1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Quân đội Libya rút khỏi thành phố lớn thứ ba, Mỹ thừa nhận "bế tắc"

(Dân trí) - Quân đội Libya sẽ rút khỏi Misrata và để các bộ lạc địa phương giải quyết cuộc xung đột ở thành phố lớn thứ ba nước này bằng đối thoại hoặc bằng vũ lực, trong khi quan chức quân sự cấp cao của Mỹ thừa nhận chiến dịch tại Libya "đang bế tắc".

Quân đội Libya rút khỏi thành phố lớn thứ ba, Mỹ thừa nhận "bế tắc" - 1
Một lính nổi dậy Libya canh gác trên đường phố ở Misrata, miền tây Libya.
 
“Tình hình tại Misrata sẽ do các bộ lạc quanh thành phố và người dân Misrata tự giải quyết, chứ không phải quân đội Libya”, ông Khaled Kaim cho biết với báo giới. “Chúng tôi sẽ để cho các bộ lạc quanh Misrata và người dân Misrata đối phó với tình hình, bằng đàm phán hoặc bằng vũ lực”.

Ông Kaim cho hay quân đội đã được ra “tối hậu thư” để ngăn chặn phe nổi dậy ở thành phố miền tây, cách đông thủ đô Tripoli 200km này. “Đã có tối hậu thư cho quân đội Libya: Nếu họ không thể giải quyết được vấn đề ở Misrata, thì sau đó người từ các thành phố lân cận Zliten, Tarhuna, Bani Walid Tawargha sẽ tới và họ sẽ nói chuyện với quân nổi dậy. Nếu quân nổi dậy không đầu hàng, họ sẽ chiến đấu”.

Nhiều tuần nay tại Misrata đã diễn ra các cuộc giao tranh ác liệt giữa quân nổi dậy và lực lượng trung thành với nhà lãnh đạo Gadhafi.

“Hàng trăm ngàn người ở Misrata đã bị mắc kẹt trong cuộc giao tranh kéo dài bảy tuần này”, Hội chữ thập đỏ quốc tế (ICRC) cho hay.

Cũng theo ông Kaim, chính quyền Tổng thống Mỹ Obama đã quyết định cử máy bay ném bom không người lái tới Libya “để giết hại người dân”, cáo buộc Washington phạm “tội ác mới chống lại loài người”, sau khi đã phạm tội ác ở Iraq và Afghanistan.

Ông Obama đã cho phép chiến đấu cơ không người lái mang theo tên lửa tới Libya “do tình trạng nhân đạo” ở đây, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates hôm thứ năm vừa qua cho hay. Song ông cho rằng động thái là “đóng góp khiêm tốn” so với nỗ lực của liên quân tại Libya.

Còn quan chức quân sự cấp cao của Mỹ, Đô đốc Mike Mullen, cho hay cuộc chiến ở Libya “đang tiến tới bế tắc” mặc dù các cuộc không kích của NATO và Mỹ đã phá hủy được 30-40% lực lượng trên mặt đất của Libya.

 

Lực lượng nổi dậy Libya đã chiến đấu với quân của ông Gadhafi từ tháng 2 song gần đây không đạt được tiến triển là bao.

 

Ông Mullen cũng cho biết không có dấu hiệu có sự hiện diện của al-Qaeda trong phe nổi dậy Libya.
 
Thứ trưởng Ngoại giao Libya cũng lên án chuyến công du thành trì của phe nổi dậy ở Benghazi của thượng nghị sỹ Mỹ John McCain, cho rằng Hội đồng quốc gia lâm thời (NTC) không đại diện cho người dân Libya và “không có quyền lực trên mặt đất”.

Thượng nghị sỹ đảng Cộng hòa John McCain, người đã bị thua trước Obama trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng năm 20008, trước đó đã nói chuyện với các lãnh đạo TNC, kêu gọi cộng đồng quốc tế trang bị vũ khí và công nhận nhóm này là “tiếng nói hợp pháp” của người dân Libya.

Trong khi đó vào cuối ngày thứ sáu, NATO đã tiến hành các cuộc không kích mới nhằm vào Tripoli. Nhiều máy bay quần đảo bầu trời thủ đô Libya và nhiều tiếng nổ vang lên.

Trước đó, hãng thông tấn JANA của Libya cho hay 2 người đã thiệt mạng trong các cuộc không kích của NATO vào cuối ngày thứ sáu tại vùng Zenten, tây nam Tripoli, nơi giao tranh giữa quân nổi dậy và lực lượng chính phủ diễn ra ác liệt.
 
Quân đội Libya rút khỏi thành phố lớn thứ ba, Mỹ thừa nhận "bế tắc" - 2

Phan Anh

Theo AFP