1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Phó chủ tịch Trung Quốc tiếp Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ

(Dân trí) - Phó chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hôm nay 19/9 đã tiếp đón quan chức nước ngoài đầu tiên sau gần 2 tuần ông không xuất hiện trước công chúng. Ông Tập cho biết với Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ rằng ông muốn tăng cường quan hệ quân sự với Mỹ.

 
Phó chủ tịch Trung Quốc gặp Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Panetta bắt tay Phó chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trước cuộc họp tại Đại lễ đường nhân dân ngày 19/9.

Việc Phó chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình không xuất hiện trước công chúng đã làm dấy lên tin đồn ông bị ốm hoặc thậm chí còn có những tin đồn tồi tệ hơn, ngay trước thềm Đại hội đảng vào tháng 10 tới, nơi ông được dự đoán sẽ được bầu làm tổng bí thư.

 

“Tôi tin rằng chuyến thăm của ông sẽ rất hữu ích trong việc thúc đẩy mối quan hệ giữa hai nhà nước và hai quân đội của hai nước chúng ta”, ông Tập cho biết với ông Panetta trong lễ đón tiếp tại Đại lễ đường nhân dân ở Bắc Kinh.

 

Chuyến thăm của ông Panetta diễn ra vào thời điểm khó khăn cho Trung Quốc, khi tranh chấp lãnh hải với Nhật trên quần đảo Senkaku/Điếu Ngư leo thang ở Hoa Đông. Tranh chấp đã kích động các cuộc biểu tình chống Nhật rộng khắp Trung Quốc trong vòng vài ngày qua.

 

Giới phê bình ở Trung Quốc cho rằng việc Mỹ chuyển trục xoay chiến lược của họ về khu vực châu Á -Thái Bình Dương đã khuyến khích các nước như Nhật Bản cứng rắn hơn khi đối đầu với Bắc Kinh.

 

Tuy nhiên, phát biểu với các học viên sỹ quan ở một học viện quân đội Trung Quốc sau đó, ông Panetta đã tìm cách thuyết phục Bắc Kinh việc chuyển trục xoay của họ không nhằm vào Trung Quốc. Bộ trưởng Panetta cho hay Mỹ mở rộng lá chắn tên lửa ở châu Á là nhằm vào Triều Tiên và mối quan hệ quân sự ngày càng được thắt chặt của Mỹ với các đồng minh trong khu vực là củng cố hệ thống an ninh đã từng giúp Trung Quốc hưng thịnh.

 

“Việc chúng tôi tái cân bằng tới khu vực châu Á –Thái Bình Dương không nhằm kiềm tỏa Trung Quốc”, ông cho hay. “Đó là nhằm khuyến khích Trung Quốc và mở rộng vai trò của mình ở Thái Bình Dương. Nó nhằm tạo ra một hình mẫu mới trong mối quan hệ giữa hai cường quốc Thái Bình Dương”. Đây cũng là thông điệp người đứng đầu Lầu Năm Góc chuyển tải trong các cuộc gặp với lãnh đạo quân sự và chính trị Trung Quốc trước đó trong khuôn khổ chuyến công du Bắc Kinh 3 ngày.

 

“Không dễ thuyết phục”

 

Tuy nhiên thông điệp rất khó có thể  thuyết phục đối với khán giả đầy hoài nghi của Trung Quốc, vốn lo ngại về hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ tại Nhật, mối quan hệ quân sự ngày càng mở rộng với Philippines rồi nghi ngờ Washington muốn tiếp cận Vịnh Cam Ranh của Việt Nam.

 

 

“Người Trung Quốc không tin. Họ không bị thuyết phục”, Bonnie Glaser, một nhà phân tích về Trung Quốc tại Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế tại Washington cho hay.

 

“Hơn nữa họ xem Mỹ như là nước khuyến khích các nước khác như Nhật, Philippines, Việt Nam, những nước có tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc, đối đầu trực tiếp với Bắc Kinh”, bà cho hay.

 

Mặc dù ông Panetta khẳng định Mỹ không đứng về phía bên nào trong các cuộc tranh chấp lãnh thổ giữa Nhật và Trung nhưng lại thừa nhận Mỹ có trách nhiệm bảo vệ trong trường hợp xảy ra một cuộc tấn công ở Nhật.

 

Theo ông Panetta, Washington và Bắc Kinh không phải lúc nào cũng nhất trí trên các vấn đề, nhưng điều quan trọng là nhìn vượt lên trên bất đồng để tới những lĩnh vực mà họ có thể hợp tác cùng nhau.

 

Và để làm được điều đó, ông Panetta cho rằng Mỹ và Trung Quốc cần tập trung xây dựng niềm tin và sự hiểu biết giữa hai quân đội, bằng cách củng cố chất lượng cũng như nhịp độ của các cuộc đối thoại và trao đổi. Ông viện dẫn cuộc chiến chống khủng bố, phản ứng với thảm họa tự nhiên, đảm bảo an ninh hàng hải và ngăn chặn phổ biến vũ khí giết người hàng loạt, cướp biển, buôn lậu ma túy là những lĩnh vực mà quân đội hai nước có thể hợp tác để cùng có lợi.

 

Phan Anh

Theo AP