1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Phía sau động thái rút chức của Tổng tham mưu trưởng Triều Tiên

(Dân trí) - Việc Triều Tiên hôm nay công bố rút chức của tổng tham mưu trưởng quân đội, một trong những vị trí quan trọng nhất trong bộ máy quyền lực của nước này, vì lý do sức khỏe được xem là bất thường lớn, gây nhiều đồn đoán.

 
Ông Ri Yong-Ho (trái) tháp tùng lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un trong một sự kiện ngày 16/2.
Ông Ri Yong-Ho (trái) tháp tùng lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un trong một sự kiện ngày 16/2.
Bị "thất sủng"?
 
Ông Ri Yong-Ho được xem là một trong những nhân vật chủ chốt đã giúp tập hợp sự ủng hộ quanh tân lãnh đạo trẻ Kim Jong-un trong cuộc chuyển giao quyền lực sau khi cha ông, nhà lãnh đạo Kim Jong-il qua đời.

 

Việc rút chức và thông báo bất ngờ của Triều Tiên là “rất bất thường”, một phát ngôn viên của Bộ thống nhất ở Seoul, bộ phụ trách các vấn đề liên Triều, cho biết. Và Hàn Quốc “đang theo dõi sát tình hình”. Trong khi đó, một số nhà quan sát cho rằng ông Ri có thể đã bị “thất sủng”.
 

Daniel Pinkston, nhà phân tích về Triều Tiên tại Tổ chức khủng hoảng quốc tế (International Crisis Group), cũng tỏ ra nghi ngờ về lý do bệnh tật, một phần là bởi ông Ri trông có vẻ rất bình thường trong những lần xuất hiện gần đây. Pinkston cho biết ông Ri đã giành được sự bổ nhiệm lớn trong cuộc họp đảng vào tháng 9/2010, nhưng không nhận được gì vào tháng 4 vừa qua, làm dấy lên đồn đoán về tương lai của vị tướng này. “Có khả năng cao đây không phải là vấn đề sức khỏe mà là ông bị loại bỏ”, ông Pinkston nhận xét.

 

Quân nhân 69 tuổi này đã được bổ nhiệm làm tổng tham mưu trưởng đội quân 1,2 triệu người, một trong những đội quân lớn nhất thế giới, vào năm 2009 và thường xuyên được thấy tháp tùng ông Kim Jong-un trong các chuyến viếng thăm các căn cứ quân sự trong những tháng gần đây.

 

Hãng thông tấn chính thức của Triều Tiên KCNA cho biết quyết định rút mọi chức vụ của ông Ri “do ông bị ốm” được đưa ra tại cuộc họp của các quan chức cấp cao trong đảng Lao động Triều Tiên cầm quyền vào ngày hôm qua, 15/7.

 

Ông bị rút khỏi “bộ chính trị”, cơ quan ít thành viên nhưng có quyền lực nhất ở Triều Tiên, “phó chủ tịch quân ủy trung ương”, cơ quan của đảng Lao động Triều Tiên, KCNA cho hay.

 

Ông Ri là một trong 7 quan chức cấp cao của đảng và quân đội tháp tùng ông Kim Jong-un đi bên cạnh chiếc xe tang chở thi hài nhà lãnh đạo Kim Jong-il trong tang lễ hồi tháng 12 năm ngoái. Đây là sự kiện mang tính chất biểu tượng của “Bộ 7” nhân vật trung tâm giúp củng cố chính quyền của tân lãnh đạo Kim Jong-un. Mới ngày 8/7 vừa qua, ông Ri được thấy tháp tùng ông Kim Jong-un khi tân lãnh đạo dự buổi lễ tưởng nhớ nhà lãnh đạo sáng lập Kim Nhật Thành tại Bình Nhưỡng.

 

Giáo sư Yang Moo-Jin, Đại học Nghiên cứu Triều Tiên tại Hàn Quốc, cho biết ông nghi ngờ về lý do rút chức vụ đối với vị chỉ huy chiến trường kỳ cựu Ri Yong-Ho.

 

“Ông ấy có thể bị thất sủng trước ông Kim Jong-un hoặc bị thua trong cuộc cạnh tranh quyền lực với các lãnh đạo quân sự khác”, ông nhận xét. Ông cho biêt thêm Bình Nhưỡng hiếm khi rút chức của các quan chức đảng hoặc quân đội vì lý do sức khỏe.

 
"Thay đổi thế hệ"? 
 

Paik Hak-Soon, thuộc Viện Sejong của Hàn Quốc, cho rằng có thể ông Kim Jong-un đang muốn tăng cường quyền lực cho Đảng Lao động Triều Tiên, bởi quân đội đã là cơ quan nắm quá nhiều quyền lực theo chính sách Songun (ưu tiên quân đội) của nhà lãnh đạo Kim Jong-il.

 

“Ông Kim Jong-un sẽ đảm bảo được giờ đây Đảng sẽ theo dõi, kiểm soát được quân đội, nỗ lực cha ông đã bắt đầu vào cuối năm 2010, trước khi ông qua đời”, ông Paik đánh giá.

 

“Ông Ri là nhân vật cố hữu đã già từ thời của ông Kim Jong-il. Nhiều khả năng ông Kim Jong-un sẽ thay thế ông bằng ai đó trẻ hơn và gần gũi với đảng hơn…một người dễ kiểm soát hơn”, ông Paik nhận định.
 

Việc rút chức của một quan chức quân đội cấp cao là động thái đặc biệt quan trọng ở Triều Tiên, đất nước theo chính sách ưu tiên quân sự dưới lãnh đạo của ông Kim Jong-il.

 

Ông Kim Jong-un vẫn theo chính sách ưu tiên quân sự Songun, nhưng hồi tháng 4, ông cũng bổ nhiệm những quan chức trẻ có kiến thức về kinh tế vào những vị trí then chốt trong đảng, trong động thái thúc đẩy kinh tế của đất nước.

 

Hong Hyun-ik, nhà phân tích tại viện phân tích Sejong, cũng cho rằng sự ra đi của ông Ri có khả năng không liên quan đến bệnh tật, mà là nỗ lực của nhà lãnh đạo trẻ Kim Jong-un nhằm đưa một nhân vật thân thiết hơn vào hàng ngũ lãnh đạo cấp cao. Và ông Hong Hyun-ik dự đoán trong những tuần tới sẽ còn có thêm các quan chức cao tuổi bị mất chức. Nhà phân tích này cũng gọi đây là một phần của động thái “thay đổi thế hệ”.

 

Vũ Quý

Theo AFP, AP