1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Thái Lan ban bố tình trạng khẩn cấp tại 2 sân bay

(Dân trí) - Nội các Thái Lan đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp quanh hai sân bay Suvarnabhumi và Don Mueang ở Bangkok để chấm dứt các cuộc biểu tình. Trong khi đó, có những kiến nghị rằng nên hoãn hội nghị ASEAN sẽ diễn ra tại Thái Lan vào tháng 12 này.

Thủ tướng Thái Lan Somchai Wongsawat tối qua tuyên bố sẽ có hành động đối với các nhóm biểu tình đang chiếm hai sân bay ở thủ đô Bangkok.

 

Phát biểu trên truyền hình, ông cho biết quân đội sẽ được cảnh sát hỗ trợ để ngăn các nhóm chống chính phủ tiếp tục hành động của họ.

 

Ngay trước đó, Nội các Thái Lan đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp quanh hai sân bay Suvarnabhumi và Don Mueang ở Bangkok để chấm dứt các cuộc phong toả của những người ủng hộ lực lượng Liên minh Nhân dân vì Dân chủ (PAD) chống chính phủ. 

 

Theo tuyên bố này, các nhóm từ năm người trở lên sẽ bị cấm và bị bắt ngay lập tức.

 

Hàng ngàn người biểu tình dưới sự lãnh đạo của PAD đã chiếm đóng Suvarnabhumi và Don Mueang ở Bangkok, đình chỉ tất cả các chuyến bay.

 

Hiện nhiều nguồn tin cho rằng có hoạt động bất thường bên trong các trại lính và xe tăng đã kéo về án ngữ quanh Bangkok, sau khi Thủ tướng Somchai ra lệnh cho binh sĩ án binh bất động. Năm 2006, quân đội đã lật đổ Thủ tướng lúc đó là ông Thaksin Shinawatra.

 

PAD sẽ dùng “lá chắn sống”

 

Trong phản ứng ngay sau đó, PAD đã dọa sẽ sử dụng ''lá chắn sống'' nếu bị cảnh sát giải tán.

 

Suriyasai Katasila, một lãnh đạo của PAD, tối qua tuyên bố những người biểu tình do PAD cầm đầu sẽ chiến đấu chống lại cảnh sát.

 

Ngay sau đó, những người biểu tình bắt đầu “gia cố” thêm các hàng rào bao quanh hai sân bay và chặn các tuyến đường cao tốc dẫn đến những điểm này bằng những chướng ngại vật. Lực lượng bảo vệ của PAD được trang bị gậy gộc tăng cường kiểm tra xe cộ ra vào khu vực.

 

Người phát ngôn của PAD, ông Parnthep Pourpongpan thì tuyên bố các hoạt động chiếm đóng sẽ được tiếp tục cho đến khi thủ tướng từ chức. “Chúng tôi không lo ngại về phản ứng của công chúng bởi vì chúng tôi theo đúng hiến pháp - chúng tôi vẫn có quyền tiếp tục cuộc biểu tình một cách ôn hoà.  Đó là điều chúng tôi đang làm - và chúng tôi sẽ tranh đấu để làm”, ông Parnthep nói.

 

Đề nghị hoãn hội nghị thượng đỉnh ASEAN

 

Hôm qua, Bộ Ngoại giao Lào cho biết trong hội nghị cấp cao ba nước Việt Nam, Campuchia và Lào họp tại thủ đô Viêng Chăn một ngày trước đó, Thủ tướng của ba nước đã đề nghị Tổng thư ký khối ASEAN tham khảo chính phủ Thái Lan về khả năng tiếp tục tổ chức hội nghị thượng đỉnh vào giữa tháng 12 hay nên hoãn lại.

 

Còn Ngoại trưởng Malaysia cho rằng nên hoãn họp hội nghị ASEAN tại Thái Lan nếu khủng hoảng chính trị tiếp tục tại nước này.

 

Về phần mình, Ngoại trưởng Singapore trước đó đã tỏ ý lo ngại về khả năng hội nghị cấp cao ASEAN có thể bị ảnh hưởng do tình hình chính trị Thái Lan.

 

Theo kế hoạch ban đầu, Thái Lan sẽ đón tiếp hội nghị cấp cao ASEAN từ ngày 14 đến 17/12.

 

Ngoại trưởng Sompong Amorwiwat cùng ngày hôm qua thừa nhận nhiều thành viên ASEAN đang lo ngại về những diễn biến xảy ra tại Thái Lan. Tuy nhiên, ông khẳng định Chính phủ Thái Lan vẫn quyết tâm tổ chức hội nghị. Về khả năng hoãn, ông cho biết sẽ trình vấn đề lên Thủ tướng Somchai và thủ tướng sẽ là người quyết định cuối cùng.

 

Nhật Mai

Tổng hợp

Dòng sự kiện: Chính trị Thái Lan