1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024
  4. Chiến sự Israel - Hamas

Putin cực hứng thú với "món quà" quí từ EU

EU được cho là đã gửi “món quà” đối với Tổng thống Nga Vladimir Putin cả về đối nội và đối ngoại. Ông sẽ có đủ khôn khéo để đón nhận món quà này theo hướng có lợi cho Moscow.

Tổng thống Nga Vadimir Putin có thể công khai bày tỏ lo ngại về các thách của một cuộc “ly hôn” giữa Anh và Liên minh châu Âu (EU), nhưng Brexit lại là một cơ hội thực sự đối với Nga. Trước mắt, Tổng thống Nga sẽ khai thác tình huống này theo ba cách.

Thứ nhất, Brexit là một chiến thắng đối nội của ông Putin, làm gia tăng sự ủng hộ trong nước đối với ông. Kể từ khi người Anh bỏ phiếu rời EU ngày 23/6, cỗ máy PR của Điện Kremlin đã tập trung vào vai trò lãnh đạo mạnh mẽ của ông Putin và khả năng Nga chịu đựng các lệnh trừng phạt kinh tế nặng nề của phương Tây trong bối cảnh giá dầu sụt giảm mạnh thời gian qua. Đối với ông Putin, nước Nga sẽ chống chọi được các thách thức trong khi châu Âu dường như sẽ đổ vỡ.

Ảnh minh họa: express.co.uk
Ảnh minh họa: express.co.uk

Thứ hai, về đối ngoại, Brexit cũng làm gia tăng chính sách đối ngoại “chia rẽ và chinh phục” của nhà lãnh đạo Nga. Kết quả bỏ phiếu ngày 23/6 đã buộc Thủ tướng Anh David Cameron từ chức. Ông này là người chỉ trích mạnh mẽ Tổng thống Nga và từng cảnh báo hồi tháng 5 vừa qua rằng ông Putin sẽ “hạnh phúc” với Brexit và một EU yếu đi. Giờ thì ông ấy đã đúng, và Tổng thống Nga đã tỏ rõ sự sẵn sàng cho cái mà ông gọi là “cuộc đối thoại mang tính xây dựng” với bà Theresa May, người thay thế ông Cameron.

Bất chấp các thách thức kinh tế rõ ràng gắn với một EU sa lầy trong khủng hoảng, không nghi ngờ gì nữa Nga sẽ tận dụng cơ hội này để tăng cường quan hệ kinh tế song phương với các nước châu Âu, đặc biệt là trong lĩnh vực năng lượng. Brexit báo trước sự ra đi của một cường quốc khỏi EU, sự kiện chắc chắn sẽ làm giảm quyền lực thực của liên minh này.

Vương quốc Anh là một trong những nước EU lớn tiếng phản đối Dòng chảy phương Bắc 2, một đường ống dẫn dầu qua biển Baltic, và “cú sốc” Brexit chắc chắn sẽ tác động nghiêm trọng đến lịch trình an ninh năng lương của EU. Khi không còn sự phản đối của Anh, sự ủng hộ của Berlin đối với dự án này sẽ gặp phải ít sự chống cự hơn ở Brussels. Vì vậy, Brexit đã dỡ bỏ một chướng ngại đáng kể trong quan hệ năng lượng giữa Nga và EU.

Việc Anh rời EU cũng báo hiệu sự yếu đi của các thể chế phương Tây và đặt câu hỏi về tương lai của các thể chế này, bao gồm cả NATO. Bên cạnh đó, sự ủng hộ của ứng cử viên tổng thống Mỹ Donald Trump đối với Brexit và thiện chí mà ông dành cho Putin dường như đồng nghĩa với việc mọi chuyện sẽ tiếp tục tốt đẹp hơn trong quan hệ giữa ông Putin và phương Tây.

Thứ ba, xét về các lệnh trừng phạt, Brexit có thể là một chiến thắng lớn đối với nước Nga của ông Putin. Vương quốc Anh là một trong những nước EU ủng hộ mạnh mẽ nhất việc trừng phạt Nga vì cuộc khủng hoảng Ukraine và việc Nga sáp nhập Crimea năm 2014. Ngay cả trước khi Brexit, cam kết của EU trong việc trừng phạt Nga cũng đã bắt đầu lung lay. Đối với Brussels, trọng tâm hiện sẽ chuyển sang việc giảm thiểu “hiệu ứng domino” hậu Brexit và ngăn cản sự đổ vỡ của dự án EU. Điều này có nghĩa là chẳng còn thời gian nào cho việc duy trì trừng phạt Nga, nhất là khi vấn đề này vốn đã là chuyện rất gây chia rẽ trong EU.

Thay vào đó, trong lòng EU, đã có sự thúc đẩy trở lại quan hệ kinh doanh như trước đây với nước Nga của ông Putin. Đầu năm nay, các lệnh trừng phạt đã bị gia hạn thêm 6 tháng, cho tới tháng 1/2017. Tuy nhiên, một số nước EU đã tìm cách bảo vệ các khả năng sửa chữa quan hệ với Nga và đã bắt đầu nỗ lực khôi phục các quan hệ kinh tế và ngoại giao trong thời gian sớm nhất.

Ví dụ, tháng 4 vừa qua, Quốc hội Pháp đã thông qua một nghị quyết dỡ bỏ các trừng phạt của EU chống lại Nga. Đối với Pháp, các lệnh trừng phạt – hiện đã kéo dài 29 tháng – rõ ràng không hiệu quả. Đa số nghị sĩ Pháp cho rằng các trừng phạt này gây nguy hiểm cho nền kinh tế nước nhà. Và Pháp không phải là nước duy nhất nghĩ như vậy.

Với Brexit, Nga tự giải thoát mình khỏi cái miệng lớn tiếng nhất trong việc trừng phạt của EU, và Moscow có khả năng “dỗ ngọt” Đông Âu từ bỏ trừng phạt. Vì giờ đây Brussels phải dồn thời gian và sức lực cho việc khác, nhiều khả năng các thế lực chống trừng phạt trong EU sẽ thắng.

Thành quả lớn nhất của ông Putin là “hiệu ứng domino” của Brexit: khả năng Áo, Phần Lan, Pháp và Hungary cũng sẽ theo gương Anh “rũ áo” ra đi. Sự “tan thành mây khói” của gần 70 năm hội nhập EU sẽ được ông Putin hoan nghênh và sẽ đặt NATO cũng nhw các thể chế khác “vào vòng nguy hiểm”. Chỉ vài giờ sau cuộc bỏ phiếu định mệnh Brexit, các nước EU khác đã tỏ rõ mong muốn noi gương. Một loạt nước đã kêu gọi tổ chức các cuộc trưng cầu dân ý tương tự. Các lực lượng dân tộc chủ nghĩa hùng mạnh ở Pháp đang tìm kiếm “quyền lựa chọn”. Tương tự, các lực lượng dân tộc chủ nghĩa ở Hà Lan cũng đang gây sức ép để tiến hành trưng cầu. Liên đoàn phương Bắc ở Italy cũng kêu gọi một cuộc bỏ phiếu.

Thời gian sẽ cho thấy tác động thực sự của “cú sốc” Brexit đối với dự án EU, nhưng ít nhất trong ngắn hạn, EU đang chia rẽ. Và ông Putin sẽ tìm cách khai thác sự chia rẽ này, “nhử” bằng các hợp đồng thương mại và an ninh.

Việc Vương quốc Anh rời EU là sự kiện chưa từng xảy ra và sẽ cần một quá trình mất thời gian, do đó cũng đặt các quan hệ địa chính trị và địa kinh tế trong tình trạng “u minh” một thời gian. Cũng như nhiều lãnh đạo trên thế giới, ông Putin sẽ chuẩn bị cho điều sắp xảy ra. Hiện chúng ta không biết EU sẽ đối mặt với các thách thức phía trước như thế nào, nhưng có thể chắc chắn rằng nhà lãnh đạo Nga có đủ khôn khéo để tận dụng tình thế này theo hướng có lợi cho Moscow.

Theo Thảo Linh

Vietnamnet