1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

"Quốc đảo sư tử" ghi dấu ấn trong thượng đỉnh lịch sử Trump - Kim

(Dân trí) - Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên cuối cùng sẽ diễn ra sau hàng loạt những nỗ lực và thiện chí của đôi bên. Tại hội nghị này, vai trò của Singapore là không thể phủ nhận, khi quốc gia này đã cố gắng liên lạc với các bên để bảo đảm cơ hội lịch sử không bị bỏ lỡ.


Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un (Ảnh: Mediacorp)

Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un (Ảnh: Mediacorp)

Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên sẽ bắt đầu lúc 9 giờ sáng nay tại Singapore (giờ địa phương, tức 8 giờ sáng giờ Việt Nam). Đây là cuộc gặp trực tiếp đầu tiên giữa một tổng thống Mỹ đương nhiệm và một nhà lãnh đạo Triều Tiên. Dân trí sẽ tường thuật sự kiện này trong ít phút nữa.

Lần đầu tiên trong lịch sử, một Tổng thống Mỹ đương nhiệm và một nhà lãnh đạo Triều Tiên sẽ gặp nhau trực tiếp tại Singapore. Chỉ cách đây 2 tháng, hội nghị thượng đỉnh liên Triều đánh dấu lần đầu tiên nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un sang Hàn Quốc tham dự. Vì vậy, cả thế giới đang chờ đợi xem cuộc gặp Mỹ - Triều có tiếp tục phát đi những thông tin tươi sáng cho hoà bình và ổn định của khu vực và thế giới hay không.

Để chuẩn bị cho sự kiện quan trọng này, cả Mỹ lẫn Triều Tiên đều đánh giá cao khả năng tổ chức của nước chủ nhà Singapore - một trong số ít những quốc gia trên thế giới có quan hệ ngoại giao với cả Washington lẫn Bình Nhưỡng. Trong những ngày qua, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long đã đích thân đi kiểm tra những địa điểm liên quan tới hội nghị, sau đó ông cũng có các cuộc gặp riêng rẽ với nhà lãnh đạo Triều Tiên và Tổng thống Mỹ. Rõ ràng, Singapore đang rất nỗ lực để bảo đảm thành công của hội nghị, qua đó quảng bá mạnh mẽ hơn nữa hình ảnh quốc gia.

Quá trình chuẩn bị cho hội nghị đã được quan chức của hai nước khẩn trương triển khai trong thời gian qua, bên cạnh việc liên hệ trực tiếp với giới chức nước chủ nhà Singapore. Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis đã gửi lời cám ơn những nỗ lực tổ chức của Singapore trong các cuộc gặp với những người đồng cấp nước này mới đây.

Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Singapore Ng Eng Hen cho biết quan chức của cả Triều Tiên và Mỹ đều bình luận rằng, nếu không có sự hỗ trợ của Singapore, quá trình chuẩn bị cho hội nghị sẽ "không đạt được những tiến triển rõ rệt tới vậy". Mặt khác, Ngoại trưởng Singapore Vivian Balakrishnan cũng cho biết Singapore rất "vui vì có thể đóng góp một phần cho hòa bình của thế giới" trong chuyến công du Mỹ hồi tuần trước để chuẩn bị cho hội nghị.

Cơ hội ghi tên mình vào lịch sử

Khách sạn Capella trên đảo Sentosa được chọn làm nơi diễn ra thượng đỉnh Mỹ - Triều (Ảnh: Reuters)
Khách sạn Capella trên đảo Sentosa được chọn làm nơi diễn ra thượng đỉnh Mỹ - Triều (Ảnh: Reuters)

Trước khi chào đón nhà lãnh đạo Mỹ và Triều Tiên, Thủ tướng Lý Hiển Long đã nhiều lần đề cập tới cơ hội lịch sử đang chờ đợi Singapore. Phát biểu trong cuộc họp báo hôm 10/6, Thủ tướng Lý Hiển Long cho biết: "Sự thực là Singapore không đề xuất tổ chức, hai nước Mỹ và Triều Tiên đã chọn Singapore để tổ chức. Họ đánh giá quan hệ của Singapore với nước còn lại và quan điểm của chúng tôi về các vấn đề quốc tế".

Khi các sự kiện lịch sử được tổ chức, những nơi đăng cai cũng sẽ "ghi tên mình và lịch sử". Trong quá khứ, đã có nhiều thủ đô hay địa điểm trở thành biểu tượng khi diễn ra những cuộc gặp hay hội họp quan trọng. Có thể nhắc tới ở đây như Hiệp ước Versailles chấm dứt Thế chiến I được ký ở thành phố Versailles (Pháp), Hội nghị Potsdam về Thế chiến II ở thành phố Potsdam (Đức) hay Thoả thuận Bretton Woods (Mỹ) về việc xây dựng hệ thống tài chính toàn cầu. Mới đây, thoả thuận về biến đổi khí hậu lịch sử tại Paris (Pháp) cũng đã được gọi là Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu.

Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều là sự kiện thu hút sự chú ý của truyền thông và dư luận quốc tế. Khi đó, mọi trang báo sẽ tập trung vào những sự kiện liên tục tại Singapore - một cơ hội đặc biệt của quốc gia này. Chuyên gia về quan hệ quốc tế Bubbhindar Singh nói Chanel News Asia rằng: "Việc lựa chọn Singapore đã nói lên nhiều điều. Đó là quốc gia có quan điểm trung lập, rõ ràng và minh bạch, được hai nước tin cậy để tổ chức một sự kiện quan trọng như vậy".

Lâu này, Singapore được biết tới là quốc gia tiến bộ ở châu Á, với hệ thống hạ tầng cơ sở hiện đại, một chính phủ hoạt động minh bạch và hiệu quả. Dù chưa biết hội nghị ngày mai sẽ diễn biến ra sao, mang lại điều gì cho 2 bên Mỹ và Triều Tiên, nhưng cả thế giới đang mong đợi một kết quả tích cực và có khả năng là Tuyên bố chung Singapore được đưa ra sau đó. Hôm nay, 12/6, cả thế giới hướng về Singapore đễ dõi theo một sự kiện lịch sử.

Ngọc Anh

Theo CNA