1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024
  4. Chiến sự Israel - Hamas

Tàu ngầm Pháp lập kỷ lục sau khi đánh chìm TSB Mỹ

Sau khi đánh chìm tàu sân bay Mỹ trong diễn tập, tàu ngầm hạt nhân lớp Rubis của Pháp tiếp tục xác lập kỷ lục hoạt động liên tục trên biển.

Tờ Lenta dẫn nguồn tin quân sự Pháp cho biết, trong năm 2016, các tàu ngầm hạt nhân lớp Rubis của hải quân nước này đã xác lập kỷ lục mới khi có thời gian hoạt động liên tục dưới biển lên tới 1.000 ngày đêm.

Việc Hải quân Pháp vắt kiệt khả năng hoạt động của tàu ngầm lớp Rubis sẽ tạo ra các mối nguy hiểm liên quan tới hoạt động của lớp tàu ngầm này do phần lớn chúng đều đã cũ.

Hải quân Pháp từng công bố kế hoạch loại biên lớp tàu ngầm này vào năm 2017. Tuy nhiên, do tiến trình đóng mới tàu ngầm lớp Barracuda mang tên Suffren không đúng tiến độ đề ra, vì vậy việc thay thế tàu ngầm Rubis phải lùi lại tới năm 2019.

Mặc dù đã bị "tuyên án tử" nhưng tàu ngầm Rubis vẫn chứng minh được khả năng vượt trội của mình khi nó vượt qua hàng loạt hệ thống săn ngầm của Mỹ và đánh chìm hàng không mẫu hạm USS Theodore Roosevelt trong cuộc diễn tập chung hồi đầu năm 2015.

Tàu ngầm lớp Rubis của Hải quân Pháp.
Tàu ngầm lớp Rubis của Hải quân Pháp.

Cuộc diễn tập này đã diễn ra trong vòng 10 ngày ở ngoài khơi bờ biển Florida, nhằm kiểm tra khả năng hoạt động và tác chiến của tàu sân bay này sau 4 năm đại tu với chi phí lên tới 2,6 tỷ USD.

Tàu ngầm hạt nhân tấn công mang tên SNA Saphir của Hải quân Pháp mang số hiệu S602, thuộc lớp tàu ngầm tấn công hạt nhân Rubis đã tham gia diễn tập chung với Cụm tác chiến tàu sân bay số 12 của hải quân Mỹ, gồm tàu sân bay USS Theodore Roosevelt (CVN-71), cùng nhiều tàu tuần dương lớp Ticonderoga và tàu khu trục Aegis lớp Arleigh Burke và một tàu ngầm hạt nhân tấn công lớp Los Angeles.

Giai đoạn 1 của cuộc diễn tập diễn ra tốt đẹp khi tàu ngầm hạt nhân SNA Saphir của hải quân Pháp đã được lệnh tham gia vào lực lượng quân đồng minh của Mỹ trong một cuộc xung đột giả định, trong đó các quốc gia tưởng tượng đã tấn công vào các lợi ích kinh tế và lãnh thổ của Mỹ.

Đến giai đoạn thứ 2 của cuộc diễn tập, tàu ngầm SNA Saphir đã đóng vai trò là một tàu ngầm của đối phương, với nhiệm vụ tìm và diệt chiếc hàng không mẫu hạm khổng lồ của Mỹ.

Để làm được điều này, Saphir đã mất nhiều ngày rình rập, vượt qua vòng bảo vệ bên ngoài dưới sự đe dọa liên tục từ máy bay tuần tiễu chống ngầm P-3C Orion và P-8A Poseidon của Hải quân Mỹ, các khu trục hạm lớp Arleigh Burke và các tàu hộ vệ chống ngầm khác.

Tàu ngầm Saphir đã tránh né được sự phát hiện của lực lượng chống tàu ngầm, đột nhập sâu vào hệ thống phòng thủ của nhóm tàu sân bay để tránh sự phát hiện của các thiết bị chống ngầm tầm xa và lặng lẽ áp sát chiếc tàu sân bay trị giá hàng tỉ USD của Hải quân Mỹ.

Saphir đã áp sát tàu sân bay Mỹ USS Theodore Roosevelt và chỉ huy tàu ra lệnh khóa mục tiêu là tàu sân bay trong kính tiềm vọng của mình. Khi đó tàu ngầm Pháp chỉ cách tàu sân bay Mỹ vài trăm mét, nằm trong tầm tác chiến hiệu quả của các vũ khí chống hạm như ngư lôi và tên lửa chống hạm Exoxet.

Cả Trung tâm Thông tin tác chiến trên tàu sân bay Mỹ nín thở khi phát hiện ra sự việc và báo động khi bị tàu Pháp tấn công. Lệnh tấn công được ban ra, và tàu ngầm Saphir "đánh chìm" trên lý thuyết tàu sân bay USS Theodore Roosevelt và phần lớn các tàu hộ tống của nó.

Hải quân Pháp tiết lộ sau cuộc tập trận, để có thể dễ dàng đột nhập vào giữa biên đội tàu hùng hậu của Mỹ, tàu Saphir được trang bị hệ thống tác chiến điện tử cực tối tân.

Bên cạnh hệ thống thủy âm DMUX-20, radar tìm kiếm mục tiêu mặt nước DRUA-33, Saphir còn được trang bị các hệ thống cảm biến điện tử và ngụy trang giúp nó có thể dễ dàng thoát khỏi sự theo dõi của đối phương để tiếp cận mục tiêu.

Theo các chuyên gia quân sự Pháp, Saphir S-602 có thể dễ dàng xuyên thủng các lớp phòng ngự để tiếp cận hàng không mẫu hạm USS Theodore Roosevelt là nhờ thiết kế nhỏ gọn có độ linh hoạt cao cùng các thiết bị chống ồn và các hệ thống cảm biến ngụy trang cực tốt của chiếc tàu ngầm hạt nhân này.

Ngoài ra, con tàu còn được trang bị hệ thống vũ khí cực mạnh bao gồm: 4 ống phóng 533 mm dành cho các ngư lôi chiến thuật F21, một trong những loại ngư lôi nguy hiểm bậc nhất thế giới do hãng DCNS của Pháp phát triển nhằm thay thế ngư lôi F17.

Ngư lôi F21 dài 6 m, nặng 1,2 tấn, có tầm bắn đến 50 km và tốc độ 46-58 km/h. F21 sử dụng pin điện nên hoạt động yên tĩnh và có độ ồn cực thấp. Sau khi phóng, tàu ngầm sẽ di chuyển về khu vực an toàn, còn ngư lôi được dẫn hướng bằng dây quang hướng thẳng vào mục tiêu với vận tốc tối đa. Các chuyên gia quân sự đánh giá F21 có hiệu suất đánh trúng mục tiêu cao bậc nhất thế giới.

Saphir S-602 còn được trang bị các tên lửa đối hạm SM-39 Exocet. Tên lửa này nặng khoảng 675 kg, được bắn từ dưới nước bằng ống phóng ngư lôi. Exocet được trang bị hệ thống dẫn đường quán tính và radar, sử dụng nhiên liệu rắn hoặc động cơ turbojet có tầm bay tối đa là 70 km.

Theo Mỹ Đức

Đất Việt