1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024
  4. Chiến sự Israel - Hamas

Tạm gác bất đồng, Nga và Pháp nhất trí tăng cường chống khủng bố

Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Pháp Francois Hollande ngày 26-11 đã thống nhất chia sẻ tin tức tình báo về hoạt động khủng bố cũng như các chiến dịch quân sự tại Syria.

Tuy nhiên, cả hai nhà lãnh đạo đã từ chối rút lại lập trường của mình về tương lai của Tổng thống Syria Bashar al-Assad.

Phát biểu sau hội đàm với Tổng thống Hollande tại Điện Kremlin, Tổng thống Putin cho biết, trong chuyến thăm Mátxcơva chỉ kéo dài vài giờ của nhà lãnh đạo Pháp, hai nhà lãnh đạo đã thảo luận nhiều chủ đề, trong đó có cuộc chiến chống các mối đe dọa khủng bố, Ukraine hay biến đổi khí hậu.

Cụ thể, Nga và Pháp thống nhất ý định tìm kiếm và trừng phạt những kẻ phạm tội, đồng thời sẽ tiếp tục tăng cường thực thi các thỏa thuận Minsk về Ukraine. Hai bên nhất trí tăng cường hoạt động chống khủng bố, trao đổi thông tin tình báo, hợp tác giữa các chuyên gia quân sự, để tránh sự trùng lặp và sự cố. Điều này sẽ giúp cho hoạt động chống khủng bố của hai nước thêm hiệu quả.

Tổng thống Nga cũng tuyên bố nước này sẵn sàng hợp tác với liên quân chống IS do Mỹ đứng đầu và Nga để ngỏ khả năng hợp tác chặt chẽ hơn với cả Pháp và liên quân do Mỹ đứng đầu trong việc lựa chọn các mục tiêu IS.

Tạm gác bất đồng, Nga và Pháp nhất trí tăng cường chống khủng bố - 1

Tổng thống Putin và Tổng thống Hollande tại cuộc gặp ở Điện Kremlin ngày 26-11. (Ảnh: AP)

Đề cập tới vụ tiêm kích F-16 Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi máy bay ném bom Su-24 Nga, Tổng thống Putin khẳng định không quân Thổ Nhĩ Kỳ không thể không nhận ra chiếc Su-24M của Nga. Ông Putin cho biết, Nga không có ý định can thiệp vào số phận của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan, song lấy làm tiếc vì Ankara đã phá hỏng quan hệ song phương.

Ông khẳng định, dầu được chuyển từ Syria tới Thổ Nhĩ Kỳ trên quy mô công nghiệp và khó có thể tin rằng Ankara không biết điều này. “Nga sẽ tham vấn nghiêm túc với Mỹ về cách thức chia sẻ thông tin ở Syria và việc Mátxcơva triển khai hệ thống phòng không S-400 ở Syria không nhằm chống lại các đối tác của Nga”, Tổng thống Putin nhấn mạnh.

Về phần mình, Tổng thống Hollande đã cảm ơn ông Putin và người dân Nga đã thể hiện tình đoàn kết và sự cảm thông với nhân dân Pháp trong vụ khủng bố vừa qua. Ông nhấn mạnh, Nga và Pháp cần hợp tác trong cuộc chiến chống khủng bố và hai nước sẽ phối hợp trong các cuộc không kích ở Syria. Hai bên cũng nhất trí chỉ tấn công những kẻ khủng bố và cần xác định những đối tượng không được tấn công. Ông Hollande cho rằng, Nga cần đóng một vai trò quan trọng trong việc tìm kiếm giải pháp chính trị ở Syria. Theo Tổng thống Pháp, cần thành lập chính quyền chuyển tiếp ở Syria, song đương kim Tổng thống Át-xát không thể có bất cứ vai trò nào tại Syria trong tương lai.

Chuyến thăm Nga của Tổng thống Pháp đã phát đi tín hiệu về một kỷ nguyên mới trong quan hệ hợp tác Pháp-Nga tại Syria. Trước đó, quan hệ hai nước đã từng rơi vào căng thẳng liên quan tới cuộc khủng hoảng ở Ukraine, việc bán đảo Crimea sáp nhập vào Nga, từ đó dẫn tới việc Pháp từ chối bàn giao hai tàu chiến lớp Mistral cho Nga.

Ngay cả khi Nga thông báo tiến hành các cuộc không kích chống IS ở Syria hồi tháng 9-2015, quyết định này cũng không được Paris đón nhận một cách tích cực. Cùng với các nước phương Tây khác, trong đó có Mỹ, Anh, Đức, Thổ Nhĩ Kỳ, các đồng minh A rập tại vùng Vịnh, Pháp đã cáo buộc Nga phát động chiến dịch không kích nhằm vào các lực lượng đối lập tại Syria, hỗ trợ chính quyền của Tổng thống Assad. Tuy nhiên, vụ khủng bố tấn công vào thủ đô Parsi ngày 13-11 vừa qua đã khiến Paris thay đổi thái độ khi khẳng định sẽ cùng Mátxcơva trong cuộc chiến chống IS.

Dù nhất trí về xây dựng liên minh chống khủng bố song hai nhà lãnh đạo Nga-Pháp vẫn bất đồng quan điểm về tình hình chính trị tại Syria, trong đó có vai trò của Tổng thống Bashar al-Assad. Theo Tổng thống Pháp, ông Assad không có chỗ trong chính trường Syria tương lai.

Trong khi đó, Tổng thống Putin cho rằng cuộc chiến chống khủng bố tại Syria không thể thiếu hoạt động trên bộ, điều chỉ có thể được quân đội của Tổng thống Bashar al-Assad đảm nhiệm. Ông Putin khẳng định những ai áp dụng chính sách hai mặt với khủng bố, sử dụng chúng hòng đạt được mục tiêu chính trị của mình là "chơi với lửa". "Lịch sử cho thấy những hành động như vậy, sớm hay muộn chẳng khác gì sự đồng lõa", nhà lãnh đạo Nga nhấn mạnh.

Theo Bình Nguyên

Quân đội nhân dân

Tạm gác bất đồng, Nga và Pháp nhất trí tăng cường chống khủng bố - 2