1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Thành quả ấn tượng của Cuba trong tham vọng trở thành "cường quốc" vắc xin

Thành Đạt

(Dân trí) - Những vắc xin ngừa Covid-19 nội địa với hiệu quả cao đã chứng minh năng lực y tế của Cuba trong bối cảnh chịu nhiều thiếu thốn do các lệnh cấm vận.

Thành quả ấn tượng của Cuba trong tham vọng trở thành cường quốc vắc xin - 1

Cuba thu được những kết quả ấn tượng khi triển khai tiêm chủng bằng vắc xin nội địa (Ảnh: Reuters).

Vắc xin hiệu quả 

Cho đến nay, Cuba là nước đầu tiên và duy nhất ở khu vực Mỹ Latinh và Caribe tự nghiên cứu thành công và phê duyệt sử dụng khẩn cấp 3 loại vắc xin ngừa Covid-19 đạt hiệu quả với độ an toàn cao gồm Abdala, Soberana 2 và Soberana Plus. Ngoài ra, 2 ứng viên vắc xin gồm Soberana 1 và Mambisa đang tiếp tục được thử nghiệm lâm sàng và triển vọng đạt hiệu quả cao.

Ngày 21/6, Cuba tuyên bố vắc xin Covid-19 Abdala của nước này đã đạt hiệu quả 92,28% trong các cuộc thử nghiệm lâm sàng giai đoạn cuối. Vắc xin Abdala do Trung tâm Kỹ thuật Di truyền và Công nghệ Sinh học (CIGB) tại Cuba phát triển, có liệu trình tiêm 3 mũi cách nhau 2 tuần, nhiều hơn hầu hết các loại vắc xin Covid-19 hiện nay trên thế giới.

Cuộc thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 của vắc xin Abdala có sự tham gia của hơn 48.000 tình nguyện viên. Với hiệu quả hơn 92% như công bố, vắc xin Abdala nằm trong nhóm các vắc xin Covid-19 có hiệu quả cao nhất thế giới (trên 90%), ngang hàng với Pfizer/BioNTech, Moderna, Sputnik V. Ngày 9/7, Cuba cấp phép sử dụng khẩn cấp vắc xin Abdala.

Bác sĩ Jose Moya, người từng làm việc cho Tổ chức Bác sĩ Không biên giới ở nhiều nước, cho biết: "Viện Nghiên cứu CIGB có 30 năm kinh nghiệm nghiên cứu vắc xin. Tôi tin tưởng vào kết quả đã được công bố. Đây là những nghiên cứu nghiêm túc, với sự tham gia của các nhà nghiên cứu và các tổ chức khoa học".

Ông Moya không ngạc nhiên về hiệu quả cao của vắc xin Abdala và cho rằng đây chỉ đơn giản là kết quả hợp lý của một hệ thống y tế đã hoạt động tốt ổn định trong nhiều thập niên. "Các kết quả được các nhà khoa học công bố cho thấy phản ứng tốt về mặt sản sinh kháng thể", ông Moya nhận định.

Cuba ngày 15/9 cho biết nước này sẽ đề xuất Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) phê duyệt các vắc xin Covid-19 nội địa, trong đó có vắc xin Abdala. Rolando Perez Rodriguez, quan chức thuộc Tập đoàn dược phẩm sinh học Cuba (BioCubaFarma), cho biết khả năng bán vắc xin của Cuba cho các nước khác không phụ thuộc vào sự phê duyệt của WHO, vì đây là quyết định của cơ quan y tế các quốc gia.

Các vắc xin của Cuba được bào chế dựa trên công nghệ protein tái tổ hợp, vốn không yêu cầu vắc xin phải được bảo quản ở nhiệt độ quá thấp như một số loại vắc xin khác, giúp tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình vận chuyển và hậu cần.

Nỗ lực trở thành "cường quốc" vắc xin

Thành quả ấn tượng của Cuba trong tham vọng trở thành cường quốc vắc xin - 2

Các bác sĩ Cuba mang ảnh cố lãnh tụ Fidel Castro trong lễ chia tay trước khi lên đường tới Italia hỗ trợ chống dịch Covid-19 hồi năm ngoái (Ảnh: Reuters).

Cuba được ghi nhận là quốc gia đầu tiên trên thế giới tiến hành tiêm chủng ngừa Covid-19 cho trẻ em trong nhóm từ 2-18 tuổi. Nhờ tự chủ vắc xin, Cuba đặt ra mục tiêu sẽ hoàn thành tiêm chủng cho hơn 90% dân số vào tháng 11.

Khoảng 45.000 nhân viên hoạt động trong ngành du lịch trên quốc đảo 11,2 triệu dân đã được tiêm chủng đủ liệu trình 3 liều vắc xin mà Cuba phát triển. Cuba hiện đã tiêm chủng đầy đủ cho khoảng 38,5% dân số.

Tập đoàn dược sinh học nhà nước Cuba BioCubaFarma hồi tháng 8 cho biết, trong 2,5 triệu người đã tiêm vắc xin Abdala và Soberana 2 do nước này tự sản xuất, có 21.000 người (tương đương 0,8%) bị mắc Covid-19 nhưng chỉ có 99 người tử vong, tương đương 0,003%. Theo người đứng đầu BioCubaFarma Eduardo Martinez, đây là dấu hiệu rất đáng khích lệ, cho thấy các vắc xin Cuba đang hoạt động hiệu quả - kể cả trước biến chủng Delta - trong việc giúp người được tiêm không mắc bệnh nặng.

Từ những năm 1980, cố lãnh tụ Cuba Fidel Castro từng đặt ra mục tiêu biến quốc đảo Caribe thành một "ông lớn" về công nghệ sinh học, với xuất phát điểm là 6 nhà nghiên cứu trong một phòng thí nghiệm nhỏ bé ở thủ đô Havana.

Khoảng 40 năm sau, quốc đảo 11 triệu dân đã đạt được thành công mang tính đột phá khi trở thành "quốc gia nhỏ bé nhất thế giới không chỉ phát triển một mà là nhiều loại vắc xin Covid-19", theo Washington Post. Thành công của Cuba trong nỗ lực phát triển vắc xin được xem là "kỳ tích", chứng tỏ năng lực y tế của nước này trong bối cảnh vẫn chịu nhiều thiếu thốn do các lệnh cấm vận.

Cuba sở hữu một hệ thống y tế phát triển so với mặt bằng chung trên toàn cầu và là một trong những nước có tỉ lệ bác sĩ trên đầu người cao nhất thế giới. Khi đại dịch bùng phát năm ngoái, Cuba đã điều động đội nhân viên y tế hùng hậu tới khắp các châu lục để giúp đỡ các quốc gia - một phần trong chiến dịch "ngoại giao y tế" của quốc đảo này nhằm xây dựng cầu nối hữu nghị giữa Cuba với thế giới.

Cuba, nổi tiếng với ngành công nghệ sinh học và y tế hàng đầu thế giới, quyết định không nhập khẩu vắc xin nước ngoài, nhưng đã đặt ra mục tiêu trở thành một trong những nước đầu tiên ở khu vực hoàn thành tiêm chủng toàn dân vào cuối năm nay.

Một số quốc gia, trong đó có Argentina và Mexico, đã bày tỏ sự quan tâm tới việc mua vắc xin Covid-19 của Cuba. Venezuela đã ký một hợp đồng mua vắc xin, trong khi Iran đang sản xuất vắc xin Cuba ngay tại nước này.

Vắc xin của Cuba trở thành lựa chọn khả thi cho các nước nhiệt đới và có thu nhập thấp. "Chúng tôi có niềm tin to lớn vào ngành y học và công nghệ sinh học của Cuba. Vắc xin Cuba thực sự là giải pháp cho người dân chúng tôi", Ngoại trưởng Venezuela Jorge Arreaza nói.

Cuba khẳng định mục tiêu chủ chốt của nước này là giúp toàn bộ người dân Cuba miễn dịch và kiểm soát được tốc độ lây lan của mầm bệnh. Ngoài ra, Cuba cũng mong muốn cung cấp vắc xin miễn phí hoặc giá rẻ cho các nước nghèo.

Ngày 17/9, Bộ Y tế Việt Nam đã phê duyệt có điều kiện vắc xin Abdala của Cuba cho nhu cầu cấp bách trong phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Ngày 20/9, Chính phủ Việt Nam đã ban hành Nghị quyết 109 về việc mua vắc xin phòng Covid-19 Abdala.

Cho đến nay, Việt Nam đã phê duyệt có điều kiện với 8 loại vắc xin gồm: AstraZeneca, Pfizer, Janssen, Sputnik V, Moderna, Sinopharm, Hayat-Vax và Abdala.