1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Syria: Ván cờ chưa có nước “chốt hạ”

Nhiều nhà bình luận quốc tế cho rằng, với việc đưa lực lượng không quân can dự vào cuộc không kích tại Syria, Tổng thống Nga Putin đã đánh một canh bạc lớn...

Syria: Ván cờ chưa có nước “chốt hạ” - 1

F-22 Raptor nhận nhiệm vụ không kích Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng từ hôm 22/9.

... Nhưng nói đúng hơn đây là một ván cờ vừa mạo hiểm vừa có thể sẽ kéo dài, dù xét về tương quan lực lượng Moscow dường như đang có nhiều lợi thế.

Bước “chiếu bí” thông minh

Thoạt đầu, Nga đi một nước cờ "chiếu bí" thông minh nhằm thoát khỏi tình trạng khó khăn do cuộc khủng hoảng Ukraine từng đẩy Nga vào thế bí từ gần hai năm nay. Nước cờ ấy đã làm chuyển dịch bàn cờ Syria - Iraq và một số mối quan hệ giữa Nga với các nước lớn và tại khu vực.

Nhưng nhìn vào thế cờ đang triển khai, có thể thấy tính táo bạo khó mà lường hết. Tổng Thư ký NATO cho rằng, Nga đã đưa bộ binh vào Syria. Nga thực tế đã thiết lập một "vùng cấm bay" hiệu quả trên hầu hết lãnh thổ Syria, bao phủ gần như toàn bộ miền Bắc Israel - bao gồm cao nguyên Golan, miền Nam Thổ Nhĩ Kỳ, nơi máy bay Mỹ được bố trí để tiến hành không kích Syria. Nếu bây giờ, Mỹ muốn lập một vùng cấm bay khác thì chắc chắn sẽ phải thương lượng với Nga. Đây có thể gọi là bước đi "tiên hạ thủ vi cường".

Các cuộc không kích của Nga cho tới nay không giới hạn ở bất kỳ địa điểm đơn lẻ nào, nhằm cả các chiến binh Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) cũng như lực lượng đối lập được phương Tây hậu thuẫn. Máy bay Nga còn bị tố là xâm phạm vùng trời Thổ Nhĩ Kỳ. Israel lo ngại rằng việc hình thành "trục" theo kiểu "liên hoành" gồm Nga -Iran - Iraq - Syria, nay thêm cả Trung Quốc, để đối trọng với thế "hợp tung" của Mỹ, có thể giúp hợp pháp hóa việc Iran tham gia cuộc chiến Syria…

Mũi tên đi đúng hướng

Có ba yếu tố tạo nên thời cơ cho Nga: Sự bế tắc về chiến thuật của cuộc chiến do Mỹ cầm đầu chống IS; Sự phân hóa hàng ngũ các nước Ả Rập sau thỏa thuận hạt nhân Iran và cuộc khủng hoảng người tị nạn tại châu Âu. Nga đã nắm lấy ngọn cờ chống IS, tăng cường “êm thấm” sự hiện diện không quân ở Syria.

Người phương Đông thường nói "nhất tiễn xạ song điêu" để khen ngợi một xạ thủ giỏi. Nga đang nhắm vào nhiều hơn hai mục tiêu và dường như Nga đã đi đúng hướng. Một là, chống lưng cho chính quyền Assad đang bị IS và lực lượng đối lập thân phương Tây đánh cho tả tơi. Hai là, củng cố thế đứng của Nga ở Địa Trung Hải và Trung Đông. Ba là, buộc Mỹ và Liên minh phải ngồi vào bàn thương lượng. Sau cuộc gặp cấp cao ở Liên hợp quốc hồi cuối tháng Chín, ngày 6/10, Bộ Ngoại giao Mỹ khẳng định sẵn sàng nối lại đàm phán để bàn về các chiến dịch quân sự tại Syria nhằm tránh nguy cơ xung đột giữa hai nước. Bộ Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ cũng đề xuất cùng với Nga lập tổ công tác để phối hợp hành động liên quan tới các cuộc không kích của Nga tại Syria.

Bốn là, tham gia giải quyết vấn đề Syria ở thế thượng phong, giúp Liên minh châu Âu (EU) giải quyết tận gốc rễ nguồn gốc làn sóng di cư sang châu Âu, như dư luận châu Âu kêu gọi.

Năm là, nhằm kiềm chế làn sóng chiến binh Hồi giáo không cho tác động ngược lại Nga. Hoạt động của IS trên mặt trận Syria-Iraq có khoảng 2.400 người đến từ Nga. IS rất cần các chiến binh đến từ không gian hậu Xô viết vì những người này thiện chiến, tương đối độc lập với các phe phái và lợi ích địa phương. Nhiều chiến binh Chechnya đã tham gia bộ chỉ huy quân sự cấp cao của IS. Phiên bản tiếng Nga của tạp chí Dabiq (do IS quản lý) kêu gọi những người nói tiếng Nga đến Syria chiến đấu.

Sáu là, nếu Mỹ, EU và NATO ngồi lại thương lượng với Nga thì chẳng phải sẽ tạo cho Nga cái thế khả dĩ có thể làm dịu căng thẳng xung quanh vấn đề Ukraine? Chính phủ Kiev dường như đã thấy viễn cảnh một thỏa hiệp nào đó giữa Mỹ-EU với Nga nên bàn cờ Ukraine gần đây đã rục rịch chuyển động theo hướng giảm căng thẳng.

Tứ bề vây đánh IS

Việc Trung Quốc đưa tàu sân bay Liêu Ninh cùng một phi đội máy bay chiến đấu J-15 sang Địa Trung Hải là một phát triển bất ngờ. Máy bay Trung Quốc sẽ cất cánh từ tàu sân bay, số còn lại được bố trí tại căn cứ không quân của Nga gần Latakia (Syria). Đây được xem là sự kiện cực kỳ quan trọng đối với Bắc Kinh vì sẽ là chiến dịch quân sự đầu tiên của nước này tại Trung Đông cũng như thử nghiệm hoạt động đầu tiên của hàng không mẫu hạm trong các điều kiện thực chiến.

Vậy là hầu hết các nước có lực lượng quân sự mạnh trên thế giới đều dùng chiến trường Syria-Iraq để thử vũ khí và nâng cao kinh nghiệm chiến đấu cho lực lượng vũ trang của mình. Điều này chưa biết có giúp tiêu diệt được phiến quân IS hay không nhưng thường dân vô tội đang bị đẩy vào nhiều hiểm họa hơn bao giờ hết.

Hiện có hai điều thú vị để theo dõi: Liệu Điện Kremlin đã xác định được nước cờ "chốt hạ" của mình hay chưa? Phương Tây sẽ lựa chọn đối sách nào trong thế tiến thoái lưỡng nan như hiện nay tại chiến trường Iraq - Syria? Nếu các nước "hợp tung" mà phối hợp với "liên hoành" thì điều dễ nhận thấy nhất là các lực lượng của IS sẽ bị đặt vào thế "tứ bề thọ địch".

Theo TS. Nguyễn Ngọc Trường

Thế giới và Việt Nam

Syria: Ván cờ chưa có nước “chốt hạ” - 2