1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Thái Lan: Căng thẳng chống tội phạm kinh doanh vàng giả

Hiệp hội những nhà kinh doanh vàng (GTA) của Thái Lan ước tính thiệt hại do vàng giả gây ra cho đất nước này trị giá khoảng 2 tỉ baht mỗi năm.

Nữ trang giả đang là vấn đề đau đầu cho các nhà kinh doanh vàng trong những năm gần đây ở Thái Lan và GTA báo cáo đã nhận được rất nhiều đơn kiện từ giới này.

Ongart Sittinawawit là chủ hiệu vàng Thaweechai Gold Shop đồng thời cũng là thành viên năng động của một mạng xã hội do các nhà kinh doanh vàng Thái Lan thành lập nhằm chống lại loại tội phạm liên quan đến vàng giả.

Vàng là lĩnh vực kinh doanh phát đạt ở Thái Lan - đất nước tiêu thụ vàng lớn hàng thứ 3 châu Á chỉ sau Ấn Độ và Trung Quốc. Mức tiêu thụ vàng ở Thái Lan lên đến 140,1 tấn năm 2013, theo số liệu từ Hội đồng Vàng Thế giới (WGC). Nhiều người Thái coi vàng là lựa chọn đầu tư vững chắc nhất vì nó dễ bán ra các tiệm vàng hay đưa vào hiệu cầm đồ để có ngay tiền mặt, trong khi gửi tiền vào ngân hàng được lợi không bao nhiêu mà lại khó rút ra khi cần đến.

Tháng 10/2014, vài món đồ trang sức bằng vàng giả được phát hiện tại nhiều tiệm vàng ở tỉnh Lop Buri. Cảnh sát cho biết vàng giả được "sản xuất" trong một căn nhà thuê ở quận Rat Burana, thủ đô Bangkok. Cảnh sát đã bắt giữ 4 người và tịch thu một số thiết bị được cho là dùng để làm vàng giả; như máy cán, khuôn đúc, đĩa cân và dấu đóng logo. Mạng lưới làm vàng giả tập trung vào các tiệm cầm đồ, tiệm vàng mới khai trương hay những nơi bán vàng có ít người trông coi.

Thái Lan: Căng thẳng chống tội phạm kinh doanh vàng giả - 1

Bên trong một tiệm vàng ở khu China Town, Bangkok.

Pichaya Phisutisikul, Phó Chủ tịch GTA kiêm lãnh đạo một tiểu ban chống vàng giả, nhận định: "Bọn tội phạm cho rằng những nơi này không có đủ kinh nghiệm để phân biệt hàng giả và hàng thật".

Mặc dù kinh doanh vàng giả mang về siêu lợi nhuận song bọn tội phạm nhất thiết phải có tay nghề cao. Bọn chúng có thể phủ lớp vàng thật bên ngoài món nữ trang bằng bạc hoặc tinh vi hơn là pha trộn vàng thật với kim loại khác theo một tỷ lệ nhất định để cho ra món đồ y như vàng thật.

Pichaya giải thích: "Bề mặt vàng thật rất mịn mượt khi so với nữ trang làm bằng kim loại khác. Nhưng bọn tội phạm hiện nay sử dụng các kỹ thuật rất tinh vi và thường là những người thợ có nhiều kinh nghiệm".

Theo Pichaya, thủ đoạn của bọn tội phạm là bán vàng giả ở nhiều địa phương khác nhau và luôn thay đổi địa bàn hoạt động cho nên không dễ theo dõi để bắt quả tang chúng. Các chủ tiệm vàng ở Thái Lan dù có kinh nghiệm vẫn bị lừa khi nữ trang giả được mạ lên lớp vàng nguyên chất.

Trong những năm gần đây, các tiệm kinh doanh vàng nhỏ lẻ - nhất là ở nông thôn - liên tục gửi đơn kiện lên GTA và yêu cầu cần có biện pháp mạnh tay để chống lại loại tội phạm làm vàng giả. Trong một trường hợp, một ông già đến tiệm vàng bán một món nữ trang nhưng sau khi bị phát hiện là đồ giả thì người này bảo chỉ bán hộ người khác để được trả 500 baht mà thật tình không biết đó là vàng giả.

Một vụ khác, chủ tiệm vàng không kiện ra tòa một phụ nữ mang thai bán vàng giả để mua món đồ trang sức một phần do người này đồng ý trả tiền lại và phần cũng vì không muốn mất thời gian dây dưa với chuyện kiện tụng. Nhiều nhà kinh doanh nữ trang cũng không muốn phí thời gian và tiền bạc để kiện ra tòa vì chỉ một chiếc vòng đeo tay giả chỉ có giá vài ngàn baht.

Tháng 8/2013, Cảnh sát Thái Lan đã bắt giữ hai chị em - Worranuch Kanto, 44 tuổi và Siriphon Jittikronkul, 41 tuổi. Hai chủ tiệm vàng trình báo với cảnh sát sau khi họ phát hiện số vàng mua vào từ 2 phụ nữ này là vàng giả pha những chất lạ. Họ đã nung vàng đến nhiệt độ 3.000oC mới biết vàng không nguyên chất. Theo Suthep, 4 thỏi vàng mà họ mua vào xấp xỉ 5 triệu baht.

Hiện nay, GTA có trang web để thông tin đến các nhà kinh doanh vàng về cách phân biệt vàng giả với vàng thật. Mạng xã hội cũng giúp GTA giám sát hoạt động giao dịch vàng giả. Các chủ tiệm vàng có thể kết nối với GTA thông qua một trang Facebook gọi là "Ran Thong Rawang Phai" (Giám sát tội phạm nơi tiệm vàng) để chia sẻ thông tin về vàng giả được phát hiện. Ongart Sittinawawit được đánh giá là thành viên tích cực nhất trên trang Facebook này.

Thái Lan: Căng thẳng chống tội phạm kinh doanh vàng giả - 2

Số nữ trang giả được các thành viên GTA chia sẻ trên Facebook.

Panapong Suttheewong, Giám đốc GTA và người quản lý trang Facebook, cho biết các thành viên của hội giúp thông tin đường đi của vàng giả vô cùng hiệu quả. Một trường hợp xảy ra vào tháng 8/2014, thành viên của GTA giúp cảnh sát bắt được một vụ mua bán vàng giả từ quận Thong Lor, thủ đô Bangkok đến tỉnh Udon và Chiang Mai.

Một thành viên đưa cảnh báo lên trang Facebook: "Đề nghị chia sẻ thông tin này. Tiệm vàng của cháu tôi ở Sakon Nakhon thu vào vàng giả. Nó thật sự chỉ là bạc. Các tiệm quanh Sakon Nakhon và các địa phương lân cận nên cảnh giác từ ngày 1 đến 28/10. Bọn tội phạm cử nhiều người khác nhau để trao đổi vàng".

Thái Lan: Căng thẳng chống tội phạm kinh doanh vàng giả - 3

Một phụ nữ bán vàng giả bị cảnh sát bắt giữ (ảnh trái) và cảnh sát Thái Lan với dây chuyền vàng giả.

Đặc biệt, trang Facebook "Ran Thong Rawang Phai" không chấp nhận những người không phải là thành viên của GTA. Panapong Suttheewong giải thích: "Chúng tôi muốn ngăn ngừa những người có ý đồ xấu muốn thu thập thông tin được chia sẻ giữa các thành viên GTA". Trang Facebook của GTA hiện chỉ mới thu hút khoảng 200 thành viên, trong khi cả nước Thái Lan có đến 6.000 - 7.000 tiệm vàng.

Những cửa hiệu cầm đồ rất dễ bị lừa đảo do họ chỉ biết dùng kính lúp quan sát bên ngoài món nữ trang để định giá. Trong khi đó, các tiệm vàng thường thử món đồ bằng lửa hay chà xát bề mặt để xác định. Bọn tội phạm rất tinh ranh khi thuê người già hay phụ nữ đang mang thai đến các cửa hiệu cầm đồ bán vàng giả cho chúng với số tiền hoa hồng khá cao. Trong khi đó, những đối tượng này có thể không biết họ đang bán vàng giả.

Theo Duy Minh (tổng hợp)

An ninh Thế giới

Thái Lan: Căng thẳng chống tội phạm kinh doanh vàng giả - 4