1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Rào cản ngôn ngữ trên con đường thống nhất bán đảo Triều Tiên

(Dân trí) - Mặc dù cùng nói chung một thứ tiếng, song sự chia rẽ suốt hàng chục năm qua khiến người Hàn Quốc và Triều Tiên vẫn không hiểu hết ý nghĩa câu nói của nhau trong giao tiếp thông thường.

Thân nhân 2 miền Triều Tiên rơi nước mắt trong ngày đoàn tụ gia đình tổ chức vào năm 2015. (Ảnh: Yonhap)
Thân nhân 2 miền Triều Tiên rơi nước mắt trong ngày đoàn tụ gia đình tổ chức vào năm 2015. (Ảnh: Yonhap)

Khi doanh nhân Hàn Quốc Kim Yong-tae làm việc với người Triều Tiên tại Khu công nghiệp Kaesong trước khi cơ sở này bị đóng cửa vào năm 2016, một trong những thách thức lớn nhất là giao tiếp với nhau dù cả hai quốc gia trên bán đảo Triều Tiên đều nói chung một thứ tiếng.

“Nhiều lúc bị khó xử vì có những cụm từ tôi chưa bao giờ được nghe trong thời gian sinh sống và làm việc tại Hàn Quốc”, ông Kim nói.

Kim Yong-tae vẫn nhớ lại những ánh mắt vô cảm của các công nhân Triều Tiên khi ông sử dụng từ “container”, một từ phát âm giống tiếng Anh được người Hàn Quốc sử dụng trong giao tiếp.

Trong bối cảnh người Hàn Quốc ngày càng sử dụng nhiều từ vay mượn của nước ngoài còn Triều Tiên đặt nặng vấn đề nhạy cảm chính trị đối với một số từ ngữ nhất định, rào cản về ngôn ngữ ngày càng tăng đã làm phức tạp thêm mối quan hệ hợp tác kinh tế và trao đổi văn hóa giữa hai nước, mặc dù hai quốc gia láng giềng đã cải thiện quan hệ song phương trong thời gian gần đây.

Theo Reuters, để đối phó với tình trạng bất đồng ngôn ngữ và thúc đẩy sự đoàn kết giữa hai miền Triều Tiên, chính phủ Hàn Quốc đã chuẩn bị khởi động một dự án chuyên môn nhằm phát triển một từ điển ngôn ngữ chung trên bán đảo Triều Tiên.

Cả Triều Tiên và Hàn Quốc đều nói cùng một thứ tiếng dựa trên bảng chữ cái Hangeul. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, sau nhiều thập niên chia cắt, người dân hai nước chỉ hiểu được 70% số từ vựng của nhau.

Cả Triều Tiên và Hàn Quốc đều mong muốn đạt được mục tiêu tái thống nhất. Tuy nhiên, do mỗi bên đều lựa chọn phát triển theo một hướng hoàn toàn khác biệt nên giấc mơ thống nhất dường như vẫn còn xa vời.

Chính quyền Triều Tiên cho đến nay vẫn kiểm soát chặt chẽ nền kinh tế của nước này. Điều đó đồng nghĩa với việc nhiều người Triều Tiên sẽ không quen với những thuật ngữ về kinh tế và thương mại trong hệ thống tư bản chủ nghĩa tại Hàn Quốc.

“Vô gia cư, tiền thuê nhà trả theo năm hay theo tháng: Người Triều Tiên không biết đến những khái niệm này bởi mọi thứ (ở Triều Tiên) đều thuộc quyền sở hữu của nhà nước”, Kim Wanseo, người Hàn Quốc làm việc cho ủy ban biên soạn từ điển chung với Triều Tiên, cho biết.

“Khi nhắc đến những cụm từ chung, nếu tôi nói 10 từ thì sẽ có 7 từ người dân hai bên đều hiểu. Tuy nhiên, nếu sử dụng biệt ngữ hoặc cụm từ kỹ thuật, sẽ có sự khác biệt rất lớn giữa hai nước”, Kim Wanseo, nhà biên soạn từ điển, nói thêm.

Theo Kim Young-hee, người Triều Tiên đào tẩu tới Hàn Quốc hồi năm 2002, cô đã phải học nhiều cụm từ về tài chính mà không tồn tại ở Triều Tiên, bao gồm những từ về cổ phiếu và cổ phần.

Rào cản trên con đường thống nhất

Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in (phải) bắt tay nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tại thượng đỉnh liên Triều hồi tháng 4 (Ảnh: Reuters)
Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in (phải) bắt tay nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tại thượng đỉnh liên Triều hồi tháng 4 (Ảnh: Reuters)

Sự cô lập về chính trị và văn hóa của Triều Tiên đồng nghĩa với việc người Triều Tiên sử dụng ít từ mượn tiếng Anh hơn so với người Hàn Quốc. Thực tế này đã thể hiện rất rõ khi các vận động viên Triều Tiên và Hàn Quốc cùng nhau thi đấu trong đội tuyển khúc côn cầu chung tại Thế vận hội mùa Đông hồi tháng 2.

“Chỉ có 2 từ mà cả hai bên đều hiểu là “giày trượt” và “đĩa chơi khúc côn cầu”. Chúng tôi phải dàn xếp với nhau trước khi các buổi tập bắt đầu. Thậm chí chúng tôi còn in danh sách các từ khác nhau giữa hai nước và dán chúng lên tủ chứa đồ của các vận động viên”, Kim Jung-min, phát ngôn viên của Hiệp hội Khúc Côn cầu Hàn Quốc, cho biết.

Sau hội nghị thượng đỉnh giữa Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un hồi tháng 4, hai quốc gia đã khởi động một loạt dự án hợp tác chung.

Ngoài dự án từ điển chung, vốn được khởi động từ năm 2006 nhưng đã tạm dừng từ năm 2015 do các căng thẳng chính trị, các dự án khác cũng đang được thảo luận, bao gồm dự án khảo cổ khai quật một cung điện ở Triều Tiên, các chương trình biểu diễn của đoàn nghệ thuật Triều Tiên tại Hàn Quốc, các dự án kiểm soát sâu bệnh tại Triều Tiên và hàng loạt sự kiện thể thao. Trong một động thái nhằm thể hiện sự thống nhất liên Triều, Triều Tiên đã điều chỉnh múi giờ nhanh hơn 30 phút để thống nhất với Hàn Quốc.

Bộ Thống nhất Hàn Quốc cho biết việc bảo tồn và thống nhất một ngôn ngữ chung là cần thiết để chuẩn bị cho sự thống nhất cuối cùng giữa hai miền Triều Tiên. Tuy nhiên, sự khác biệt về chính trị có thể gây ra những khó khăn và các cuộc thảo luận về từ điển chung trước đây giữa Hàn Quốc và Triều Tiên từng gặp phải những cụm từ bị cho là nhạy cảm.

Ví dụ, các tác giả của nhóm soạn thảo từ điển chung buộc phải tránh từ dùng để chỉ “ông ấy” vì người Triều Tiên thường dùng từ này để nói về các nhà lãnh đạo. Ngoài ra, theo ông Kim Wanseo, các ví dụ nêu trong từ điển cũng không được nhắc đến Mỹ.

Những người soạn từ điển chung Hàn - Triều cũng từng tranh cãi với nhau về từ “dong-mu”. Tại Hàn Quốc, từ này có nghĩa là bạn bè thời thơ ấu. Trong khi đó tại Triều Tiên, từ này chỉ những người đồng chí từng tham gia cách mạng xã hội chủ nghĩa với nhau. Rốt cuộc, hai bên đã phải thương lượng để chọn ra nghĩa “công bằng” nhất cho từ “dong-mu”, đó là “những người cùng nỗ lực vì mục tiêu chung”.

Một từ gây tranh cãi khác giữa Hàn Quốc và Triều Tiên là “sal-ji-da”. Trong khi người Hàn Quốc sử dụng từ này để nói ai đó đã “tăng cân”, người Triều Tiên dùng “sal-ji-da” trong bối cảnh nói về sự xúc phạm và thường “dùng cho động vật”.

Thành Đạt

Tổng hợp