1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Putin: “Châu Âu nên độc lập, vì lợi ích của chính mình”

(Dân trí) - "Sẽ tốt hơn rất nhiều nếu châu Âu tỏ ra độc lập, chủ quyền và tự bảo vệ lợi ích của chính mình - lợi ích của người dân và cả đất nước của họ, RT dẫn lời Tổng thống Putin hôm qua trả lời phỏng vấn của kênh truyền hình RTS".

55b6d1cfc4618877768b45ce-copy-d9480
Tổng thống Nga Vladimir Putin. (Ảnh:RT)

Người đứng đầu điện Kremlin cũng nói thêm rằng ông hy vọng một cuộc chiến tranh mới tại châu Âu là điều sẽ không cần phải tính đến.

Bình luận về tình hình châu Âu hiện nay, nhà lãnh đạo Nga Putin cho rằng khi tham gia vào bất kỳ một tổ chức hay khối liên minh quân sự chính trị nào, các nước chắc chắn sẽ mất đi một phần nào đó chủ quyền riêng của mình.

Ông Putin cũng lưu ý rằng: “Pháp từng rút khỏi NATO để bảo vệ chủ quyền của mình, giúp đảm bảo lợi ích riêng ở mức độ cao nhất - điều mà nếu đứng trong khối liên minh, Paris sẽ không thể làm được”.

Pháp từng rút khỏi khối liên minh quân sự NATO từ những năm 1960 và mới quay lại khối này từ năm 2009.

Tổng thống Nga nhấn mạnh: “Chúng ta sẽ không phân tích chính sách đối ngoại của các quốc gia châu Âu, bởi đó không phải là chuyện của mình. Nhưng cần thừa nhận rằng, nếu phải bàn đến các vấn đề châu Âu với các đối tác châu Âu tại Washington, thì đó cũng chẳng phải chuyện tốt lành”.

Ông Putin đồng thời vạch rõ Washington đã và đang tiếp tục theo đuổi chính sách đế quốc từ lâu. Nhà lãnh đạo Nga dẫn ý kiến của một nhà phân tích chính trị Mỹ cho rằng “chính chính sách này đang làm hại nước Mỹ”

Vị Tổng thống đầy kinh nghiệm của Nga một lần nữa khẳng định Mátxcơva hoàn toàn không theo đuổi lập trường chống Mỹ, ngược lại “Nga tôn trọng và yêu mến nước Mỹ, nhất là những người dân Mỹ” - Ông Putin nói.

Gần đây quan hệ giữa Nga với Mỹ và châu Âu đang giảm sút trầm trọng. Phương Tây cáo buộc Nga có liên quan tới cuộc khủng hoảng ở Ukraine và áp đặt hàng loạt các biện pháp trừng phạt nghiệt ngã.

Từ phía Nga cũng có nhiều động thái đáp trả. Ông chủ điện Kremlin Vladimir Putin ngày 24/7 đã đồng ý cho phép tiêu hủy các sản phẩm nhập khẩu từ các quốc gia châu Âu trong diện bị trả đũa do đã áp đặt các lệnh trừng phạt Nga.

Các cuộc tập trận chung của Mỹ và đồng minh NATO sát biên giới Nga, hay các chuyến bay quân sự của Nga gần không phận châu Âu cũng khiến mối quan hệ đông-tây ngày càng xấu đi.

Tổng thống Putin ngày 26/7 đã phê chuẩn học thuyết hàng hải phiên bản mới của Nga, trong đó kêu gọi duy trì sự hiện diện mạnh mẽ của Nga ở Đại Tây Dương và Bắc Cực, đồng thời chỉ trích xu hướng mở rộng về phía đông của NATO.

Thoa Phạm

Theo RT

thegioi-137f0