1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024
  4. Chiến sự Israel - Hamas

Philippines kiện Trung Quốc ra toà: Kiếm cớ hay tạo cớ?

(Dân trí) - Việc Philippines quyết tâm tạo sự răn đe chiến lược ở Biển Đông trên cả ba phương diện pháp lý, ngoại giao và quân sự đang đặt khu vực trước hai ngả rẽ, hoặc sẽ là cú hích đẩy nhanh tiến trình thảo luận COC, hoặc ngược lại sẽ làm đóng băng tiến trình này.

Kiếm cớ hay tạo cớ?
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc và Philippines liên tục “khẩu chiến” trong những ngày vừa qua về vụ kiện Biển Đông.

Từ lâu, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và Trung Quốc đã ráo riết thúc đẩy tiến trình thảo luận nhằm sớm cho ra đời Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC), một văn kiện pháp lý mang tính ràng buộc giúp kiềm chế căng thẳng trong khu vực. Tuy nhiên, thỏa thuận được mong đợi này đang đứng trước hai ngả rẽ: hoặc sẽ được tiếp tục đẩy nhanh hơn, hoặc sẽ bị tạm gác sang một bên sau khi Philippines quyết định đi nước cờ mạo hiểm đưa vấn đề Biển Đông ra Tòa án quốc tế.
Trung Quốc kiếm cớ hay Philippines tạo cớ?

Theo nhận định của một số chuyên gia biển đảo trong khu vực, do lâu nay Trung Quốc luôn tìm cách trì hoãn sự ra đời của Bộ quy tắc COC, nay lại có thêm cớ từ vụ kiện của Philippines, nên khả năng xảy ra phương án đầu tiên (đẩy nhanh tiến trình thảo luận văn kiện này) là rất thấp.

“Nếu Trung Quốc đang tìm mọi cách gác qua một bên tiến trình thương lượng với ASEAN về tình trạng căng thẳng ở Biển Đông thì hành động của Philippines có lẽ là cái cớ tốt nhất được tạo ra vào thời điểm này”, tờ Hoa Nam Buổi sáng của Hồng Kông dẫn lời một nhà phân tích nói.

Một số chuyên gia nắm rõ tiến trình đàm phán COC cũng cho rằng động thái của Manila tìm kiếm sự bảo trợ của Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS) sẽ làm phức tạp thêm tình hình căng thẳng biển đảo lâu nay trong khu vực.

“Hành động của Philippines có thể sẽ gây nguy hiểm hơn cho các cuộc thương lượng vốn đã bị trì hoãn lâu nay”, một chuyên gia ở Hồng Kông nói.

Cũng đề cập dưới góc độ này, tờ New Strait Times của Malaysia dẫn nhận định của Tiến sĩ B.A. Hamzah thuộc trường Đại học Quốc phòng Malaysia cho rằng: “Bằng việc khởi xướng một phiên tòa trọng tài chống lại Trung Quốc, Philippines đã tăng thêm tiền tố trong vấn đề Biển Đông”.

“Thành công trong vấn đề trọng tài quốc tế rất mờ mịt, đặc biệt khi xét tới thực tế Trung Quốc là nền kinh tế thứ hai thế giới và là thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc”, Tiến sĩ Hamzah nói thêm.

Lý giải của Manila

Theo dự đoán của giới chuyên gia, cuộc chiến pháp lý giữa Philippines và Trung Quốc sẽ diễn ra vô cùng phức tạp với tiến trình tranh tụng có thể kéo dài hàng năm. Dẫu vậy, Philippines vẫn tuyên bố quyết theo đuổi vụ kiện tới cùng, cho dù Bắc Kinh đã chính thức bác bỏ hành động pháp lý của Manila thông qua hành động trả lại công hàm ngoại giao thông báo về vụ việc.

Trong đơn kiện gửi Tòa án Trọng tài Quốc tế của UNCLOS, Philippines yêu cầu phía Trung Quốc phải giải thích rõ về những cơ sở pháp lý vận dụng cho việc đưa ra đường 9 đoạn, hay còn gọi là “đường lưỡi bò”, chiếm gần hết Biển Đông.

Manila hy vọng việc làm này sẽ giúp một nước ở thế yếu hơn tìm kiếm phán quyết công bằng từ tòa án quốc tế, đồng thời phơi bày quyết tâm vẽ lại bản đồ khu vực của Bắc Kinh sau khi Trung Quốc liên tục tìm cách trì hoãn các cuộc đàm phán về COC với lý do không muốn có sự can dự từ bên ngoài, ám chỉ Mỹ.

“Chúng tôi muốn Tòa án Trọng tài Quốc tế xác định tính hợp pháp của đường 9 đoạn mà Trung Quốc vẽ ra, cũng như tình trạng pháp lý của 10 hòn đảo mà Trung Quốc đã chiếm đóng ở Biển Đông”, Manila tuyên bố.

Mặc dù khẳng định sẽ tuân theo lộ trình của ASEAN, nhưng giới chức Philippines cũng không quên nói thêm rằng Manila đang bị dồn vào chân tường sau 18 năm thất bại trong đàm phán ngoại giao song phương với Bắc Kinh về tranh chấp biển đảo.

“Philippines đã cạn kiệt tất cả các giải pháp chính trị và ngoại giao nhằm giải quyết vấn đề thông qua đàm phán hòa bình với Trung Quốc. Chính điều này đang đẩy vấn đề bảo vệ chủ quyền của chúng tôi vào vòng nguy hiểm”, Ngoại trưởng Philippines Del Rosario tiết lộ.

“Do chủ quyền bị đe dọa trực tiếp, chúng tôi buộc phải hành động để bảo vệ các lợi ích quốc gia. Chúng tôi không còn lựa chọn nào khác ngoài việc phải tìm kiếm một giải pháp bền vững và chúng tôi nhận thấy không thể tiếp tục chờ đợi thêm nữa”, một quan chức khác của Philippines nhấn mạnh.

Cách lý giải này của Manila đã nhận được sự đồng cảm của một số nước, đặc biệt là Mỹ và Liên minh châu Âu (EU).

“Washington ủng hộ nỗ lực của Philippines trong giải quyết các tranh chấp chủ quyền bằng pháp lý”, tân Ngoại trưởng Mỹ John Kerry tuyên bố thẳng với người đồng cấp Del Rosario trong cuộc điện đàm tối 13/2.

"EU đứng về phía Philippines. Chúng tôi hy vọng Trung Quốc sẽ chấp nhận vì tiến trình này sẽ giúp đưa cả hai bên tới... một giải pháp", trưởng phái đoàn lập pháp EU Werner Langen nói khi tới thăm Manila hôm 15/2.

Đối sách của Trung Quốc
Tuy nhiên, Trung Quốc cũng "không vừa". Nước này đang tìm cách “tương kế, tựu kế” sau màn khai hỏa của Philippines với dự định sẽ sử dụng chiêu bài “gậy ông đập lưng ông”. Theo đó, Bắc Kinh sẽ cố tình trì hoãn thêm các cuộc thương lượng với ASEAN về COC với lý do điều kiện chưa chín muồi.

Trước mắt, Trung Quốc cũng đã tỏ rõ lập trường phản đối việc Philippines đưa tranh chấp Biển Đông ra tòa án quốc tế.  

"Chúng tôi không đồng ý với việc Bộ Ngoại giao Philippines đưa vấn đề ra trọng tài quốc tế... Cả Trung Quốc và Philippines đều đã ký Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC) với cam kết thực hiện nghiêm túc tuyên bố này", người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi nêu rõ trong cuộc họp báo thường nhật.
 
“Đề nghị của Philippines là sai trái về mặt lịch sử và pháp lý, mang nội dung cáo buộc không thể chấp nhận được đối với Trung Quốc”, ông Hồng Lỗi nói thêm.  

Ông Hồng Lỗi cũng nhắc lại quan điểm của Bắc Kinh muốn mọi tranh chấp biển đảo phải được giải quyết thông qua đàm phán giữa các bên liên quan trực tiếp. “Trung Quốc cam kết sẽ giải quyết tranh chấp với Philippines thông qua đàm phán song phương nhằm đảm bảo thuận lợi cho quan hệ hai bên cũng như hòa bình, ổn định trong khu vực”.

Tuy nhiên, chính từ “song phương” mà Trung Quốc nhắc tới lại là điều không được Philippines và nhiều nước khác trong khu vực lựa chọn. Nếu làm theo phương cách này, cái mà các nước nhận được chỉ là sự thua thiệt trước một Trung Quốc “mạnh vì gạo, bạo vì tiền”.

Tìm kiếm hướng giải quyết khả thi

Để tránh leo thang căng thẳng, việc trước mắt hai bên cần phải làm là không nên kéo dài tình trạng “hòn bấc ném đi, hòn chì ném lại” như hiện nay.

Mặc dù Philippines vẫn liên tục khẳng định nước này đã đi đúng hướng trong việc kiện Trung Quốc ra tòa án luật biển quốc tế và rằng Manila đã không khởi động vụ kiện nếu như không nắm đủ trong tay các bằng chứng cũng như cơ sở pháp lý đủ sức nặng, song ở góc độ toàn diện hơn thì một cuộc chiến “ăn thua tới cùng” với Bắc Kinh cũng chưa chắc đã tạo ra hướng đi ổn định lâu dài cho khu vực.

Vì vậy, điều quan trọng hơn cả hiện nay là các bên phải cùng nhau xác định được những vấn đề ưu tiên trong xử lý các tranh chấp. Nó có thể được khởi đầu bằng việc các bên xây dựng lại lòng tin thông qua hợp tác thực hiện một dự án chung ở vùng lãnh thổ tranh chấp. Tiếp theo là các bên nhất trí chỉ sử dụng chế tài UNCLOS khi những tranh chấp biển đảo không thể giải quyết được bằng con đường ngoại giao, và khi ASEAN và Trung Quốc không thể soạn thảo được Bộ quy tắc được mong đợi COC.

Hiện tại, COC đang được xây dựng theo hướng trở thành một văn kiện ràng buộc pháp lý để giúp ASEAN - Trung Quốc nâng cao năng lực quản lý, cũng như giải quyết các xung đột ở Biển Đông. Văn kiện này được hoàn thiện dựa trên DOC ký giữa Trung Quốc và ASEAN năm 2002. Mặc dù ASEAN đã bước sang một giai đoạn mới với việc cả nước chủ tịch Brunei và tân Tổng thư ký Lê Lương Minh đều nhấn mạnh tầm quan trọng của việc nhanh chóng cho ra đời COC, song vẫn có ít dấu hiệu cho thấy những cuộc thương lượng cụ thể với Trung Quốc sẽ sớm được bắt đầu, nhất là khi Bắc Kinh còn đang vướng vào vụ kiện của Manila.

Khi phải đối mặt với khó khăn, phản xạ đầu tiên của con người thường là tìm cách thoái thác với bất kỳ cớ nào có được. Trong hành trình tìm kiếm COC hiện nay cũng vậy, Bắc Kinh rất có thể sẽ viện cớ “đang vướng vào cuộc chiến pháp lý với Philippines” để trì hoãn đàm phán COC. Một số nhà ngoại giao ASEAN còn dự đoán rằng phải chờ đến năm 2015, hoặc thậm chí lâu hơn ASEAN và Trung Quốc mới có thể “khai sinh” Bộ quy tắc này, dù rằng vẫn biết việc COC có thực sự phát huy tác dụng trong quản lý và giải quyết tranh chấp ở Biển Đông lại là một câu hỏi khác.
Việt Giang