1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024
  4. Chiến sự Israel - Hamas

Syria: Nguy cơ tái nội chiến, Assad có tại vị đến 2017?

Vấn đề “đi hay ở” của Tổng thống Assad đang trở thành bất đồng không thể tháo gỡ được ở Geneva, nguy cơ tái nội chiến ở Syria là rất cao.

Đảng Baath chiến thắng, Phương Tây tẩy chay bầu cử Syria,

Ngày 13-4, Syria đã tổ chức cuộc bầu cử quốc hội khóa mới với hơn 3.000 ứng viên chạy đua vào 250 ghế nghị sĩ. Các điểm bỏ phiếu được mở tại những khu vực nằm dưới quyền kiểm soát của chính phủ, tương đương 1/3 lãnh thổ Syria với khoảng 60% dân số sinh sống.

Ban đầu có 11.341 ứng cử viên đăng ký tham gia tranh cử, song cuối cùng chỉ còn khoảng 3.500 người tham gia sau khi số còn lại rút lui vì cho rằng họ không có cơ hội chiến thắng.

Theo hãng thông tấn nhà nước Syria SANA, ông Hisham al-Shaar - người đứng đầu ủy ban bầu cử quốc gia đã công bố trong số 8.834.994 cử tri hợp lệ, có hơn 5 triệu cử tri đi bỏ phiếu.

Đảng Baath cầm quyền của Tổng thống Bashar al-Assad cùng với các đồng minh của đảng này trong liên minh "Đoàn kết Dân tộc" đã giành được 200/250 ghế trong quốc hội - một chiến thắng được đông đảo dư luận quốc tế dự đoán trước.

Trong khi đó, phe đối lập và các nước phương Tây bác bỏ cuộc bầu cử này. Trưởng ban đàm phán nhóm đối lập Hội đồng đàm phán cấp cao, ông Asaad al-Zoubi nói rằng những cuộc bầu cử như thế này là vô nghĩa và chỉ là cái cớ để chính quyền tự gắn lên mình cái mác hợp pháp.

Các nước Pháp, Mỹ, Đức, Anh cho rằng cuộc bầu cử quốc hội tại Syria ngày 13-4, do chính phủ nước này đứng ra tổ chức, thiếu nhiều điều kiện quan trọng để được coi là hợp pháp, đặc biệt là các khu vực do IS và phe đối lập kiểm soát như Raqqa, Idlib, Aleppo… đã không tiến hành bỏ phiếu.

Đảng Baath cầm quyền của Tổng thống Bashar al-Assad đã giành đa số ghế trong quốc hội Syria
Đảng Baath cầm quyền của Tổng thống Bashar al-Assad đã giành đa số ghế trong quốc hội Syria

Phương Tây tuyên bố, cuộc bầu cử quốc hội tại Syria diễn ra không có chiến dịch tranh cử cũng như giám sát quốc tế.

Các cuộc bầu cử chỉ có thể được coi là hợp pháp nếu nó diễn ra sau khi thực hiện quá trình chuyển giao chính trị và soạn thảo Hiến pháp mới, như trường hợp của Ukraine.

Nhìn chung, cơ bản là các nước phương Tây coi cuộc bầu cử quốc hội tại Syria tổ chức trong điều kiện đất nước đang có chiến sự là không hợp pháp, không đại diện cho ý nguyện của người dân Syria và họ không thừa nhận kết quả cuộc bầu cử này.

Trong khi đó, Nga bày tỏ sự ủng hộ tuyệt đối với cuộc bầu cử này. Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho biết cuộc bầu cử này sẽ giúp tránh "khoảng trống quyền lực" trong giai đoạn chuyển tiếp, duy trì tiến trình chính trị để xây dựng hiến pháp mới, làm cơ sở cho một cuộc tổng tuyển cử dân chủ.

Đối lập buộc Assad phải ra đi, súng có thể nổ bất cứ lúc nào

Ủy ban đàm phán cấp cao (HNC) - đại diện phe đối lập chính ở Syria tham gia đàm phán tại Geneva đã nêu yêu sách thành lập “Hội đồng chuyển tiếp” để hiều hành đất nước trong 18 tháng chờ đến cuộc bầu cử Tổng thống mới, với điều kiện là “không Assad”.

Phe đối lập và chính quyền Damascus cùng với những “ông bầu” của họ là Nga và Mỹ đang mâu thuẫn trong vấn đề quan trọng nhất là tương lai của Tổng thống Bashar al-Assad. Trước đó, Nga đưa ra điều kiện phải giữ nguyên chính phủ hợp hiến hiện nay, trong khi Mỹ nhất quyết không chịu.

Nguy cơ tái nội chiến ở Syria có thể bùng phát bất cứ lúc nào
Nguy cơ tái nội chiến ở Syria có thể bùng phát bất cứ lúc nào

Ngày 17/4, Ủy ban đàm phán cấp cao của phe đối lập tuyên bố có thể ngừng các cuộc đàm phán hòa bình ở Geneva, Thụy Sĩ, nếu chính quyền Damascus từ chối đưa ra cam kết về các vấn đề chính trị và nhân đạo.

Lý do thứ nhất mà phe đối lập đưa ra là do các cuộc hòa đàm hầu như không có bước tiến nào về việc tước bỏ quyền lực của Tổng thống Assad. Lý do thứ 2 là chính quyền Syria không tôn trọng cam kết ngừng bắn, khi thực hiện hàng loạt hoạt động quân sự ở tỉnh Aleppo.

Phe đối lập tố cáo, quân đội Syria được không quân Nga hậu thuẫn đã mở một đợt tấn công từ 3 phía vào khu vực phụ cận thành phố Aleppo, đe dọa phá vỡ lệnh ngừng bắn mong manh hiện nay.

Aleppo hiện đang nằm dưới quyền kiểm soát của cả khủng bố al-Nusra lẫn các nhóm đối lập như Quân đội Syria Tự do (FSA), nhóm phiến quân Levant Front, nhóm phiến quân Jaish al-Islam (Quân đội Hồi giáo)... Tuy nhiên, mối quan hệ giữa các nhóm phiến quân và khủng bố là hết sức phức tạp.

Tuy nhiên, Tổng cục trưởng Tổng cục tác chiến thuộc Bộ Tổng tham mưu quân đội Nga, Trung tướng Sergei Rudskoi nói rằng quân đội Syria hiện chưa có kế hoạch tấn công thành phố Aleppo, mà chỉ tấn công nhóm khủng bố al-Nusra ở khu vực ngoại vi.

Ngày 17/4, nhà thương thuyết cấp cao của phe đối lập Syria Mohammed Alloush đã kêu gọi nối lại các vụ tấn công vào các lực lượng chính phủ. Ông này kêu gọi: “Đừng tin vào chính quyền và đừng chờ đợi lòng thương hại của họ. Hãy giết họ ở khắp mọi nơi”.

Mohammed Alloush là một trong những lãnh đạo cấp cao nhất của nhóm nổi dậy Jaish al-Islam (Quân đội Hồi giáo). Nhóm này cũng có lực lượng đồn trú ở Aleppo, nằm trong phạm vi thỏa thuận ngừng bắn, nhưng được cho là có mối quan hệ mật thiết với khủng bố al-Nusra.

Đối lập cương quyết loại bỏ, ông Assad tự tin tại vị đến năm 2017?

Trong một cuộc họp vào cuối ngày 15-4 ở Geneva, ông Staffan de Mistura, đặc phái viên của Liên Hiệp Quốc về Syria, đã đề xuất với phe đối lập tại Syria về việc thành lập một “Chính phủ liên minh”, trong đó Tổng thống Bashar al-Assad tiếp tục tại vị trong giai đoạn chuyển tiếp.

Ngoài ra, ông Mistura cũng đề xuất phe đối lập lựa chọn và bổ nhiệm ba phó tổng thống mới, với đầy đủ quyền lực được chọn từ phe đối lập. Tổng thống Assad sẽ phải chuyển giao một phần quyền hành quân sự và chính trị của mình để họ có thực quyền.

Tuy nhiên, đề xuất này của đặc phái viên Liên Hiệp Quốc đã bị Ủy ban đàm phán tối cao của phe đối lập Syria thẳng thừng bác bỏ. Đại diện phe đối lập tuyên bố, đối với họ, sự ra đi của Tổng thống Assad là điều kiện tiên quyết cho mọi đàm phán, thỏa hiệp.

Phe đối lập tuyên bố không muốn thành lập “Chính phủ liên minh” với chính quyền Tổng thống Syria mà thành lập “Hội đồng chuyển tiếp không Assad”
Phe đối lập tuyên bố không muốn thành lập “Chính phủ liên minh” với chính quyền Tổng thống Syria mà thành lập “Hội đồng chuyển tiếp không Assad”

Phát ngôn viên của HNC - ông Salem al-Meslet tuyên bố, phe đối lập Syria muốn thành lập một “Hội đồng chuyển tiếp quyền lực”, trong đó “không có chỗ cho Assad”. Nếu bổ nhiệm 3 phó Tổng thống thì ông Assad phải chuyển giao “toàn bộ quyền lực” và từ chức.

Trước những căng thẳng trong đàm phán với phe đối lập, Tổng thống Bashar al-Assad thẳng thừng phát biểu trên truyền hình rằng, chủ nghĩa khủng bố có thể huỷ hoại cơ sở hạ tầng tại Syria nhưng không thể phá huỷ cấu trúc xã hội và số phận của quốc gia.

Ông Assad cũng tuyên bố, chính quyền Damascus sẵn sàng tiếp tục tiến hành cuộc đàm phán vì hòa bình ở Syria, nhưng đồng thời khẳng định, quân đội nước này sẽ tiếp tục chiến đấu chống chủ nghĩa khủng bố, cho đến khi nào hoàn toàn giải phóng đất nước.

Ông khẳng định, ông là Tổng thống được nhân dân Syria bầu ra và sẽ chỉ ra đi khi nhân dân nước này muốn thế. Chỉ có nhân dân mới có quyền quyết định sự thay đổi của một chính quyền lãnh đạo đất nước, chứ không phải là những thế lực ngoại bang và tay sai.

Ngay sau cuộc bầu cử quốc hội, Nhà lãnh đạo Syria đã thể hiện sự tự tin khi tuyên bố mời các nghị sĩ Nga làm quan sát viên trong cuộc bầu cử tổng thống vào năm 2017. Đích thân ông Dmitry Sablin, thành viên của Hội đồng Liên bang (Thượng viện Nga) đã xác nhận điều này.

Theo Huy Bình

Đất Việt