóa chính cho 1,5 triệu người Gaza và bằng cách từ chối mở cửa khẩu của nước này với Gaza.

 

Một tổ chức do Nelson Mandela thành lập cùng nhà đoạt giải Nobel Hòa bình Desmond Tutu, cựu Tổng thống Mỹ Jimmy Carter, cho rằng “việc đối xử với người dân Gaza hiện nay là một trong những vi phạm nhân quyền lớn nhất của thế giới và lệnh phong tỏa vừa vi phạm pháp luật lại vừa hoàn toàn phản tác dụng”.

 

Tại Beirut, khoảng 500 nhà hoạt động Palestine và Li-băng đã biểu tình trước trụ sở LHQ, đốt cờ Israel. Tại nước láng giềng Syria, hơn 200 người Syria, Palestine đã có cuộc biểu tình ngồi trước văn phòng của LHQ.

 

Phan Anh

Theo AP