1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024
  4. Chiến sự Israel - Hamas

Tân Tổng thống Pháp đầy cứng rắn sau tuần đầu tiên tại Điện Elysee

Nước Pháp sẽ tiếp tục cuộc chiến chống lại các nhóm phiến quân Hồi giáo ở Bắc và Tây Phi, và các quốc gia phương Tây khác nên đóng góp nhiều hơn trên mặt trận này, tân Tổng thống Pháp Emmanuel Macron hôm 21/5 nói nhân chuyến thăm binh sỹ Pháp đang chiến đấu chống phiến quân ở Mali.

Tân Tổng thống Pháp Emmanuel Macron chụp ảnh cùng binh sỹ ở Mali, nhấn mạnh tầm quan trọng của cuộc chiến chống phiến quân. (Nguồn: Guardian).
Tân Tổng thống Pháp Emmanuel Macron chụp ảnh cùng binh sỹ ở Mali, nhấn mạnh tầm quan trọng của cuộc chiến chống phiến quân. (Nguồn: Guardian).

Vị Tổng thống 39 tuổi tìm cách thể hiện vai trò mới của ông, Tổng tư lệnh quân đội, bằng một chuyến công du châu Phi với mục tiêu nhấn mạnh về tầm quan trọng của cuộc chiến của Pháp chống phiến quân ở Mali, những kẻ mà ông cho là một mối đe dọa tiềm tàng đối với châu Âu.

“Pháp đã cam kết sát cánh với các bạn ngay từ đầu và điều mà tôi tới đây để nói với các bạn một cách rõ ràng là Pháp sẽ tiếp tục giữ vững cam kết này” - Tổng thống Macron nói trong cuộc họp báo chung với Tổng thống Mali, Ibrahim Boubacar Keita.

Tuy nhiên, ông Macron, người đang tìm cách tăng cường hợp tác quốc phòng châu Âu, nói rằng các quốc gia phương Tây khác, đặc biệt là Đức, “cần phải làm nhiều hơn trong việc hỗ trợ, phát triển các mối quan hệ đối tác”.

Pháp, đất nước bị ảnh hưởng nặng nề từ các vụ tấn công khủng bố khiến hơn 230 người thiệt mạng trong 2 năm qua, vẫn còn đang trong tình trạng khẩn cấp và quân đội của họ đã triển khai khoảng 4.000 binh sỹ tới 5 quốc gia ở vùng Sahel, bao gồm Mali và Niger. Đợt đầu tiên đã được triển khai từ năm 2013.

Chuyến thăm nói trên đã thể hiện rõ nét tuần đầu tiên trong nhiệm sở của tân Tổng thống Pháp. Ông đã phá vỡ truyền thống khi di chuyển bằng một chiếc xe quân sự thay vì chiếc Limousine và cũng có chuyến thăm riêng tư đối với các binh sỹ bị thương ở thủ đô Paris.

Ngoài ra, ông Macron cũng thể hiện rõ nỗ lực củng cố Liên minh châu Âu (EU) của mình trong bối cảnh Brexit.

Tại một cuộc họp với Thủ tướng Đức Angela Merkel ở Berlin, cả hai nhà lãnh đạo nói rằng họ đã chuẩn bị sẵn sàng để thay đổi các hiệp ước của EU nhằm cho phép tăng cường hội nhập trong khối đồng tiền chung (Eurozone). Khi ông Macron, người có quan điểm ủng hộ EU, chỉ định tân Thủ tướng và các vị Bộ trưởng Nội các, Bộ Ngoại giao Pháp đã thay đổi tên thành Bộ châu Âu và Ngoại giao.

Ông Macron, người giành chiến thắng trong kỳ bầu cử hôm 7/5 vừa qua với số phiếu áp đảo so với đối thủ Marine Le Pen, đã cảnh báo trước khi tuyên thệ rằng ông sẽ “không nương tay”.

Trong một đất nước đang loay hoay với tỷ lệ thất nghiệp cao, bị đe dọa bởi chủ nghĩa khủng bố, đà tăng trưởng kinh tế chậm và nợ công cao, kỳ bầu cử vừa qua đánh dấu sự trỗi dậy của làn sóng phẫn nộ của người dân trong khi cả hai đảng truyền thống của Pháp đều bị "đá" khỏi cuộc đua vào Điện Elysee.

Làn sóng này có thể được cảm nhận rõ nét nhất ngay từ các cuộc thăm dò dư luận đầu tiên kể từ khi ông Macron tuyên thệ nhậm chức.

Cuộc thăm dò của hãng Elabe cho thấy dù phần lớn người dân ủng hộ quyết định chưa từng có tiền lệ của ông Macron trong đó hình thành một chính phủ quy tụ cả các vị Bộ trưởng cánh tả, cánh hữu và ôn hòa - trong khi có đến một nửa vị trí trên đến từ những người ít có kinh nghiệm chính trị - bản thân ông Macron cùng Thủ tướng Edouard Philippe vẫn bắt đầu nhiệm kỳ của họ với niềm tin dư luận ở mức thấp nhất mà các lãnh đạo Pháp từng gặp trong vòng 20 năm trở lại đây.

Lá phiếu thăm dò cho thấy 45% cử tri Pháp nói rằng họ tin tưởng vào khả năng của ông Macron trong việc giải quyết các vấn đề của nước Pháp, 36% tin tưởng vào tân Thủ tướng. Con số người ủng hộ này cao hơn hẳn tỷ lệ ủng hộ của Tổng thống Francois Hollande khi ông rời khỏi nhiệm sở, tuy nhiên cả ông Holladne cùng người tiền nhiệm Nicolas Sarkozy lại bắt đầu nhiệm kỳ của mình với tỷ lệ ủng hộ đều trên 50%.

Phong trào chính trị mới của ông Macron, Tiến bước!, giờ đây cần phải giành chiến thắng trong các kỳ bầu cử Quốc hội tổ chức vào ngày 11 và 18/6 tới đây, thành lập được nhóm đa số, bởi đó là điều cần thiết để ông Macron có thể thông qua các kế hoạch cải cách của ông về an ninh xã hội, giáo dục, lao động và lương hưu.

Trong bối cảnh chiến dịch vận động tranh cử Quốc hội đã bắt đầu từ cuối tuần qua, chính phủ mới của Pháp đã có cuộc họp đầu tiên giữa những cảnh báo từ tân Tổng thống Macron rằng cần phải tăng cường đoàn kết và kỷ cương, dù nhiều người cho rằng các vị Bộ trưởng trong Nội các của ông thể hiện sự khác biệt trong quan điểm chính trị.

Tân Bộ trưởng Năng lượng của Pháp, ông Nicolas Hulot, một nhà môi trường học nổi tiếng và là cựu người dẫn chương trình truyền hình có quan điểm mạnh mẽ hơn cả ông Macron trong vấn đề từ bỏ năng lượng hạt nhân, giờ sẽ buộc phải tuân thủ các chính sách của ông Macron.

“Một vị Bộ trưởng không thể đặt ra điều kiện đối với Tổng thống hay Thủ tướng” - người phát ngôn chính phủ Pháp, Christopher Castaner, tuyên bố.

Theo Linh Chi

Đại đoàn kết