1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024
  4. Chiến sự Israel - Hamas

Syria: Vì sao thỏa thuận ngừng bắn đổ vỡ?

Lệnh ngừng bắn có hiệu lực từ ngày 12-9 theo đề xuất của Nga và Mỹ đã chính thức đổ vỡ sau một tuần thực thi. Sự thiếu tin tưởng giữa Washington và Moskva luôn là nguyên nhân khiến bao thỏa thuận trước đó về Syria cũng như về Ukraine đổ vỡ.

Bộ trưởng Quốc phòng Syria hôm 19-9 thông báo chấm dứt lệnh ngừng bắn có hiệu lực từ ngày 12-9 theo đề xuất của Nga và Mỹ vì lý do các nhóm phiến quân không tuân thủ thỏa thuận, liên tục tấn công quân đội chính phủ. Như vậy, lệnh ngừng bắn chỉ kéo dài được đúng một tuần. Lệnh ngừng bắn là nỗ lực lớn của Nga và Mỹ vào tuần trước trong bản thỏa thuận 3 điểm.

Điểm đầu tiên trong thỏa thuận là hai bên sẽ tiến hành xác định đâu là quân đối lập của chính quyền Damascus và đâu là quân khủng bố. Và nếu được xác định là phe đối lập thì phải tránh xa các nhóm khủng bố hiện hữu ở Syria hiện nay như Front al-Nosra và IS.

Để làm việc phân loại này, Nga và Mỹ sẽ thành lập một ủy ban chung để đưa ra các tiêu chí phân loại. Hiện ở Syria có cả tá nhóm đối lập và khủng bố, trong đó có hai nhóm do Mỹ bảo trợ. Điểm này có phần lợi cho Mỹ vì hiện nay các nhóm phiến quân do Mỹ hỗ trợ đang bị quân đội Thổ Nhĩ Kỳ (với sự bật đèn xanh của Nga) đánh tơi tả ở biên giới giữa Thổ và Syria. Sau khi phân loại xong, Nga và Mỹ sẽ cùng hợp sức tiêu diệt các nhóm khủng bố ở Syria.

Có hai nhóm bị Nga, Mỹ và LHQ liệt vào loại khủng bố ở Syria gồm IS và Front al-Nosra. “Các chuyên gia quân sự Mỹ sẽ cùng lập kế hoạch để tiêu diệt hai nhóm khủng bố này” - Ngoại trưởng Mỹ Kerry nói trong cuộc họp báo tại Geneve.

Ngoại trưởng Mỹ - Nga tại cuộc họp báo chung thông báo thỏa thuận về vấn đề Syria ngày 10-9.
Ngoại trưởng Mỹ - Nga tại cuộc họp báo chung thông báo thỏa thuận về vấn đề Syria ngày 10-9.

Theo giới quan sát, điểm thỏa thuận này có lợi cho Nga và chính quyền Damascus vì Mỹ luôn bị nghi ngờ một mặt công khai nói là “đánh khủng bố” ở Syria nhưng mặt khác lại ngấm ngầm “đi đêm với khủng bố” để chống lại chính quyền Tổng thống Assad. Các cuộc không kích của Nga và Mỹ cũng sẽ được phân định vùng rõ ràng.

Cuối cùng, hai bên cũng thỏa thuận sẽ nói với các đồng minh của mình thực hiện một lệnh ngừng bắn kéo dài 48 giờ, bắt đầu có hiệu lực từ 0 giờ ngày 12-9. Và tiến tới một giải pháp hòa bình cho Syria.

Ngay sau khi ký kết thỏa thuận, Ngoại trưởng Nga nói rằng, điểm cuối trong thỏa thuận khó thực hiện được vì không chỉ phụ thuộc vào Nga và Mỹ do chưa chắc hai nước này vận động được người của họ chấp nhận buông súng. Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov khẳng định Nga cam kết sẽ thuyết phục được chính quyền Damascus ngừng bắn, phần còn lại là do Mỹ.

"Chúng tôi công bố kế hoạch sẽ là điểm khởi đầu để nối lại các bước đi theo giải pháp hòa bình ở Syria và chuyển đổi chính trị tại đất nước này. Và chúng tôi tin rằng nếu được thực hiện thì kế hoạch này sẽ có khả năng mang lại những thay đổi tích cực và trở thành điểm xuất phát trong tiến trình đó" - Ngoại trưởng Mỹ tuyên bố.

Trong suốt thời gian ngừng bắn, phe chính quyền Damascus đã tố bị phe nổi dậy tấn công 300 lần. Nga buộc tội Mỹ không “khuyên bảo” đồng minh của họ ở Syria ngừng bắn. Ngày 14-9, tức hai ngày sau khi lệnh ngừng bắn có hiệu lực, Phó trưởng Ban chỉ huy Bộ Tổng tham mưu Nga, Trung tướng Victor Poznihir cho biết quân đội Chính phủ Syria đã ngừng bắn hoàn toàn. Trong khi đó, một số nhóm vũ trang đối lập ôn hòa đã thực hiện nhiều vụ tấn công bất chấp lệnh ngừng bắn.

"Lực lượng Chính phủ Syria đã hoàn toàn ngừng bắn, ngoại trừ ở những nơi hoạt động của các nhóm khủng bố IS và Jabhat al-Nusra. Thật đáng tiếc và không thể nói gì hơn với những nhóm vũ trang đối lập ôn hòa dưới sự bảo trợ của Mỹ. Sau khi có lệnh chấm dứt chiến sự, từ phía họ cho đến sáng 14-9 đã ghi nhận 23 trận pháo kích vào những khu dân cư và các vị trí của quân đội chính phủ", tướng Poznihir nói.

Trong khi đó, Ngoại trưởng Nga Lavrov hôm trước tuyên bố Mỹ lại tỏ ra lưỡng lự trong việc không kích nhóm thánh chiến Jabhat al-Nusra (JN), mặc dù đã đồng ý trong thỏa thuận ngưng bắn. JN là nhóm thánh chiến số 1 tại Syria và được cho là nhóm có khả năng nhất để đánh bại quân đội chính phủ. Do đó gần đây nhóm này đã thay tên đổi họ nhằm che giấu bản chất khủng bố của mình. Tuy nhiên, ông Lavrov tuyên bố sẽ không để chuyện này xảy ra. Lavrov nói: “Tôi đã hỏi Kerry (Ngoại trưởng Mỹ) rằng có phải Mỹ đang tìm cách để che đậy cho JN không và Kerry nói là Mỹ không có”.

Thế nhưng, Mỹ lại không chịu vào cuộc tiêu diệt JN, thậm chí Nga hỏi Mỹ “JN ở đâu?”, Mỹ cũng không trả lời. Theo ông Lavrov thì Mỹ mất hàng năm trời để xác định xem ai là khủng bố, ai là thánh chiến, ai cộng tác với khủng bố, ai ôn hòa thật sự... nhưng tới giờ thì vẫn nhập nhằng.

Cao trào là việc Mỹ oanh kích nhầm làm chết hơn 60 binh sĩ quân đội Syria (có tin nói có 10 lính đặc nhiệm Nga trong đó) vào ngày 17-9 với lý do... nhầm lẫn với IS. Chỉ huy trưởng quân đội Syria thông báo 62 lính Syria bị chết và nhiều người khác bị thương khi chiến đấu cơ Mỹ ném bom vào khu vực đóng quân của quân đội Syria (SAA) tại cao điểm chiến lược Jabal al-Thadar (nằm án ngữ trước sân bay Deir EzZor).

Chính quyền Damascus tuyên bố chấm dứt lệnh ngừng bắn vì các nhóm nổi dậy vi phạm tới 300 lần trong 7 ngày qua.
Chính quyền Damascus tuyên bố chấm dứt lệnh ngừng bắn vì các nhóm nổi dậy vi phạm tới 300 lần trong 7 ngày qua.

Dẫn nguồn tin từ giới chức quân đội Syria, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Nga Igor Konachenkov cho biết, hai máy bay F-16 và hai chiếc A-10 cùng một chiếc máy bay không người lái đã bay vào Syria từ phía biên giới Iraq để thực hiện vụ tấn công Jabal al-Thadar.

Tin từ Syria nói: Ngay sau khi Mỹ ném bom, quân khủng bố IS cũng mở một đợt tấn công vào Jabal al-Thadar (thật trùng hợp!) và SAA có lúc gần như thất thủ. Tuy nhiên, nhờ nhanh chóng đưa viện binh tới nên SAA lấy lại kiểm soát. Chỉ huy trưởng quân đội Syria nói rằng, đây là bằng chứng rõ ràng cho thấy Mỹ ủng hộ IS.

Tối 17-9, Mỹ lên tiếng thừa nhận vụ tấn công trên. Thông báo của liên quân do Mỹ dẫn đầu nói: “Ngày 17-9, liên quân đã tiến hành không kích tại Jabal al-Thadar vì nghĩ rằng đây là vị trí đang do IS chiếm giữ. Tuy nhiên, cuộc không kích đã dừng đột ngột sau khi nhận được thông báo có sự hiện diện của quân đội Syria”. Thông báo nói thêm liên quân không chủ đích đánh vào quân đội Syria và sẽ rút kinh nghiệm sau lần nhầm lẫn này.

Hồi đầu năm nay thì Mỹ từng bị cáo buộc ném bom vào quân đội Syria, cũng tại Deir EzZor. Khi đó Mỹ cũng phủ nhận và thậm chí còn nói Nga... ném nhầm rồi đổ thừa.

Ngay trong ngày 17-9, Bộ Ngoại giao Nga đã triệu tập một cuộc họp khẩn cấp của Hội đồng Bảo an LHQ để bàn về vấn đề này. Từ Moskva, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga, Maria Zakharova, phát biểu trên kênh Rossiya 24: “Nếu trước đây chúng ta nghi ngờ Nhà Trắng bảo kê cho nhóm khủng bố Al-Nosra, thì giờ đây sau vụ tấn công trên, chúng ta có thể rút ra kết luận rằng Mỹ bảo kê cả IS”.

Bộ Ngoại giao Iran ngày 18-9 cũng ra tuyên bố lên án việc Mỹ không kích vị trí của quân đội Syria ở tỉnh Deir ez-Zor và coi đó là bằng chứng cho thấy Mỹ đang ủng hộ khủng bố, hỗ trợ hỏa lực cho chúng chống lại chính quyền của Tổng thống Syria Bashar al-Assad.

Ít giờ trước khi Syria thông báo chấm dứt lệnh ngừng bắn, Ngoại trưởng Mỹ khẳng định bên lề cuộc họp của Đại hội đồng LHQ rằng lệnh ngừng bắn rất mong manh nhưng có thể giữ được. “Chúng tôi đang chờ báo cáo về kết quả cuộc gặp với Nga tại Geneva” - ông Kerry cho biết. Hiện phía Nga chưa có phản ứng gì trước thông báo của quân đội Syria.

Theo đánh giá chung của các chuyên gia, sự thiếu sự tin tưởng giữa Washington và Moskva trước giờ luôn là nguyên nhân dẫn tới mọi sự đổ vỡ của các thỏa thuận trước đó về Syria cũng như về Ukraine. Và thất bại của lệnh ngừng bắn lần này cũng không nằm ngoài nguyên nhân trên.

Theo Mộc Thạch (tổng hợp)

An ninh thế giới