1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Sau bài toán Triều Tiên, Tổng thống Trump chuyển hướng sang Trung Quốc

(Dân trí) - Sau 18 tháng coi Triều Tiên là mối đe dọa an ninh hàng đầu, Tổng thống Donald Trump ngày càng chuyển dần sự chú ý sang Trung Quốc và theo đuổi cách tiếp cận cứng rắn hơn với Bắc Kinh.

Chủ tịch Tập Cận Bình đón Tổng thống Donald Trump tại Bắc Kinh năm 2017 (Ảnh: AFP)
Chủ tịch Tập Cận Bình đón Tổng thống Donald Trump tại Bắc Kinh năm 2017 (Ảnh: AFP)

Từ cuộc chiến thương mại có xu hướng leo thang tới việc thông qua ngân sách quốc phòng mới nhằm đối phó với sự bành trướng trên biển của Trung Quốc, chính quyền Donald Trump dường như đang nhắm mục tiêu tới cường quốc Đông Bắc Á và khiến nhiều người tại Trung Quốc tin rằng Washington đang tìm cách kiềm chế sự trỗi dậy của Bắc Kinh.

So với thời điểm năm ngoái khi Tổng thống Trump nỗ lực xây dựng mối quan hệ hòa hảo với “người bạn tốt” - Chủ tịch Tập Cận Bình, giọng điệu của nhà lãnh đạo Mỹ với Trung Quốc ngày càng cứng rắn hơn. Tuần trước, ông Trump đã viện dẫn quân đội Trung Quốc như một lý do để thành lập một “Lực lượng Không gian” mới tại Lầu Năm Góc. Trong bình luận trên Twitter hôm qua 18/8, ông chủ Nhà Trắng tiếp tục đưa Trung Quốc vào “tầm ngắm” liên quan tới nghi vấn can thiệp bầu cử Mỹ.

“Tất cả những gã khờ đang quá tập trung vào việc theo dõi Nga nên bắt đầu nhìn sang một hướng khác, đó là Trung Quốc”, Tổng thống Trump viết, song không đưa ra bằng chứng cụ thể chứng minh sự can thiệp của Trung Quốc.

Theo giới phân tích, sự gia tăng về hành vi công kích là dấu hiệu cho thấy Tổng thống Trump và các cố vấn của ông đang xem Trung Quốc như một thế lực nguy hiểm và là đối thủ trực tiếp mà Mỹ chỉ có thể kiềm chế tầm ảnh hưởng bằng các biện pháp cứng rắn. Ở một mức độ nào đó, các nhà phân tích chính sách đối ngoại Mỹ đều có chung một quan điểm rằng, Chủ tịch Tập Cận Bình đã củng cố được sức mạnh của Trung Quốc và đang theo đuổi một chương trình tham vọng cả về tăng trưởng kinh tế lẫn mở rộng lãnh thổ.

Các nhà phân tích nhận định chính quyền Trump cho đến nay vẫn chưa đưa ra được một chiến lược rõ ràng để giải quyết vấn đề Trung Quốc mặc dù cách tiếp cận của chính quyền hiện thời với Bắc Kinh đã khác xa so với các chính quyền tiền nhiệm. Cựu Tổng thống Barack Obama từng tìm cách hợp tác với Trung Quốc trong nhiều vấn đề toàn cầu quan trọng như thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu hay thỏa thuận hạt nhân Iran. Chính quyền Obama cho rằng đây là cách để kiểm soát sự lớn mạnh của Trung Quốc và để hối thúc Bắc Kinh hành xử có trách nhiệm hơn trong các vấn đề quốc tế.

Tuy nhiên đến thời Tổng thống Trump, ông đã rút Mỹ ra khỏi cả 2 thỏa thuận trên.

“Tôi không nhìn thấy có nhiều vấn đề mà chính quyền (Trump) muốn hợp tác với Trung Quốc. Nỗ lực nhằm tìm ra những lĩnh vực mới mà hai nước có thể có chung lợi ích đã không được tính đến. Tôi nghĩ chính quyền (Trump) đang xem Trung Quốc như một đối thủ, và những nỗ lực đặt ra bây giờ là tập trung vào việc làm thế nào để có một chiến lược cạnh tranh hiệu quả hơn với Trung Quốc”, Bonnie Glaser, nhà phân tích về Trung Quốc tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế tại Washington, nhận định.

Sự quan ngại của chính quyền Trump đối với Trung Quốc đã thể hiện trong phiên họp nội các tại Nhà Trắng hôm 16/8. Trong cuộc thảo luận công khai với phóng viên kéo dài một giờ đồng hồ, Tổng thống Trump cáo buộc Trung Quốc đang nới lỏng sức ép kinh tế với Triều Tiên và đưa quá nhiều thuốc giảm đau có khả năng gây nghiện vào Mỹ.

Các động thái cứng rắn của chính quyền Trump

Ông Trump họp nội các tại Nhà Trắng hôm 16/8 (Ảnh: Reuters)
Ông Trump họp nội các tại Nhà Trắng hôm 16/8 (Ảnh: Reuters)

Các nhà phân tích quân sự đã chỉ trích Tổng thống Trump vì gây ra cuộc chiến thương mại với Trung Quốc khi áp thuế lên các mặt hàng thép và nhôm. Tại cuộc họp nội các, Tổng thống Trump tỏ ra phấn khích khi chứng minh rằng ông đã đúng khi áp thuế với hàng hóa Trung Quốc và mô tả Bắc Kinh như một kẻ thất bại. Ông cũng nhờ cố vấn kinh tế hàng đầu của mình là Larry Kudlow cập nhật về tốc độ tăng trưởng của kinh tế Trung Quốc.

“Nền kinh tế của họ đang xuống dốc. Tôi chỉ muốn nói rằng, hiện tại, nền kinh tế của họ có vẻ tồi tệ”, Kudlow cho biết.

Tổng thống Trump từng có những phát ngôn cứng rắn với Trung Quốc trong chiến dịch tranh cử năm 2016. Tuy nhiên ông đã giảm bớt giọng điệu công kích Bắc Kinh sau khi nhậm chức và mời Chủ tịch Tập Cận Bình tới Mỹ vào mùa xuân năm 2017. Ông Trump cũng tránh không chỉ trích Trung Quốc là “kẻ thao túng tiền tệ” khi nhà lãnh đạo Mỹ muốn tranh thủ Bắc Kinh trong việc gây sức ép với Triều Tiên. Tuy vậy, sau khi thành công trong việc đạt được những cam kết với nhà lãnh đạo Kim Jong-un tại hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều ở Singapore hồi tháng 6, Tổng thống Trump bắt đầu cứng rắn trở lại với Trung Quốc.

Kể từ đầu năm nay, hai nền kinh tế thế giới đã lần lượt áp thuế đối với 35 tỷ USD hàng hóa của nhau và việc áp thuế với 16 tỷ USD hàng hóa tiếp theo sẽ có hiệu lực từ tuần này. Ông Trump thậm chí cảnh báo sẽ áp thuế với toàn bộ hàng hóa Trung Quốc được nhập khẩu vào Mỹ.

“Chính quyền Trump đang tìm cách tấn công liên hoàn bằng cách đưa ra những lời đe dọa và đòi hỏi (Trung Quốc) đầu hàng vô điều kiện. Người Trung Quốc nói với tôi rằng họ đã thấy rất rõ sự liên quan giữa những đòn tấn công về thương mại với những nội dung được thể hiện trong Chiến lược An ninh Quốc gia cũng như những tài liệu khác (của Mỹ), trong đó mô tả Trung Quốc là một kẻ thù (của Mỹ)”, Daniel Russel, nhà phân tích tại Viện Xã Hội châu Á và là cố vấn chính sách châu Á cấp cao dưới thời chính quyền Obama, nhận định.

Trong Chiến lược An ninh Quốc gia được công bố tháng 12 năm ngoái, Mỹ đã gọi Trung Quốc là “cường quốc theo chủ nghĩa xét lại” đang tìm cách thay thế sự lãnh đạo của Mỹ ở châu Á và mở rộng quy mô của mô hình kinh tế “theo định hướng nhà nước”.

Mặc dù có giọng điệu cứng rắn với Trung Quốc, song chính quyền Trump vẫn chưa đưa ra một chiến lược rõ ràng để kiềm chế tầm ảnh hưởng của Bắc Kinh.

Việc ông Trump rút Mỹ khỏi hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), hiệp định gồm 12 nền kinh tế thành viên từng được chính quyền Obama xem là đối trọng với Trung Quốc, khiến nhiều nước trong khu vực cảm thấy bất an về cam kết của chính quyền Mỹ với khu vực.

Cuối tháng trước, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã thông báo kế hoạch đầu tư 113 triệu USD vào các lĩnh vực năng lượng, cơ sở hạ tầng và thương mại số như một phần quan trọng trong chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương của Mỹ. Khoản đầu tư này được cho là không thấm vào đâu so với Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc với tham vọng đầu tư hàng chục tỷ USD vào các dự án cơ sở hạ tầng tại nhiều nước.

Thành Đạt

Theo Washington Post